Theo bác sĩ Lê Thân, Bệnh viện Y học Cổ truyền Việt Nam, tác giả sách "Chữa bệnh cho mẹ", Đông y cho rằng, đau nhức cơ xương khớp là do sức đề kháng và khả năng tự bảo vệ của cơ thể không đầy đủ.
Các yếu tố gây bệnh như: Phong, hàn, thấp cùng phối hợp tác động xâm phạm đến kinh lạc cơ khớp, làm cho sự vận hành của khí huyết bị tắc nghẽn không thông, gây ra đau nhức cơ xương khớp.
Các nguyên nhân dẫn đến đau nhức cơ xương khớp là do: Thừa cân, béo phì; Lười vận động; Tuổi tác; Chấn thương sau tai nạn, mang giày cao gót nhiều; Các bệnh về cơ xương khớp; Viêm khớp dạng thấp; Gút do rối loạn chuyển hóa purin trong cơ thể khi thừa chất đạm; Loãng xương; Lao xương khớp...
Đau nhức cơ xương khớp thường có hai thể lớn là có và không có sưng nóng đỏ. Ở đây chỉ giới thiệu những cách thức dùng thuốc Nam đơn giản, có thể chữa tại cộng đồng những trường hợp đau nhức cơ xương khớp không có sưng nóng đỏ. Những trường hợp có sưng nóng đỏ nên đến cơ sở y tế để kiểm tra, để có chỉ định điều trị phù hợp.
Một số cách chữa đơn giản
- Dây đau xương sao vàng hạ thổ, sắc uống mỗi ngày 15 - 20g.
- Hạt bo bo nấu cháo ăn lâu dài.
- Thịt mèo 250g, tỏi 30g, dầu, muối; làm sạch thịt mèo, cắt miếng, tỏi bỏ vỏ; cho vào nồi, đổ nước, dầu, muối hầm chín nhừ ăn trong bữa ăn.
- Ngũ gia bì 50g, gạo nếp 500g, men rượu vừa đủ; ngâm ngũ gia bì, sau đó sắc ngũ gia bì bỏ bã, lấy 2 lần nước sắc, đổ gạo nếp vào nấu thành xôi khô, sau tản ra chờ còn hơi ấm rắc men rượu vào trộn đều, ủ thành rượu nếp, dùng dần.
- Thịt dê 500g, cà rốt 250g, gia vị vừa đủ; cà rốt, thịt dê cắt miếng, ướp gừng tươi xào 5 phút trong chảo dầu nóng, cho thêm ít rượu vang, muối, xì dầu và ít nước lạnh um trong 15 phút, sau bỏ vào nồi đất; cho vỏ quýt với 3 bát nước to, nổi lửa to, khi sôi hạ lửa riu riu nấu trong 2 giờ khi thịt dê chín nhừ là được, ăn trong bữa cơm.
- Rễ cây trinh nữ (còn gọi cỏ thẹn, xấu hổ, mắc cỡ) đã xắt mỏng, tẩm rượu, sao cho thơm 20 - 30g, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày; nếu nhiều có thể nấu thành cao lỏng, rồi pha rượu để dùng dần.
- Rễ trinh nữ, rễ bưởi bung, rễ cúc tần mỗi thứ 20g; rễ đinh lăng 10g, rễ cam thảo dây 10g; sắc uống trong ngày, có thể ngâm rượu uống.
- Rễ trinh nữ 10g; lá cối xay, rau muống biển, lạc tiên, rễ cỏ xước, lá lốt mỗi thứ 3g; hãm với nước sôi hoặc sắc uống.
- Lá lốt 12 - 16g, rễ cây cỏ xước 10g, cành cây quế 8g, thiên niên kiện 8g, thổ phục linh 12g, kinh giới 8g, tầm gửi cây dâu 12g, rễ cỏ tranh 10g; sắc với 750 ml nước, còn 300 ml, chia 2 lần uống ấm trước bữa ăn.
- Lươn to 4 - 6 con, rượu (tốt nhất là rượu vàng) một ít; cho lươn vào rượu đảo đều khi ráo bỏ ruột lươn, sấy khô tán bột lươn cho vào bình dùng dần, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 15g uống với nước sôi hay hòa vào cháo ăn; mỗi liệu trình là 2 tháng.
- Giấm tốt lâu năm một bát, hành củ 3 lạng giã nát; nấu lẫn cho sôi rồi gói vào vải, chườm nóng chỗ đau.
- Lá ngải cứu, hành tăm cả rễ, gừng bỏ vỏ; cả 3 thứ lượng đều nhau, giã nát, tẩm rượu xào nóng đắp chỗ đau, lấy lá thầu dầu đắp ngoài mà buộc lại, ngày thay 5 - 6 lần.
- Trái ké đầu ngựa 2 lạng giã nát, mỗi lần dùng 8 - 12g sắc uống khi hơi đói, kỵ ăn thịt heo.
- Kim ngân hoa và lá, trộn với rượu, xào nóng, đắp vào chỗ đau.
- Lá lốt tươi và lá ngải cứu tươi, mỗi thứ 30 - 50g, giã nát, chế thêm giấm, đem chưng nóng rồi chườm, đắp vào chỗ đau.
- Hạt cải tán bột, hòa với lòng trắng trứng gà mà bôi, ngoài lấy lụa bọc lại, ngày thay một lần.