Những bí mật của con trẻ cần được tôn trọng

Kim Thoa| 04/04/2022 17:13

Mọi người lớn đều đòi hỏi được tôn trọng quyền riêng tư, song không phải ai làm cha mẹ cũng vượt qua được sự tò mò về những bí mật của con cái mình.

Ảnh minh họa: INTẢnh minh họa: INT

Ngưỡng nào cho sự riêng tư của trẻ?

Đã có rất nhiều câu chuyện đau lòng từ hệ lụy của hành vi xâm phạm quyền riêng tư từ phía cha mẹ đối với trẻ. Những hành động thiếu kiểm soát của trẻ một phần từ việc thiếu kiềm chế cảm xúc, hành vi nhưng trong các câu chuyện này cần trách các bậc cha mẹ thiếu kỹ năng.

Không ít cha mẹ nghĩ rằng, thế giới riêng của người lớn là to tát còn của trẻ là không quan trọng. Những bí mật, những câu chuyện thầm kín trẻ muốn cất giữ cho riêng mình đó có thể chỉ là một mối quan hệ bạn bè, một suy nghĩ ước muốn riêng nào đó.

Có thể những “bí mật” đó với người lớn thì bình thường nhưng với trẻ, nếu lộ ra ngoài sẽ vô cùng khủng khiếp. Rõ ràng lăng kính của cha mẹ và con cái, đặc biệt ở tuổi dậy thì là khác nhau hoàn toàn. Cha mẹ đừng xem thường điều đó mà hãy tôn trọng quyền trẻ em nói chung, trong đó có quyền riêng tư.

Nhà văn, nhà báo Lữ Mai (Báo Nhân dân) chia sẻ: Tôi cho rằng, quyền riêng tư là vấn đề quan trọng nhưng chứa đựng nhiều nhạy cảm khi ràng buộc bởi ranh giới của nó và giới hạn nhận thức của con người.

Khẳng định, tôn trọng quyền riêng tư của trẻ là cần thiết và cha mẹ nhất thiết dạy con tôn trọng quyền riêng tư của người khác, nhà văn Lữ Mai đồng thời nhấn mạnh, quyền riêng tư cần được hiểu đúng, áp dụng linh hoạt theo từng giai đoạn phát triển, gắn với tính cách, đặc thù từng trẻ. Cùng đó, đây là vấn đề đáng được quan tâm bởi hiện nay có quá nhiều sự xâm phạm cả cố ý và vô ý từ người lớn tới quyền lợi chính đáng này của trẻ.

Để làm được điều đó, nữ nhà văn cho rằng, cha mẹ và người lớn nói chung cần trang bị kiến thức về pháp luật, văn hóa, xã hội, tâm lý... để vừa tôn trọng trẻ vừa bảo đảm việc dạy dỗ, định hướng cho con em mình. Thực tế cho thấy, một đứa trẻ bị xâm phạm quyền riêng tư sẽ đối mặt nguy cơ phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực. Tuy nhiên, nếu tự do quá đà, cũng dễ dẫn đến những hệ lụy không hề nhỏ.

“Trong quá trình nuôi dạy trẻ, cha mẹ cần cân bằng các yếu tố về tôn trọng các quyền của trẻ bằng sự hiểu biết và tình yêu thương. Tôi cho rằng, để hiểu và thực hiện đúng về quyền riêng tư, mỗi người lớn cần hiểu rõ về đứa trẻ, hãy làm một người bạn lớn của con mình để hiểu được tâm tư, nguyện vọng cũng như nguồn gốc những lỗi lầm, sai trái của chúng.

Bên cạnh đó, cha mẹ hãy tự coi mình như một tấm gương phản chiếu vào trẻ. Chừng nào trẻ còn chứng kiến người lớn đầy sai sót, thiếu tôn trọng nhau, thường xuyên xâm phạm các quyền, trong đó có quyền riêng tư... thì chúng ta không đủ cơ sở, nền tảng để dạy dỗ trẻ về vấn đề tôn trọng quyền riêng tư của người khác”, nhà văn Lữ Mai nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, ở một góc độ nào đó, trẻ em vẫn cần có sự kiểm soát hay dõi theo của cha mẹ. Kiểm soát sẽ mang ý nghĩa tích cực khi có sự thỏa thuận, đồng tình giữa các thành viên. Nếu như sự tương tác văn minh tinh tế, trẻ thậm chí sẽ tự nguyện để nói chuyện với bố mẹ về những bí mật của mình.


Ảnh minh họa: INT.

Cách để con tự “bật mí” những riêng tư

Theo nhận định của ThS tâm lý học Nguyễn Văn Quyết, Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày mới: Vấn đề về quyền riêng tư là mối quan tâm của trẻ từ tuổi tiểu học nhưng là mối quan tâm đặc biệt của nhóm trẻ ở tuổi dậy thì, thanh thiếu niên. Đặc điểm giai đoạn tuổi này, trẻ chuyển dịch từ việc gắn kết gia đình sang nhu cầu được giao lưu, kết nối, chia sẻ với nhóm bạn. Các con có xu hướng ít chia sẻ với bố mẹ mà chọn trao đổi, nói chuyện với bạn bè cùng nhóm tuổi của mình với nhiều mối quan tâm chung.

Ở tuổi dậy thì, hầu hết trẻ đều có những bí mật của riêng mình, những điều thầm kín không muốn chia sẻ với bố mẹ. Bởi vậy, một số phụ huynh có con vào giai đoạn này thường cảm thấy sốc vì thấy con đang ngày một xa mình hơn.

Theo ThS Nguyễn Văn Quyết: Việc người lớn kiểm tra tin nhắn điện thoại, đọc nhật ký của trẻ khi chưa được sự cho phép là hành vi xâm phạm quyền riêng tư – hành vi mà trẻ “dị ứng” nhất. Điều này có thể xuất phát từ những tò mò và mong muốn kiểm soát cả đến suy nghĩ của con. Cũng có thể do sự lo lắng, muốn tìm hiểu con để yên tâm rằng con đang suy nghĩ tích cực... Tuy nhiên, điều này lại có thể tác động rất tiêu cực tới mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Các con sẽ cảm thấy không được tôn trọng, không được tin tưởng. Những hành động có tính chất lặp lại còn có thể mau chóng bào mòn tình cảm, dẫn tới sự xa cách trong mối quan hệ gia đình, rất khó cứu vãn.

Mối quan hệ không tốt giữa bố mẹ và con cái có thể khiến các con bị đẩy xa ra khỏi gia đình và dễ bị lôi kéo vào những nhóm bạn xấu. Vì thế, bố mẹ cần tìm hiểu đặc điểm tâm lý lứa tuổi, tính cách của trẻ để khéo léo quan tâm, chia sẻ với con hơn.

Chúng ta hoàn toàn có thể được nghe những bí mật của trẻ do chính trẻ kể lại, chi tiết và tỉ mỉ, dễ hiểu hơn khi “vụng trộm” tự tìm hiểu những điều trẻ không cho phép.

Cùng đó, các bố mẹ cần tự trang bị các kỹ năng nói chuyện, chia sẻ với con trong tâm thế người đồng hành tin cậy. Những câu chuyện kiểu “ngày mẹ bằng tuổi con…” hay “nếu bố là con bố sẽ…”… chứa rất nhiều cơ hội chiếm cảm tình và chia sẻ bí mật riêng tư của trẻ. Điều quan trọng giúp chúng ta không bị giật mình bởi những thay đổi tâm sinh lý của con là hãy luôn sẵn sàng làm bạn với con ở mọi giai đoạn phát triển khi con chưa đủ kiến thức và kỹ năng để khước từ những điều chưa chuẩn mực.

“Khi con trong độ tuổi học sinh, cha mẹ cần lưu ý và tôn trọng những đặc điểm riêng của con. Cả những nhóm bạn hay các hoạt động mà con đang tham gia. Tuy nhiên, những hội bạn hoặc hoạt động gây ảnh hưởng tới bản thân con hoặc người khác, cha mẹ cần khéo léo để tìm cách nói chuyện, chia sẻ để con hiểu về những nguy hại con có thể gặp.

Cha mẹ cần lưu ý, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để định hướng trẻ và ngăn chặn sớm nguy cơ trẻ có những bí mật có hại”, nhà văn Lữ Mai chia sẻ.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những bí mật của con trẻ cần được tôn trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO