Những bữa cơm giao thừa 'đa văn hóa' của du học sinh

21/01/2023 21:30

Đón năm mới tại xứ người, du học sinh Việt Nam tại Italia quây quần cùng đồng hương, giao lưu với bạn bè quốc tế và nấu những món ăn thuần Việt để vơi đi phần nào nỗi nhớ gia đình.

Chia sẻ với VietNamNet, 6 bạn trẻ hiện học tập tại Italia đã trải lòng về kỷ niệm đón năm mới tại đất nước hình chiếc ủng.

Các bạn đã tranh thủ những kỳ nghỉ năm mới để tụ họp đồng hương, chiêu đãi bạn bè quốc tế với những món ăn Việt và trải nghiệm những nét văn hóa bản địa thông qua những chuyến đi.

Cách tân món Tết kiểu “có gì ăn đấy"

Nguyễn Mai Hương (sinh viên Đại học Padova) cho biết bản thân đã lần thứ 2 đón Tết xa nhà.

Cô gái sinh viên Đại học Padova đã lần thứ 2 đón Tết xa nhà.

Hương cho biết năm mới là dịp lễ lớn của Italia và vào đêm giao thừa, các gia đình đều tụ họp. Dù đó chỉ là khoảnh khắc giao thời của năm Dương lịch nhưng cũng làm cô nữ sinh Đại học Padova chạnh lòng, thổn thức mà nhớ về quê nhà.

Mai Hương thường nấu những món ăn để chào đón Năm mới.

“… Nhưng cũng có nhiều bạn bè và các anh chị đồng hương ở đây nên mình đỡ buồn. Hơn nữa, mình còn được các anh chị mừng tuổi nên nỗi nhớ nhà, nhớ Tết cũng vơi đi phần nào”, Hương chia sẻ.

Như nhiều nước châu Âu khác, Italia chỉ đón Tết Dương lịch nên thời điểm Tết Nguyên đán, du học sinh Việt Nam không được nghỉ, thậm chí còn trùng vào kỳ thi.

“Tuy nhiên, để giữ được tinh thần ngày Tết cổ truyền, mình cùng các anh chị sinh viên Việt Nam luôn tụ tập và nấu những món ăn truyền thống đã được cách tân theo phong cách “có gì ăn đấy".

Mai Hương cũng tích cực giao lưu với bạn bè quốc tế.

Ngoài ra, Hương cũng chơi chung với một số bạn bè Trung Quốc nên mọi người thường tụ họp, nấu những món đặc trưng của quốc gia mình dịp Tết và tổ chức “giao lưu văn hóa”.

Giống Mai Hương, bạn Nguyễn Thu Phương (sinh viên Đại hoc Padova) đã 2 lần đón Tết xa quê.

Thu Phương tranh thủ kỳ nghỉ để đi du lịch. 

“Thấy gia đình bạn bè tụ họp, mình cũng nhớ gia đình ở quê lắm. Không ai lì xì nên cũng hơi buồn. Nhưng mình tìm đến những thú vui khác như du lịch".

Phương cho biết năm ngoái đã đi du lịch Thụy Sỹ. Năm nay, cô gái vừa trở về từ chuyến tham quan thủ phủ Florence của vùng Toscana, miền Trung Italia.

3 lần đón Tết ở Ba Lan, 1 lần ở Italia

Lê Khánh Linh (Đại học Padova) đã đón 3 cái Tết tại Ba Lan khi còn học cử nhân và năm nay là cái Tết đầu tiên của cô gái ở Italia.

“Vì năm nay thành phố Padova không tổ chức đốt pháo hoa nên đêm giao thừa mình ở nhà nghỉ ngơi sau mấy ngày du lịch liên tục. Nghe hơi cô đơn nhưng lại khá ấm cúng và yên bình”.

Chia sẻ với VietnamNet, Linh cho biết bản thân cũng khá quen với cảm giác xa nhà, nhưng vẫn nhớ gia đình và nhớ không khí Sài Gòn dịp Tết.

“Trước khi đi du học xa nhà vào dịp Tết mình hay cùng bạn bè hoặc gia đình đi dạo phố ở Trung tâm thành phố rồi xem pháo hoa ở Bến Bạch Đằng”.

“Những năm ở Ba Lan thì rất may Tết Âm lịch lại rơi vào dịp nghỉ giữa 2 kỳ học, nên mình có thời gian để tranh thủ về Việt Nam đón Tết cùng gia đình. Dù thời gian khá ngắn ngủi nhưng rất đặc biệt và rất vui."

Năm nay, Tết Âm lịch đến sớm, vừa vặn ngay đợt thi cuối kỳ kéo dài, không đi du lịch hay về thăm gia đình được nên Khánh Linh lập kế hoạch cùng các bạn đặt mua bánh chưng, giò chả và đi chợ châu Á để chuẩn bị bữa tối nhỏ cùng nhau.

“Cứ sắp Tết lại thèm bánh chưng và xôi gấc”

Tân sinh viên đại học Padova Dương Khánh Linh đã từng trải qua mấy mùa Tết tại Tây Ban Nha. Khánh Linh cho biết thường tụ tập với bạn bè quốc tế và nấu mỗi quốc gia một món ăn để giao lưu văn hoá.

Khánh Linh thường tụ tập bạn bè quốc tế vào dịp năm mới.

Tranh thủ thời gian được nghỉ, Linh thường đi du lịch ở các nước trong khối liên minh châu Âu. Khi Tết Nguyên đán đến, Linh cố gắng sắp xếp thời gian để tụ hội với cộng đồng người Việt ăn bữa cơm tất niên và đón năm mới âm lịch. “Đợt ở Tây Ban Nha bọn mình còn tự mua pháo hoa để đốt nữa!”

Dù đã đi du học xa nhà lâu năm, nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, Linh vẫn không khỏi cảm thấy nhớ nhà và nhớ hương vị Tết.

“Cũng may là còn có những người đồng hương Việt Nam cũng ở đây nên nỗi nhớ cũng vơi đi phần nào. Cứ sắp tết là mình lại thèm bánh chưng và xôi gấc.”

Trong khi đó, Nguyễn Phương Mai và Phạm Quang Minh (Đại học Padova) đã đón 3 cái Tết tại Italia.

“Năm đầu tiên mình sang tất cả các thành phố đều phong tỏa vì vẫn đang dịch COVID-19, mình đón giao thừa cùng một vài người bạn tại nhà. Bọn mình có tổ chức nấu ăn cùng nhau một số món ăn của Italia, uống rượu vang và chơi game cùng nhau tới sáng.

Năm 2022 mình đi du lịch trên núi. Năm nay mọi thứ trở lại bình thường nên mình có đi dạo lên trung tâm để countdown và xem ca nhạc”, Phương Mai chia sẻ.

Phương Mai thường tụ tập bạn bè và nấu ăn.

Đón Tết Nguyên đán xa quê, Phương Mai cùng bạn bè sẽ tập trung tại nhà một người, góp tiền mua đồ và nấu một số món ăn Việt Nam đơn giản như thịt kho tầu, canh măng miến, nem rán, cùng ngồi ăn và xem Táo quân.

“Đến 6h chiều (tức 12 đêm Giao thừa Việt Nam) bọn mình sẽ gọi điện về chúc Tết bạn bè và gia đình.”

“Nhớ nhất là cảm giác gói bánh chưng và nấu bánh chưng cùng gia đình. Tuy nhiên, vì mình đã ăn Tết xa nhà nhiều lần nên dần cũng quen”.

Với Quang Minh, Tết Nguyên đán sát với kỳ thi nên chàng trai thường cố gắng sắp xếp để có thể cùng bạn bè đi cafe và các chợ quanh thành phố.

“Ở Italia thời điểm Tết Nguyên đán thời tiết khá giống Hà Nội. Các loại hoa nở đẹp nên bọn mình cũng có những kiểu ảnh rất ấn tượng. Chúng mình cũng sẽ đón giao thừa theo cả giờ "tây" giờ "ta" bằng bữa tiệc nho nhỏ các món ăn cổ truyền.”

Các bạn du học sinh Việt Nam tụ họp với nhau.

“Vì kỳ nghỉ lễ thường kéo dài từ giáng sinh nên mình có đi du lịch và tụ tập bạn bè để nấu các món ăn Việt Nam. Thời gian đầu cũng có chút nhớ nhà nhưng "gặp" người thân qua video call nên mình cũng không còn thấy nhiều xa cách nữa.

Đặc biệt, gia đình mình cũng rất hiểu và luôn động viên nên mình thấy bớt nhớ nhà”, Quang Minh trải lòng.

Bảo Huy

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Những bữa cơm giao thừa 'đa văn hóa' của du học sinh
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO