Trong những năm sau Chiến tranh thế giới thứ 2, cả ở Liên Xô và Mỹ, người ta tin rằng máy bay quân sự càng nhanh thì càng có nhiều cơ hội hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Một phần nào đó, đây là một tư duy quân sự đúng đắn, được chứng minh rõ ràng bởi các máy bay ném bom trinh sát siêu thanh MiG-25RB của Liên Xô, thực hiện các chuyến bay trinh sát trên lãnh thổ Israel trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel. Không quân đối phương không thể đuổi kịp những chiếc máy bay này hoặc bắn hạ chúng bằng vũ khí phòng không mặt đất.
Một thời gian sau, các nhà thiết kế hàng không Liên Xô và các đồng nghiệp từ Mỹ đã ngừng chạy theo tốc độ. Lý do là vật liệu cấu trúc cho máy bay có các đặc tính cường độ nhất định phụ thuộc vào nhiệt độ của chúng trong chuyến bay siêu thanh.
Ngoài ra, các động cơ mới là cần thiết để tăng thêm tốc độ của máy bay, trong khi công nghệ thời đó không cho phép chúng được chế tạo. Vì nhiều lý do, cuộc chạy đua về tốc độ trong ngành hàng không quân sự đã bị hủy bỏ. Kỳ vọng được đặt cược vào việc nghiên cứu các phương tiện phòng không tầm xa hiện đại và công nghệ giảm phản xạ radar của máy bay mới.
Nhà vô địch tuyệt đối về tốc độ trong số các máy bay chiến đấu của Liên Xô là tiêm kích đánh chặn MiG-25 và “người thừa kế” MiG-31. MiG-31 hiện vẫn nằm trong biên chế của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
Đối với Mỹ, máy bay trinh sát SR-71 Blackbird (“Chim đen”) trở thành loại máy bay nhanh nhất, đủ gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng phòng không Liên Xô. Chiếc máy bay này giữ kỷ lục tốc độ tuyệt đối trong số các máy bay chiến đấu trên thế giới, lên tới 3529 km/h (Mach 3,3).
Theo các công bố chính thức, kỷ lục này đã không bị phá vỡ bởi bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào khác, tuy nhiên, trong một ấn bản của Mỹ năm 1945, một bài báo đã được xuất bản đã đề cập tới loại máy bay trinh sát bí ẩn SR-91 Aurora (“Cực quang”), được cho là có tốc độ tối đa vượt quá Mach 5. Vậy liệu các máy bay do thám có tốc độ lên tới Mach 5 có thực sự tồn tại?
Các tác giả người Mỹ lưu ý, vào những năm 1980, Không quân Mỹ đang tìm kiếm một loại máy bay mới có thể thay thế SR-71. Các tác giả cho rằng, vào năm 1985, tên mã “Aurora” đã xuất hiện trong một dự án ngân sách chế tạo một máy bay trinh sát mới. Tốc độ của máy bay mới vượt quá Mach 5 và bay ở độ cao là 90.000 feet (27,4 km).
Các chuyên gia Mỹ không loại trừ khả năng máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 Spirit, cất cánh vào cuối những năm 1980 và ra mắt công chúng vào năm 1997, có thể đang mang mã định danh này. Nói chung, các chuyên gia từ Mỹ nói “Aurora” vẫn còn là một bí ẩn.
Nguyên mẫu SR-91 “Aurora” có được chế tạo?
Trong một bài viết được xuất bản, các nhà báo Mỹ có đề cập đến một “nhân chứng” cụ thể, người đã tuyên bố rằng nhìn thấy một chiếc máy bay hình tam giác, có thể là một mẫu máy bay mới. Kỹ sư Chris Gibson cho biết đã nhìn thấy chiếc máy bay mới trên Biển Bắc vào năm 1989.
Đồng thời, các chuyên gia nước ngoài trực tiếp chỉ ra rằng chiếc máy bay “mới” này có thể là B-2 hoặc F-117. F-117 được Không quân Mỹ sử dụng khá tích cực vào thời điểm đó và nhân chứng không thể nhìn thấy “Aurora” chỉ đơn giản là vì tốc độ bay quá nhanh.
SR-91 cũng được ghi nhận với cái gọi là “động đất bầu trời” xảy ra ở Los Angeles vào cuối những năm 1990. Nhiều người cho rằng những tiếng ồn khủng khiếp trên bầu trời có thể được tạo ra chính xác bởi một chiếc máy bay bí mật cất cánh từ Groom Lake, Nevada. Tuy nhiên, các bằng chứng còn khá mờ nhạt.
Nếu chúng ta xem xét kỹ lời của nhân chứng cho biết đã nhìn thấy một chiếc máy bay hình tam giác trên Biển Bắc, thì đó có thể chỉ là chiếc SR-71 Blackbird, cất cánh từ Vương quốc Anh và thực hiện chuyến bay trinh sát đến Baltic, biên giới Liên Xô. Đối với sự tồn tại của một máy bay SR-91, nhiều khả năng đây là một sản phẩm của trí tưởng tượng.
Trên thực tế, cho đến nay Mỹ vẫn chưa thể tạo ra một tên lửa siêu thanh thông minh phóng từ trên không. Do đó, khả năng Mỹ chế tạo được một chiếc máy bay siêu thanh, có tốc độ lên tới Mach 5 là một điều rất vô lý. Do đó, gần như có thể hoàn toàn chắc chắn rằng chiếc máy bay do thám SR-91 “Aurora” chưa từng xuất hiện trên thế giới.
Hạ Thảo (lược dịch)