Những bất cẩn nhỏ khi đi ô tô có thể gây nguy hiểm lớn cho trẻ em

Bảo Minh| 04/01/2022 16:20

GD&TĐ - Đã có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đối với trẻ em khi ngồi trên ô tô do lỗi vô ý, bất cẩn hay thiếu kỹ năng của người lớn.

 Ảnh minh họa. Nguồn: INT. Ảnh minh họa. Nguồn: INT.

Đừng để những bất cẩn thành điều đáng tiếc

Dù đã nhiều tháng trôi qua, song anh Quang Huy (Đông Anh, Hà Nội) vẫn chưa nguôi cảm giác lo sợ, bàng hoàng mỗi khi nhớ lại một lần phanh gấp khiến con gái gần 3 tuổi của anh ngồi hàng ghế sau bị văng mạnh lên khe ghế trước ô tô.

“Lúc đó, có một cháu bé đạp xe từ trong cổng ra mà không quan sát. Cùng thời điểm, một taxi đi ngược chiều cũng phanh gấp để tránh em bé khiến phản xạ của người cầm lái mất kiểm soát trong giây lát. Cả gia đình ngồi trên xe lúc ấy được phen “thót tim”. Mặc dù con tôi chỉ đau nhẹ và hoảng sợ do có mẹ kịp thời cản bớt lực va chạm song với tôi, đó là bài học nhớ đời và luôn nhắc nhở mình phải hết sức cẩn trọng khi cho con ngồi cùng trên ô tô” - anh Huy kể.

Không may mắn như trường hợp anh Quang Huy, mới đây, tại Nghệ An, một em bé 14 tháng tuổi bị tai nạn vỡ tim, dập phổi nguy kịch. Nguyên nhân là bé được người thân cho ngồi trong lòng, phía trước vô lăng ô tô. Trong quá trình lái xe, tài xế đạp nhầm chân ga và chân phanh, xe đâm thẳng vào bờ tường khiến trẻ bị va đập mạnh, lồng ngực bị ép vào vô lăng cứng.

Các bậc phụ huynh thường có tâm lý chủ quan, cho rằng chủ động lái chậm sẽ an toàn nên “không sao”. Họ không lường trước sự cố có thể xảy ra bất ngờ và những tình huống ngoài tầm kiểm soát.

Một thao tác đơn giản nhưng nếu sơ suất có thể gây hậu quả khôn lường khi có trẻ nhỏ ngồi trên ô tô, đó là khoá chốt cửa.

Hồi đầu năm 2021, cộng đồng mạng lan truyền một clip do camera hành trình của một ô tô tham gia giao thông ghi lại. Trong đoạn clip được chia sẻ, thời điểm xảy ra vụ việc, ô tô con (do một người phụ nữ cầm lái) đang di chuyển trên quốc lộ thì bất ngờ cửa sau xe mở bung ra, sau đó liên tục đóng - mở.

Nhiều người “thót tim” khi phát hiện một em bé chỉ khoảng 2-3 tuổi, ngồi một mình ở hàng ghế phía sau và vô tư nghịch cửa xe nhưng người lái xe không hề hay biết. Khi được cảnh báo, người phụ nữ đã nhận ra tình huống, đánh lái cho xe di chuyển chậm lại và tấp vào lề đường. Em bé ngã nhào xuống đường nhưng may mắn không bị thương.


Ảnh minh họa. Nguồn: INT.

Những lưu ý an toàn không thể bỏ qua

Theo các chuyên gia giao thông, ví trị giữa của hàng ghế phía sau là an toàn nhất trên xe ô tô dành cho trẻ nhỏ. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, nên có ghế chuyên dụng và được lắp ngược với hướng xe di chuyển. Vì với những ghế hướng ra phía trước có mức độ rủi ro gặp chấn thương nặng hoặc tử vong cao gấp 5 lần so với những ghế hướng ra đuôi xe.

Vị trí ghế trước thường phải chịu nhiều lực tác động hơn khi va chạm giao thông xảy ra. Hơn nữa, khi có va chạm túi khí sẽ được kích hoạt, đối với người lớn túi khí sẽ có tác dụng giảm chấn, bảo vệ rất tốt, còn với trẻ nhỏ, túi khí đôi khi lại có tác dụng ngược, gây nguy hiểm như chính vụ tai nạn.

Khi cho trẻ ngồi hàng ghế phía trước của xe ô tô, ngoài yếu tố về kỹ thuật đảm bảo an toàn ra còn nguy hiểm ở chỗ trẻ em vốn tò mò và nghịch ngợm, dễ khiến người lái bị xao nhãng, phát sinh những tình huống bất ngờ.

Theo chuyên gia kỹ năng sống Đào Ngọc Cường: “Cho trẻ cùng ngồi trên ô tô, nếu không thắt dây an toàn, không có ghế phù hợp cho trẻ em thì không có vị trí nào an toàn cả. Với trẻ em, tùy thuộc cân nặng và chiều cao, cần có ghế bảo vệ phù hợp. Tuy nhiên, khi có ghế, thắt dây an toàn đầy đủ rồi thì về nguyên tắc, ghế phía sau được khuyến cáo là an toàn hơn ghế phía trước”.

“Mặc dù đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra cho trẻ khi đi ô tô, bắt nguồn từ bất cẩn và chủ quan của người lớn. Việc quên gạt chốt khóa trẻ em là một ví dụ điển hình. Song thực tế hiện nay, vẫn còn rất nhiều bậc cha mẹ xem nhẹ tính năng này”, chuyên gia Đào Ngọc Cường băn khoăn.

Xã hội đang ngày càng phát triển, ngày càng có nhiều gia đình sở hữu xe ô tô cá nhân. Trang bị những kỹ năng, kiến thức khi chở trẻ nhỏ là điều bắt buộc để giúp những chuyến đi luôn được an toàn. Cha mẹ cũng nên dạy trẻ về các yêu cầu cần tuân thủ khi ngồi trên ô tô.

Ông Lê Hồng Thư – giáo viên Trung tâm Đào tạo lái xe Sài Đồng (Hà Nội) lưu ý: Các bậc phụ huynh khi cho trẻ di chuyển bằng ô tô, cần quan tâm đến các nguyên tắc an toàn để tránh những rủi ro đáng tiếc.

Nên cho trẻ ngồi ghế riêng, thắt dây an toàn, dạy trẻ không được tự ý mở cửa từ bên trong và không cho trẻ ngồi trên lòng tài xế. Với trẻ nhỏ chưa thể tự chủ hành vi, nhất thiết phải ngồi trên ghế dành riêng cho trẻ em, kết nối với móc an toàn trên xe. Hoặc cần có người lớn bế, giữ trẻ để kiểm soát hành động của bé.

Với những trẻ đã lớn, có thể ngồi ghế trên xe, cần tuân thủ việc thắt dây an toàn. Cha mẹ hãy dạy cho trẻ biết cần ngồi yên, không tự ý di chuyển vị trí khi xe đang di chuyển để bảo đảm an toàn.

Đặc biệt, vị trí ngồi của trẻ phải là vị trí cửa đã “khóa trẻ em” để trẻ không thể tự ý mở cửa khi ngồi trong xe. Tốt nhất, tài xế nên khóa cửa xe và khóa cả điều chỉnh kính lên xuống. Tuyệt đối không cho trẻ thò tay, đầu ra khỏi cửa sổ, không cho trẻ tự ý ấn vào các phím chức năng trên xe.

“Hãy sử dụng tính năng khóa cửa “lock” của xe, chuẩn bị ghế bảo vệ phù hợp, thắt dây an toàn cho trẻ. Đồng thời, thông báo cho các phương tiện khác trong xe đang có trẻ nhỏ bằng cách dán nhãn “Baby in car” hay “Có trẻ em ở trên xe”. Cùng đó, chuẩn bị cho trẻ thật tốt, đầy đủ trước mỗi chuyến đi. Nếu có sự việc cần giải quyết, người lái nên chọn vị trí an toàn dừng lại sau đó xử lý ví dụ trẻ em khóc, trẻ em đói... Các bậc cha mẹ cũng nên giữ chìa khóa cẩn thận để tránh việc trẻ tiếp xúc, hoặc có thể gây những tai nạn khi khởi động xe...” – Chuyên gia kỹ năng Đào Ngọc Cường.
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những bất cẩn nhỏ khi đi ô tô có thể gây nguy hiểm lớn cho trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO