Những bệnh nhân ung thư thành con nợ, thấp thỏm chờ "gia hạn" sống

04/03/2023 16:40

Nhiều bệnh nhân ung thư như ngồi trên đống lửa, khi còn hàng chục lần xạ trị nhưng sợ thiết bị bất ngờ hư hỏng. Số khác không biết cầm cự được đến lúc nào, vì đã vay hàng trăm triệu đồng mua thuốc.

Thiếu thuốc, phải chờ đợi lâu, di chuyển nhiều nơi để chụp chiếu vì bệnh viện hỏng máy móc nhưng không sửa chữa được, là tình cảnh oái oăm mà các bệnh nhân đang điều trị tại những bệnh viện lớn ở TPHCM phải chịu đựng nhiều tuần qua.

"Thêm nữa thì không gánh nổi"

Chiều muộn, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM vẫn còn rất đông người nằm trên băng ca chờ thực hiện các kỹ thuật như DSA, MRI, CT. Trên nét mặt của họ, ngoài nỗi đau bệnh tật, còn là sự mệt mỏi, vì không biết khi nào mới đến lượt mình.

Còn tại khoa Xạ trị, những ngày qua bỗng có thêm các "vị khách" bất ngờ. Họ không phải bệnh nhân như đúng chuyên môn nơi này điều trị, mà là các trường hợp chuyển đến từ Cấp cứu và nhiều khoa, phòng khác để… chụp CT nhờ.

Những bệnh nhân ung thư thành con nợ, thấp thỏm chờ gia hạn sống - 1

Bệnh nhân chờ chụp chiếu tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Đó cũng là các khu vực còn sót lại 2 máy chụp cắt lớp (CT-scaner) vẫn hoạt động được của Bệnh viện Chợ Rẫy. Trước đó, 3 máy tiền tỷ đã trong tình trạng "đắp chiếu", vì hỏng mà không được sửa chữa, do vướng cơ chế trong quy định đấu thầu. Hậu quả, Bệnh viện Chợ Rẫy phải chuyển 4.000 trường hợp (trong tổng số 6.000 lượt bệnh nhân) cần chụp CT mỗi ngày sang các cơ sở khác thực hiện.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Trần Văn Mừng, Phó Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Ngoại thần kinh Quốc tế (quận Tân Phú) chia sẻ, khoảng 1 tháng nay, số lượng bệnh nhân cần chụp CT, MRI được Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển đến tăng gấp 2-3 lần.

Mỗi ngày, nơi đây chuẩn bị khoảng 20-25 chuyến xe cấp cứu, đưa trên dưới 400 bệnh nhân theo từng đợt từ Bệnh viện Chợ Rẫy đến chụp chiếu rồi chở về. Bác sĩ Mừng cho biết, việc chụp CT bình thường chỉ tốn khoảng 5 phút, nhưng vì các bệnh nhân phải mất thêm thời gian di chuyển, chuẩn bị, nên trung bình mỗi người cần 35-40 phút để làm xong. Đó là chưa kể thời gian chờ đợi đến lượt. Vì số lượng bệnh gia tăng, các nhân viên y tế phải làm việc từ sáng sớm đến 20-21h mới có thể đáp ứng.

"Chúng tôi chỉ hỗ trợ kỹ thuật, các chi phí bệnh nhân đều đóng theo giá quy định tại Bệnh viện Chợ Rẫy, phim ảnh sau khi chụp CT, MRI cũng chuyển hết về để bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy xem. Khả năng của bệnh viện cũng chỉ làm được cho 450-500 ca/ngày, nếu hơn nữa thì bệnh viện không thể gánh nổi" - bác sĩ Mừng nói.

Những bệnh nhân ung thư thành con nợ, thấp thỏm chờ gia hạn sống - 2
Những bệnh nhân ung thư thành con nợ, thấp thỏm chờ gia hạn sống - 3

Những bệnh nhân ung thư thành con nợ, thấp thỏm chờ gia hạn sống - 4

Chị L., quê ở một tỉnh miền Tây bất đắc dĩ phải thuê trọ ở lại TPHCM, khi lên đến nơi mới bất ngờ nhận thông báo phải chờ 3 ngày để người nhà được chụp CT, vì máy móc không đủ. Tính mạng chồng đang bị đe dọa vì bạo bệnh, nên dù bất tiện thế nào, chị L. phải cố gắng chờ để bác sĩ xác định được tình trạng cụ thể, mới có hướng điều trị tốt nhất.

Vừa xạ trị, vừa sợ máy hỏng

Con đường điều trị của các bệnh nhân ung thư tại bệnh viện hạng đặc biệt ở TPHCM cũng không khá khẩm là bao, khi 4 máy xạ trị gia tốc của Bệnh viện Chợ Rẫy (trị giá hơn 30 tỷ đồng/máy) chỉ còn hoạt động được 2.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đô, Trưởng khoa Xạ trị chia sẻ, 2 máy xạ trị đã ngừng hoạt động từ quý 2 của năm 2022. Sau khi máy hỏng, khoa đã báo ngay cho đơn vị cung ứng, và được xác định cần phải thay mới một vài bộ phận bên trong. Nhưng đến nay, máy vẫn "đóng băng" vì không thể đáp ứng quy định đấu thầu mua sắm các bộ phận thay thế.

Chỉ còn 50% "vũ khí" chống chọi ung thư, nhân viên y tế khoa Xạ trị phải làm việc từ 6h ngày hôm nay đến rạng sáng hôm sau, nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ việc điều trị của bệnh nhân. Đến nay, vẫn còn hàng trăm trường hợp mòn mỏi chờ xạ trị.

Để chữa cháy, các bác sĩ sẽ phân loại bệnh kỹ, làm trước các ca nặng, cũng như hẹn theo từng ngày và khung giờ cụ thể, tránh cảnh phải tập trung chờ trên khoa. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được hội chẩn lại kỹ càng, để nếu có thể thì chuyển sang hóa trị.

Những bệnh nhân ung thư thành con nợ, thấp thỏm chờ gia hạn sống - 5

Bác sĩ Nguyễn Văn Đô, Trưởng khoa Xạ trị, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

"Mỗi ngày, khoa sẽ khám cho khoảng 700 lượt bệnh nhân ung thư. Chỉ còn 2 máy xạ trị gia tốc, chúng tôi ưu tiên trường hợp di căn não, di căn tủy sống, tổn thương chèn ép gây đau… để xạ trị trước. Những trường hợp xạ bổ túc như sau mổ ung thư vú, ung thư trực tràng, có thể trì hoãn vài tuần.

Ban đầu, bệnh nhân cũng khó chịu vì phải chờ, nhất là những trường hợp ở xa, nhưng giờ hầu hết đã có sự thông cảm, chia sẻ với bệnh viện. Cũng có một số trường hợp vì ngại chờ lâu đã chuyển ra bệnh viện tư điều trị, chúng tôi cũng đành chấp nhận, trả hồ sơ về cho bệnh nhân" - bác sĩ Đô chia sẻ.

Thông tin nhiều máy móc "đóng băng" ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của cả các bệnh nhân ung thư đang được tiến hành điều trị.

Ngồi chờ đọc tên vào phòng xạ trị, ông V. (55 tuổi, quê Long An) chia sẻ, ông được bác sĩ lên phác đồ xạ 27 tia, sau khi phát hiện căn bệnh ung thư não. Tuy nhiên thay vì được thực hiện ngay, ông được thông báo phải chờ hơn 3 tuần, vì không đủ máy xạ trị. Khoảng thời gian chờ, ông thường xuyên bị đau chân, nhức đầu, trước đó đã có biến chứng liệt nửa người nên rất lo lắng.

Khi nghe bác sĩ gọi thông báo mình đã đến lượt xạ trị, ông vội vã từ quê nhà lên TPHCM thực hiện ngay. "Tôi đã xạ được 7 lần rồi, còn 20 tia nữa. Chỉ mong mọi thứ thuận lợi, máy móc hư sớm được sửa để các bệnh nhân đỡ khổ" - bệnh nhân chia sẻ.

Những bệnh nhân ung thư thành con nợ, thấp thỏm chờ gia hạn sống - 6
Những bệnh nhân ung thư thành con nợ, thấp thỏm chờ gia hạn sống - 7

Những bệnh nhân ung thư thành con nợ, thấp thỏm chờ gia hạn sống - 8

Ngồi cách ông V. không xa, cha con chú T.V.D. (64 tuổi, quê Đồng Tháp) cũng trong tâm trạng thấp thỏm, bất an. Anh T. (con trai chú D.) chia sẻ, ngày 24 Tết vừa qua, cha anh đang khỏe mạnh bỗng có triệu chứng đi đứng yếu. Anh đưa cha đến một bệnh viện ở Cần Thơ, trước khi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), sau khi bệnh nhân được xác định có khối u lớn ở cuống não.

"Cha tôi bệnh nặng, nên bác sĩ chỉ hẹn 1 tuần là tiến hành xạ trị ngay. Ông đã xạ lần 5, còn 22 lần nữa. Thú thật tôi hiện rất hồi hộp, chỉ sợ các máy còn lại cũng hư thì tính mạng cha tôi sẽ nguy hiểm…" - người con chia sẻ.

Những "con nợ" ung thư thấp thỏm chờ "gia hạn" sống

Tại khoa Hóa trị của Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều bệnh nhân thậm chí còn rơi vào tình cảnh bi đát hơn, khi bệnh viện đã hết thuốc điều trị đấu thầu từ lâu.

Những bệnh nhân ung thư thành con nợ, thấp thỏm chờ gia hạn sống - 9

Loại thuốc anh D. đang sử dụng mỗi ngày để điều trị ung thư (Ảnh: T.D).

Một trong số đó là anh Đ.T.D. (41 tuổi, quê Ninh Thuận). Hơn một năm trước, anh D. phát hiện mắc ung thư vòm họng, phải tiến hành cả hóa trị lẫn xạ trị.

Khoảng 6 tháng nay, bệnh nhân bắt đầu được chỉ định dùng loại thuốc trị ung thư kết hợp Tegafur 100mg - Uracil 224mg (có tên thương mại là Ufur).

Ban đầu, anh D. được bệnh viện bán thuốc dùng trong 15 ngày. Tuy nhiên sau đó, các bác sĩ phải hướng dẫn anh ra ngoài kiếm tiệm thuốc nào lớn, bán giá rẻ mà mua.

"Tôi hỏi các tiệm thuốc bên ngoài thì giá bán dao động từ 42.000-45.000 đồng/viên. Mỗi ngày tôi phải uống 4 viên, nên cứ ngủ dậy, mở mắt ra là tốn gần 200.000 đồng. Trong khi đó, nếu được dùng thuốc trong bệnh viện, bảo hiểm sẽ chi trả 80%" - anh D. chia sẻ.

Vì là biệt dược trị ung thư, ở quê không bán, nên khi hết thuốc, anh D. bắt buộc phải vào TPHCM tìm mua.

Tuy nhiên, không phải lúc nào có tiền cũng có thuốc. Mới đợt Tết vừa rồi, người đàn ông phải đi nhiều tiệm lớn ở TPHCM tìm kiếm, mới có thuốc để "gia hạn" sự sống.

"Từ hồi phát bệnh, tôi phải nghỉ làm ở nhà, vay mượn đến nay đã hơn 200 triệu đồng. Mong muốn của tôi là Nhà nước có chính sách hỗ trợ sớm, để bệnh viện có đủ thuốc cho tất cả loại bệnh. Nếu không, những bệnh nhân như tôi không biết cầm cự được đến lúc nào" - anh D. chia sẻ nỗi bất an.

Tình cảnh trở thành "con nợ" cũng diễn ra với bà M. (58 tuổi, quê Bến Tre). Phát hiện bệnh ung thư vú từ năm 2018, 4 năm sau, người phụ nữ lâm vào tình cảnh éo le khi bệnh viện thông báo đã cạn thuốc Vinorelbin 30mg nhưng chưa thể đấu thầu mới. Kể từ lúc này, cô M. buộc phải chọn nguồn thuốc ngoài thị trường.

Những bệnh nhân ung thư thành con nợ, thấp thỏm chờ gia hạn sống - 10

Bệnh nhân tại khoa Hóa trị, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM (Ảnh: CTV).

Với mỗi toa thuốc tiền triệu, phải dùng hàng tháng trời, bệnh nhân cắn răng đi vay mượn, xoay sở đủ kiểu để mua. Nhưng bất hạnh vẫn chưa dừng lại, khi mới đây, chồng bà lại phát hiện ung thư vùng hạ họng, khiến gánh nặng chi phí điều trị càng thêm nặng nề.

Nghe bác sĩ hứa hẹn tháng 4 bệnh viện sẽ có thuốc, bà M. trông chờ thời điểm này đến từng ngày, từng giờ, bởi bệnh đã ở giai đoạn di căn, đồng nghĩa tính mạng đang bị đe dọa.

Một nhân viên y tế làm việc ở khoa Hóa trị, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, mỗi năm lãnh đạo khoa sẽ dự trù số lượng thuốc điều trị ung thư cần dùng để đấu thầu mua sắm, nhưng phải dựa vào lượng bệnh nhân năm trước. Nếu thuốc dùng hết, chỉ có thể gia hạn thêm 20%, nhưng sẽ qua rất nhiều thủ tục. Hệ quả của tình trạng bệnh nhân tăng đột biến, là việc thuốc thông qua đấu thầu sớm cạn kiệt.

"Tôi được biết đến tháng 4 năm nay mới có thuốc thầu mới, nhưng thuốc đã cạn kiệt từ tháng 1. Trong khi đó, các thuốc ung thư nhắm trúng đích bán lậu bên ngoài tràn lan, dễ như mua rau với đủ loại giá cả. Nhưng nếu mua thuốc bên ngoài, người dân chỉ sống bằng niềm tin, bởi chất lượng sẽ không đảm bảo" - nguồn tin nói.

Những bệnh nhân ung thư thành con nợ, thấp thỏm chờ gia hạn sống - 11
Những bệnh nhân ung thư thành con nợ, thấp thỏm chờ gia hạn sống - 12

Lãnh đạo khoa Ung bướu, một bệnh viện công ở TPHCM cho biết, ông cảm thấy rất khó hiểu khi ở Thái Lan, các thuốc hiếm, thuốc biệt dược gốc trị ung thư được cấp giấy đăng ký lưu hành có thời hạn trong 10 năm. Còn tại Việt Nam, thời hạn này chỉ 5 năm.

Trong khi đó, mỗi lần gia hạn cần rất nhiều thủ tục, có khi mất đến nhiều tháng, quanh đi quẩn lại đã đến thời điểm phải xin phép mới. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều trị. Bác sĩ cũng bất lực, còn bệnh nhân lãnh đủ.

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Quốc hội ngày 3/3, Sở Y tế TPHCM đã có những kiến nghị cụ thể về giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác đấu thầu thời gian qua.

Cụ thể, kiến nghị Chính phủ phân cấp việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức mua sắm thuốc đến các cơ sở y tế.

Kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định về căn cứ giá gói thầu của các gói thầu mua sắm trang thiết bị, dịch vụ phi tư vấn (sửa chữa, bảo trì, bảo hành…) trang thiết bị có tính chất đặc thù, riêng biệt.

Kế đến, kiến nghị Bộ Y tế sớm cấp giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị; cấp tài khoản cho các cơ sở y tế tại TPHCM để thực hiện đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Sở Y tế TPHCM cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch đầu tư, trong thời gian chờ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được hoàn thiện, cho phép các cơ sở y tế được thực hiện đấu thầu không qua mạng đối với các gói thầu mua sắm thuốc có nhiều phần.

Trước đó vào ngày 1/3, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết đã gia hạn đợt 2 cho 715 số đăng ký thuốc trong nước và nước ngoài đến hết ngày 31/12/2024, theo nghị quyết 80 của Quốc hội. Các thuốc, nguyên liệu làm thuốc được công bố gia hạn đợt này có thuốc điều trị bệnh lý thông thường đến điều trị bệnh lý chuyên khoa đặc trị (như tim mạch, tiểu đường, cơ xương khớp, ung thư…).

Đây là đợt gia hạn thứ 2 của năm 2023, nâng tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn đến thời điểm hiện tại là gần 9.600 loại.

Những bệnh nhân ung thư thành con nợ, thấp thỏm chờ gia hạn sống - 13
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/nhung-benh-nhan-ung-thu-thanh-con-no-thap-thom-cho-gia-han-song-20230303164918061.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/suc-khoe/nhung-benh-nhan-ung-thu-thanh-con-no-thap-thom-cho-gia-han-song-20230303164918061.htm
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Những bệnh nhân ung thư thành con nợ, thấp thỏm chờ "gia hạn" sống
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO