Những bà mẹ anh hùng của ĐT Morocco

Bình An | 14/12/2022 13:00

Morocco đang tiếp tục cuộc phiêu lưu kỳ thú tại World Cup. Đêm nay, trận đấu lớn nhất lịch sử bóng đá nước này sẽ diễn ra, bán kết World Cup với Pháp. Không phải những cô vợ hay bạn gái xinh đẹp, vị trí trung tâm hậu trường của ĐT Morocco ở World Cup lần này là các…bà mẹ.

Hình ảnh thường thấy ở các sân bóng sau trận đấu là các cầu thủ tiến về khán đài ôm hôn các cô vợ, bạn gái xinh đẹp. Vừa là tình cảm cũng vừa để…khoe, bởi hầu hết đều sắc vóc hương trời. Nhưng Morocco ở World Cup lần này thì khác: “Những bà mẹ của các cầu thủ đang chiếm vị trí trung tâm khi Morocco làm nên lịch sử tại World Cup”, tờ The Guardian bình luận.

achraf-hakimi-mother-morocco-afp_11zon.jpg
Hậu vệ Achraf Hakimi lao lên khán đài ôm hôn mẹ mình sau trận thắng Tây Ban Nha.

Hồi tháng 8, khi nhậm chức HLV ĐTQG, Walid Regragui phát biểu một câu nghe chẳng ăn nhập gì với hoàn cảnh: “Chúng tôi không thể thành công nếu không có sự hạnh phúc của cha mẹ chúng tôi”. Chẳng ai để ý rằng ông HLV sinh ra và lớn lên ở Pháp này có chủ ý dứt khoát xây dựng tinh thần cho đội bóng thông qua việc lôi kéo sự tham gia của các ông bà cha mẹ cầu thủ.

Regragui sinh ra và lớn lên ở Pháp trước khi trở về khoác áo đội tuyển Maroc và đảm nhận vị trí HLV trưởng. Cuộc trở về đó có vai trò rất lớn của bà mẹ tên Fatima. Năm 1970, bà Fatima di cư sang Pháp kiếm sống với nghề dọn dẹp tại sân bay Orly ở Paris. Cuộc sống vất vả nhưng chưa bao giờ bà quên nguồn cội Morocco và luôn hướng con trai mình trở về.

walid-regragui-afp_11zon.jpg
Bà Fatima lần đầu tiên đến sân để cổ cũ cho con trai mình là Regragui. Sau trận thắng Bồ Đào Nha, HLV trưởng Morocco lao lên khán đài hôn cảm ơn mẹ mình.

Cũng như Regragui, 16/26 cầu thủ Morocco tại World Cup lần này là “kiều bào”, sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Morocco thập kỷ 1970-1980 cũng như nhiều quốc gia châu Phi khác cuồn cuộn những cuộc di cư sang châu Âu tìm đường sống tốt hơn khiến các nước EU vô cùng khổ sở khi phải tiếp nhận quá đông người nhập cư. Để nuôi sống những gia đình và chăm lo cho những đứa trẻ thế hệ F2 ở trời Âu, các bà mẹ có vai trò vô cùng quan trọng.

Trước ngày sang Qatar dự World Cup, HLV Regragui đã đề nghị với Fouzi Lekjaa - Chủ tịch LĐBĐ Morocco tổ chức một chuyến đi trọn gói cho…bố mẹ các cầu thủ. Ngay lập tức đề nghị được chấp nhận. Các bà mẹ được bố trí ở cùng khách sạn Wyndham Doha West Bay, nơi đội đóng quân. Mọi chi phí do Liên đoàn đài thọ.

Bà Fatima nói với kênh thể thao Arriyadia của Ma-rốc: “Trong suốt sự nghiệp cầu thủ và HLV của nó, tôi chưa bao giờ đến sân xem cả. Đây là chuyến đi đầu tiên, lần đầu tiên tôi rời Paris để tham gia, vì nó khăng khăng muốn tôi có mặt”.

sofiane-boufal-morocco-celebrates-family-782003022.jpg
Tiền vệ Sofiane Boufal khiêu vũ cùng mẹ ngay trên sân AL Thumama.

Ở Tây Ban Nha, cộng đồng người gốc Morocco chiếm số lượng đông nhất trong nhóm dân nhập cư với khoảng 800.000 người. Trong số những gia đình đã trèo qua hàng rào ngăn nhập cư lậu của Chính phủ nước ngày năm 1990 có gia đình của Achraf Hakimi.

Năm 11 tuổi, Hakimi được Real Madrid tuyển mộ và hằng tuần ông Hassan Hakimi vẫn phải lái xe hơn 100 km mỗi chiều để đưa đón cậu con trai từ nhà đến trại tập luyện. Nếu ông bận, nhiệm vụ đó thuộc về mẹ của Hakimi.

“Mẹ tôi là một người lao công, cha tôi là một người bán hàng rong. Họ đã hy sinh tính mạng vì tôi, đã mất đi nhiều thứ để anh chị em tôi thành công. Hôm nay, tôi chơi vì họ”, Hakimi từng kể trên chương trình truyền hình El Chiringuito của Tây Ban Nha”.

Hậu vệ của Paris Saint-Germain, được nhiều người đánh giá là một trong những hậu vệ phải hay nhất thế giới, được gọi vào đội trẻ Tây Ban Nha, nhưng đã từ chối cơ hội: “Tôi cảm thấy đó không phải là nơi phù hợp với mình, tôi không cảm thấy như ở nhà, đó là văn hóa Ả Rập, là người Morocco. Mẹ tôi nói rằng tôi phải chơi cho Morocco, đó mới là đội tuyển của chúng tôi”.

05e96ac0-7919-11ed-85ed-0e2e028e557d.jpg
"Mẹ tôi nói tôi phải chơi cho Morocco, đó là đội tuyển của chúng tôi"  - Hakimi

Sau khi thực hiện quả luân lưu quyết định trong trận thắng Tây Ban Nha ở vòng 2, hậu vệ Achraf Hakimi đã chạy ngay về khán đài, níu cổ bà mẹ để được đặt một nụ hôn đầy yêu thương lên má. Cầu thủ 24 tuổi này đã đăng tấm ảnh đó lên trang cá nhân kèm dòng chú thích: “con yêu mẹ”. Hình ảnh tuyệt đẹp đó lan chóng mặt trên mạng xã hội. Sau trận thắng trước Bồ Đào Nha, Hakimi lại làm điều tương tự.

Hậu vệ cánh của PSG không phải là người duy nhất có sự đồng hành của thân mẫu tại giải. Sau trận thắng Bồ Đào Nha, tiền vệ Sofiane Boufal kéo cả bà mẹ xuống sân và cả hai cùng khiêu vũ ăn mừng giữa tiếng hò reo của các CĐV nhà.

Trang Twitter của FIFA đã đăng lại video này với dòng chú thích: “Một vị khách quan trọng không ngồi lại ở khán đài mà vào trong sân Al Thumama để chúc mừng Sofiane Boufal, ngôi sao trong ngày đặc biệt của Morocco”. Video đã nhận được hàng trăm ngàn lượt thích Nhiều người đã mô tả video này thước phim đẹp nhất của World Cup 2022.

“Không có niềm vui và hạnh phúc nào trên đời bằng cảm giác của một người mẹ khi con trai mình thành công”, một người dùng bình luận.

nba-plain-f312be57-af9a-4a0b-8e88-bf5fd50006ed.png
"Enrique đã thất bại trong việc mang đến những bà mẹ Ả Rập luôn tin rằng con trai họ là điều tuyệt vời nhất trên trái đất cho dù thế nào đi chăng nữa"-Omar Foda

Trong trận thắng 2-1 trước Canada, Boufal cũng thể hiện tình cảm với bà mẹ bằng một cái ôm nồng nhiệt, hôn lên đầu và tặng bà chiếc áo đấu của mình. “Đối với tôi, mẹ là điều quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Mẹ đã khóc khi chúng tôi thắng, Sự ủng hộ của gia đình bạn là điều quan trọng nhất”, cầu thủ sinh ra và lớn lên ở Pháp phát biểu.

Cũng sau trận thắng Tây Ban Nha, một video chia sẻ rộng rãi trên mạng về một phụ nữ đang cầu nguyện trang nghiêm khi thủ môn Yassine Bounou của đối mặt với quả luân lưu cuối cùng của Sergio Busquet. Sau khi anh cản phá thành công, người phụ nữ đã ôm mặt khóc và giơ tay cảm ơn thượng đế. Đó là mẹ của Bounou, người đã di cư sang Canada sinh sống và năm con trai lên 3 tuổi mới lần đầu trở về Morocco.

Hãng thông tấn Anadolu bình luận: “Người mẹ vẫn là ngọn hải đăng sự sống cho người đi trên đường, và đây là câu nói quan trọng trong cuộc đời của các cầu thủ đội tuyển quốc gia Ma-rốc và huấn luyện viên của họ, Walid Regragui”.

Sau trận thắng Tây Ban Nha, nhà văn gốc Marocco Omar D Foda hiện đang sống ở Anh khi nhìn những tình cảm của các cầu thủ đồng hương cho các bà mẹ, đã hóm hỉnh: "Trong sự hân hoan với chiến thắng của Morocco không chỉ là sự ngây thơ chiến thuật của Tây Ban Nha mà Enrique còn thất bại trong việc mang đến những bà mẹ Ả Rập luôn tin rằng con trai họ là điều tuyệt vời nhất trên trái đất cho dù thế nào đi chăng nữa".

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những bà mẹ anh hùng của ĐT Morocco
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO