Những biểu hiện hoại tử xương vùng đầu và mặt sau mắc COVID-19

NGUYỄN LY| 13/07/2022 19:29

TPHCM – Ngày càng có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lung lay răng, chảy mủ, xưng đau họng … đến khi được thăm khám, chẩn đoán thì phần bị hoại tử đã xuất hiện, thậm chí là lan rộng đe doạ đến tính mạng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương (tại TPHCM) cho biết, từ khi TPHCM mở cửa trở lại, Bệnh viện đã tiếp nhận 16 trường hợp nhập viện bị hoại tử xương hàm trên và vùng mặt. Trong đó, có 3 ca nặng kèm bệnh lý tiểu đường nên chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Đặc điểm chung của tất cả những ca bệnh này đều xuất hiện sau khi mắc COVID-19.

Bệnh nhân bị hoại tử xương vùng đầu đã được phẫu thuật thành công. Ảnh: Nguyễn Ly
Bệnh nhân bị hoại tử xương vùng đầu đã được phẫu thuật thành công. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, với những bệnh lý về hoại tử xương hàm thường xảy ra ở xương hàm dưới, vì mạch máu nuôi được cung cấp ít hơn xương hàm trên. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm hiện nay nhiều bệnh nhân bị hoại tử xương hàm trên nhập viện, đa phần không rõ nguyên nhân và biểu hiện ban đầu là lung lay răng nhẹ, thậm chí  có bệnh nhân bị hoại tử xương hàm trên lan nhanh lên tận xương thái dương, xương gò má, tới sàn sọ não …

Những bệnh nhân này thường bị tiểu đường làm ảnh hưởng mạch máu, giảm sức đề kháng, nuôi dưỡng khiến cho xương bị hoại tử, giúp cho vi khuẩn, nấm nhiễm làm tăng hoại tử và tỉ lệ tử vong cao.

Hiện nay, nguyên nhân chắc chắn có phải do COVID-19 hay không thì chưa có công trình nghiên cứu nào thực hiện và khẳng định. Tuy nhiên, các y văn thế giới tổng hợp đưa ra bốn nguyên nhân chính có nguy cơ gây ra tình trạng “chết xương” lạ này như: Do COVID-19 bám vào thụ thể ACE-2 (ở niêm mạc mũi, miệng) có khả năng làm tắc mạch máu nuôi xương hàm trên và gây tăng đông, giảm máu nuôi dưỡng xương; Sử dụng thuốc Corticosteroid trong phác đồ điều trị COVID-19; Bị nhiễm trùng cơ hội do vi khuẩn, vi nấm; Những bệnh nhân có bệnh toàn thân như đái tháo đường…

Trong công tác điều trị hoại tử xương đều giống nhau, các bác sĩ sẽ phải xử lý hết phần xương đã chết và nhiễm trùng để không còn ổ nhiễm. Nếu không lấy hết sẽ bị viêm nhiễm, sốc nhiễm trùng… rất nguy hiểm. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được theo dõi từ 3-6 tháng, phần xương bị hoại tử sẽ được tái tạo vi phẫu nhằm phục hồi hàm mặt cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn khuyến cáo, khi người dân có triệu chứng lung lay răng, chảy mủ, xưng đau họng… thậm chí là loét lộ xương rõ ràng cần đến bệnh viện ngay lập tức, bởi phát hiện càng sớm ổ nhiễm trùng và phần xương hoại tử càng nhỏ, khả năng phục hồi nhanh hơn.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những biểu hiện hoại tử xương vùng đầu và mặt sau mắc COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO