Hơn 500 cơ sở sản xuấu rượu thủ công chưa được cấp phép
Ông Vũ Đức Nam - Phó Trưởng phòng Công nghiệp Thực phẩm Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: "Theo thống kê chưa đầy đủ, có đến 520 cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh nhưng chưa cấp được giấy phép do chưa đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, với sản lượng sản xuất 2.080.800 lít/năm".
Tổng sản lượng sản xuất rượu thủ công các loại là 47.800.917 lít/năm. Số liệu này có thể đánh giá là đang còn khá thấp so với thực tế.
Hiện nay, trên phạm vi cả nước, có nhiều làng nghề truyền thống sản xuất rượu thủ công như: Rượu Phú Lễ ở Bến Tre, rượu Bàu Đá ở Bình Định, Rượu Làng Vân ở Bắc Giang và Bắc Ninh, rượu Mẫu Sơn ở Lạng Sơn và rượu Kim Sơn ở Ninh Bình... Tại mỗi làng nghề lại có quy mô sản xuất và cách thức hoạt động sản xuất khác nhau.
"Hầu hết tại các vùng nông thôn, miền núi ở bất kỳ làng, xã nào của Việt Nam cũng có cơ sở nấu rượu thủ công với mục đích tự tiêu dùng, phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc cho các đám hiếu, hỉ không nhằm mục đích kinh doanh hoặc theo hình thức kết hợp vừa bán nhỏ lẻ vừa tự tiêu dùng"- ông Nam nói.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất rượu thủ công không có giấy phép hoặc không đăng ký theo quy định vẫn còn khá phổ biến, tỉ lệ giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, mặc dù đã có sự cải thiện tăng đáng kể so với thời gian trước đây nhưng vẫn còn thấp; vẫn còn nhiều hộ bán lẻ rượu không tiến hành việc xin cấp giấy phép, nhiều hộ gia đình, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ việc kê khai theo quy định tại Thông tư 26/2019/TT-BCT.
Việc sản xuất kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký sẽ gây thất thu thuế cho nhà nước, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Hơn nữa, ông Nam cho biết tình trạng rượu nhập lậu, rượu giả, rượu không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường mặc dù đã được hạn chế rất nhiều so với thời gian trước đây nhưng vẫn còn tồn tại làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định định kỳ hàng năm, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu phải gửi báo cáo đến các cơ quan cấp phép và các cơ quan cấp phép phải tổng hợp gửi báo cáo đến các cơ quan chuyên môn cấp trên. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu và các cơ quan chưa hiện chế độ báo cáo một cách đầy đủ theo quy định.
Đồ uống có cồn phi chính thức và bất hợp pháp là vấn đề nhức nhối
PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết: “Đồ uống có cồn phi chính thức và bất hợp pháp luôn là vấn đề nhức nhối.
Ở Việt Nam lượng rượu phi chính thức nằm ngoài sự quản lý của nhà nước chiếm tới 63% tổng khối lượng lít cồn nguyên chất được tiêu thụ tại Việt Nam".
Không chỉ tại Việt Nam, khu vực ASEAN cũng được dự báo là khu vực có mức tiêu thụ rượu bia không kiểm soát tăng cao vào năm 2025. Với xu hướng tiêu thụ vô cùng lớn như vậy, các sản phẩm phi chính thức sẽ gây ra nhiều tổn thất đáng kể về kinh tế, xã hội đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả ngân sách nhà nước.
PGS Việt cho rằng, trong khi đó, các chính sách chưa hướng tới giải quyết vấn đề gốc rễ này, chưa có giải pháp toàn diện. Doanh nghiệp mong muốn các công cụ quản lý nhà nước, đặc biệt chính sách quản lý thị trường hay chính sách thuế đạt được các tiêu chí phù hợp, hiệu quả, công bằng, tạo điều kiện để doanh nghiệp chân chính phát triển bền vững.
Thất thoát thuế rất lớn
Theo “Báo cáo về kinh doanh đồ uống có cồn bất hợp pháp, thông lệ quốc tế tốt nhất và những bài học kinh nghiệm” mới đây của Liên minh các doanh nghiệp rượu quốc tế tại châu Á - Thái Bình Dương (APISWA), 63% lượng rượu bia tiêu thụ ở Việt Nam vẫn chưa được quản lý, có nghĩa là chỉ có 30% đang nộp thuế.