Những bệnh nhân Covid-19 bất đắc dĩ phải lao ra đường

10/03/2022 11:21

F0 theo nguyên tắc phải được cách ly ngay từ lúc xác nhận dương tính. Tuy nhiên, ở TP.HCM, một số F0 vẫn ra đường một cách bất đắc dĩ.

Sáng ngày 9/3, cổng trạm y tế phường Trường Thọ, TP Thủ Đức kín xe máy 2 bên đường. Hai bác dân phòng luôn tay chỉ chỗ đỗ xe cho người dân. Người này ra, người kia vào, liên tục.

Chị D., chủ một quán cafe gần đó nói: “Một tuần nay, ngày nào cũng thế, trạm y tế đông nghẹt người, toàn F0”.

sao-lai-de-moi-nguoi-cung-kho-vi-to-giay-f0.jpg
9h sáng ngày 9/3 tại Trạm Y tế phường Trường Thọ, TP Thủ Đức.

Bên trong, trẻ nhỏ, phụ nữ, người già, thanh niên đều có đủ. Chị L.T.D cắm cúi trên một bộ hồ sơ để điền thông tin. Gia đình chị có 1 người vừa mắc Covid-19.

7 nhân viên và tình nguyện viên không ngừng gọi tên, lấy mẫu, đọc kết quả, trả hồ sơ. Miệng nói, tay làm, người dân còn xếp hàng thì họ chưa được nghỉ.

Tại đây, bà Đ.V, một phụ nữ sống tại chung cư Chương Dương home, đường số 12, phường Trường Thọ đang viết bản cam kết thực hiện biện pháp cách ly tại nhà. Bà nói: “Ngày hôm qua tôi vừa test nhanh dương tính. Hôm nay đến phường để test lại và làm giấy cách ly. Đứa cháu cũng đang sốt và quấy quá nên cho xét nghiệm luôn, sợ mắc bệnh rồi”.

“Lần trước nhà tôi có F0, bác sĩ đến tận nhà lấy mẫu, khi nào xong cách ly sẽ nhận giấy. Bây giờ thành ra phải ra trạm 2-3 lần dù đang mắc bệnh”, một người đàn ông nói.

Xung quanh, khoảng 30 người cũng đang làm hồ sơ tương tự. Phần lớn đều mới tự xét nghiệm dương tính và đi khai báo.

Những người khác là F0 vừa kết thúc 7 ngày theo dõi tại nhà, đang chờ gọi tên để nhận kết quả hoàn thành cách ly. Tuy nhiên, nhân viên y tế liên tục thông báo vẫn còn người 2 vạch (dương tính), phải về nhà cách ly thêm 3 ngày rồi quay lại test nhanh.

Nói một cách khác, trong khoảng sân chật hẹp này, có đủ cả F0, F1, hoặc những người sắp dương tính.

sao-lai-de-moi-nguoi-cung-kho-vi-to-giay-f0-1.jpg
Sân nhỏ, hẹp, nhưng cả F0, F1 đều có mặt. Nhân viên y tế không ngơi tay.

Theo thông báo của phường, F0 sẽ khai báo y tế tại trạm để lấy mẫu trong khoảng thời gian từ 9h đến 11h, chiều từ 14h đến 16h. Ngay cả thứ 7 và chủ nhật, trạm vẫn làm nhiệm vụ này trong buổi sáng.

“Làm gì có thời gian nghỉ”, một nhân viên nói.

Khối lượng công việc đang đè lên vai các trạm y tế trong làn sóng Covid-19 mới tại TP.HCM. Sở Y tế TP cho biết, ngày 8/3, tổng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn được xác định là 1.500 ca và 3.910 ca test nhanh nghi ngờ. Số F0 cách ly tại nhà tăng lên 86.975 ca.

Con số này tương ứng với gánh nặng của trạm y tế phường xã và trạm y tế lưu động.

sao-lai-de-moi-nguoi-cung-kho-vi-to-giay-f0-5.jpg
Phút nghỉ tay hiếm hoi của nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm.

Câu hỏi đặt ra, tại sao những thủ tục trên lại tồn tại trong thời đại được gọi là 4.0?

PGS Đỗ Văn Dũng, Thành viên tổ tư vấn chính sách và phục hồi kinh tế TP.HCM, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực y tế công cộng thẳng thắn: “Chúng ta đang đi ngược".

Theo PGS Đỗ Văn Dũng, các giấy tờ hiện nay (giấy xác nhận F0, hoàn thành cách ly, nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội) là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đồng thời, cũng là trách nhiệm của F0 với an toàn của cộng đồng.

“Vấn đề nằm ở cách làm. Việc khai báo, quản lý có thể thực hiện bằng các ứng dụng di động, internet chứ không phải nhất định là một tờ giấy”.

Ông lấy ví dụ, F0 có thể khai báo tình trạng nhiễm bệnh qua phần mềm PC-Covid, địa phương cập nhật và giám sát thời gian cách ly của F0 hàng ngày. Kết quả test nhanh được F0 cập nhật trên ứng dụng…

“Đó chỉ là một gợi ý, nhưng việc quản lý trên khá hơn nhiều so với việc F0 từ nhà chạy lên trạm test nhanh để nhận một tờ giấy. Theo tôi, không thể cắt được thủ tục thì phải thay đổi cách làm”.

PGS Vũ Minh Phúc, Đại học Y dược TP.HCM thì cho rằng, các thủ tục hành chính trên khiến nhân viên y tế quá tải không cần thiết. Công việc của y tế là chăm sóc sức khỏe người dân.

sao-lai-de-moi-nguoi-cung-kho-vi-to-giay-f0-6.jpg
Thay vì phải cách ly, F0 phải... ra đường.

Sáng 9/3, tại buổi họp giao ban tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, về các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát dịch bệnh.

Theo ông, ứng dụng công nghệ thông tin là để thuận lợi, hiệu quả hơn cho hoạt động phòng chống dịch. Những thủ tục đặt ra cần cân nhắc, tránh gây phiền hà cho người dân.

Mới đây, Bộ Y tế cũng đã đề xuất Thủ tướng ra nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ để F0 điều trị tại nhà được hưởng chế độ nghỉ làm hưởng Bảo hiểm xã hội. Nếu được thông qua, chặng đường "xin" giấy của F0 sẽ phần nào bớt được gian nan.

Theo Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/nhung-benh-nhan-covid-19-tp-hcm-bat-dac-di-phai-lao-ra-duong-821631.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/nhung-benh-nhan-covid-19-tp-hcm-bat-dac-di-phai-lao-ra-duong-821631.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những bệnh nhân Covid-19 bất đắc dĩ phải lao ra đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO