Đầu năm học, con gái học lớp 7 mang về cho mẹ Nguyễn Lan Phương (39 tuổi, Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội) giấy thông báo các khoản đóng góp tự nguyện đầu năm học 2022 - 2023. Giấy thông báo không đề đích danh tên trường và giáo viên chủ nhiệm lớp, mà chỉ ghi ban đại diện cha mẹ học sinh vận động phụ huynh đóng góp, kèm số điện thoại liên lạc của trưởng và phó ban phụ huynh.
Tiền vận động dài cả trang giấy
Đọc xong thông báo chị Lan Phương chỉ biết thở dài ngao ngán. "Đầu năm học nào cũng vậy, các khoản đóng góp tự nguyện dài cả trang giấy. Từ tiền nước uống, tiền thuê người làm vệ sinh lớp hằng ngày, thuê người vệ sinh lao động công ích, tiền tổ chức hoạt động vui chơi, dã ngoại (Tết Trung thu, ngày 20/10, Tết cổ truyền, ngày 8/3...). Thậm chí, cả những khoản tiền thuộc về cơ sở vật chất trường lớp như thay rèm cửa, đổi màu sơn lớp học cũng được đưa vào danh sách vận động phụ huynh đóng góp", chị Phương nói.
Các khoản thu đều được xé nhỏ, tính riêng lẻ thì không đáng bao nhiêu, còn khi cộng lại thì phải rút ví ra gần 4 triệu đồng cho 13 khoản tiền khác nhau, chưa kể tiền ăn, học hai buổi/ngày, chăm sóc bán trú, đồng phục...
Cũng may, mới một con đi học nên hai vợ chồng chị Phương vẫn đủ điều kiện đóng góp các khoản trên. Tuy nhiên, việc này với chị không vui vẻ hay tự nguyện thực hiện. Nhiều khi chị cũng định thắc mắc, phản đối các khoản thu vô lý, nhưng rồi chồng lại can vì sợ ánh mắt rèm pha, kỳ thị của phụ huynh trong lớp, ảnh hưởng con mình.
Nhiều phụ huynh sợ khi họp đầu năm vì các khoản tiền đóng góp dài cả trang giấy.
Chị Trần Thị Ngọc Diệp (42 tuổi, Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đau đầu mỗi khi năm học mới đến. Năm nay, con trai lớn vào lớp 10, con nhỏ lớp 6, cả hai đều đầu cấp học nên các khoản tiền tăng lên gấp 3 - 4 lần so với năm học trước.
Vừa mới vào học, trường cùng ban phụ huynh kêu gọi mỗi em đóng góp 1,5 triệu đồng để lắp đặt điều hòa, máy chiếu, ti vi, may rèm cửa sổ... Tiền này được ban phụ huynh thu như khoản tự nguyện, nhưng lại kèm theo điều kiện không thể từ chối như "chỉ cần một phụ huynh trong lớp không đóng, nhà trường sẽ bố trí phòng học riêng cố định cho lớp trong 5 năm".
Ngay cả khoản tiền nhỏ như nước uống tinh khiết tại trường cũng có nhiều điều đáng bàn. Ngoài tiền mua nước tinh khiết, ban phụ huynh còn yêu cầu phải đóng thêm tiền để mua cây đun nước. Tính nhanh, chị Diệp tốn hơn 5 triệu cho mỗi con khi vừa bước vào năm học mới.
Các khoản trên chỉ là tiền đóng góp trên tinh thần tự nguyện, chưa gồm tiền sách vở, đồng phục, học thêm, bảo hiểm y tế... Chị Diệp và chồng dự tính sẽ phải mất thêm khoảng 6 - 8 triệu đồng nữa cho các khoản còn lại.
Theo quy định, các trường không được thu khoản tiền "tự nguyện", nên phần việc này thường được dành cho ban phụ huynh lớp. Cùng đó là các khoản tiền khác mang tính "xã hội hóa" giáo dục cũng được thu dồn vào thời điểm đầu năm. Việc này trở thành gánh nặng lớn cho phụ huynh. Dù rất bức xúc nhưng hầu hết phụ huynh đều chọn cách im lặng và đóng tiền, không muốn làm to chuyện ảnh hưởng việc học của con ở lớp.
Lạm thu "núp bóng" ban phụ huynh
Hai tháng đầu tiên năm học 2022 - 2023, TP.HCM là địa phương lùm xùm nhất về lạm thu. Mới đây, phụ huynh phản ứng với bảng dự tính thu chi hỗ trợ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh năm học này của lớp 9/12, trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) là hơn 270 triệu đồng, lớp 9/10 là hơn 165 triệu đồng.
Cuối tháng 9, nhiều phụ huynh có con học ở trường THPT Tây Thạnh phản ánh trường đưa ra nhiều khoản thu bất hợp lý, dẫn đến số tiền đầu năm phải đóng lên đến gần 6,4 triệu đồng. Nếu vận động thành công và tất cả phụ huynh đều đóng, riêng quỹ phụ huynh của trường sẽ vào khoảng 1,3 tỷ đồng…
Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/3, trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7, TP.HCM), đưa ra kế hoạch chi cho năm học 2022 - 2023 lên tới 130,2 triệu đồng. Lớp có 41 phụ huynh, tính trung bình mỗi phụ huynh đóng hơn 3,1 triệu đồng.
Tại Bạc Liêu, phụ huynh trường Tiểu học A xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) tố nhà trường thu các khoản phí một lần vào đầu năm học lên tới gần 1,8 triệu đồng/học sinh và phải đóng trong vòng 1 tuần.
Tại Hải Phòng, Trường mẫu giáo mầm non 1 phổ biến tới ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm một số lớp và cha mẹ học sinh về việc đóng góp kinh phí mua đồ dùng học tập với mức 500.000 đồng/học sinh/kỳ. Tuy nhiên, nhiều giáo viên chủ nhiệm đã vận động phụ huynh học sinh đóng góp tới 1,5 triệu đồng/học sinh cho năm học cùng 300.000 đồng/học sinh cho khoản đồ dùng học tập theo danh mục tại các lớp.
Đầu năm học, nhiều phụ huynh có con học tại trường THPT Lê Chân (Hải Phòng) phản ánh việc nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh nhiều lớp vận động đóng góp xây trạm biến áp khoảng 1 tỷ đồng phục vụ trực tiếp cho giáo viên, học sinh.
Tại Hà Nội, đến nay, báo chí cũng phản ánh Ban đại diện cha mẹ học sinh của một số trường thu chi sai quy định. Trong đó, nổi lên việc Ban đại diện cha mẹ học sinh trường THCS - THPT Lương Thế Vinh thu đồng loạt mỗi phụ huynh 700.000 đồng cho quỹ phụ huynh trường cho riêng học kỳ 1, bảng dự kiến chi từ nguồn quỹ này lên tới gần 2,5 tỷ đồng/học kỳ, trong đó chủ yếu chi cho các dịp lễ tết thầy cô.
Ngày 18/9, phụ huynh lớp 1 trường Tiểu học Thạch Linh (phường Thạch Linh, Hà Tĩnh) phản ánh nhà trường thông báo mỗi học sinh phải đóng 1,7 triệu đồng bao gồm tiền bàn ghế học sinh, giáo viên, bảng, tivi, tủ đựng tài liệu của giáo viên... Ngoài ra, mỗi em đóng 28.000 đồng/ngày tiền ăn bán trú và 200.000 đồng/tháng tiền phục vụ ăn bán trú. Tổng các khoản bao gồm quỹ lớp là 2 triệu đồng, trừ học sinh nhà nghèo đóng ít hơn.
Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp gì?
Vào đầu năm học mới, Bộ GD&ĐT ra văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục không để xảy ra tình trạng lạm thu. Ban đại diện cha mẹ học sinh phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư 55, tuyệt đối không tổ chức thu các khoản thu ngoài quy định. Quy định là vậy nhưng nhiều trường vẫn vượt rào, bất chấp để thu tiền phụ huynh.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, cho biết, Bộ đang thành lập các đoàn kiểm tra công tác thực hiện nhiệm vụ đầu năm học mới tại 4 địa phương trên cả nước, trong đó chú trọng đến vấn đề thu chi đầu năm học.
Tuy nhiên, trong danh sách 4 địa phương được ông Cường cung cấp, không thấy nơi được xem là “điểm nóng” về thu chi đang khiến dư luận bức xúc.
Không ít ý kiến cho rằng, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành của Bộ GD&ĐT khá đầy đủ nhưng năm nào tình trạng lạm thu vẫn tái diễn. Phải chăng Bộ GD&ĐT đang thiếu sự kiểm tra, giám sát việc xử lý nghiêm vi phạm ở địa phương? Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục để xảy ra thu chi sai quy định cũng chủ yếu bị “nhắc nhở”, rút kinh nghiệm, hoặc “nghiêm khắc phê bình” nên không đủ sức răn đe, cảnh báo.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Cường khẳng định, không chỉ trực tiếp kiểm tra, thanh tra, Bộ GD&ĐT còn yêu cầu thanh tra các Sở GD&ĐT thực hiện việc thanh kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất theo hướng dẫn từ đầu năm học. Bộ cũng tiếp nhận thông tin qua phản ánh của người dân, qua các phương tiện truyền thông để yêu cầu các Sở GD&ĐT xác minh thông tin, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.
Ông Cường cũng cho rằng, hiện mới là đầu năm học, Bộ GD&ĐT đang yêu cầu các địa phương báo cáo nên chưa có kết quả cụ thể về việc xử lý vi phạm đến đâu, đã đúng với quy định và đủ sức răn đe hay chưa. Bộ GD&ĐT sẽ theo dõi và chỉ đạo sát sao quá trình xử lý các vi phạm ở cơ sở, đảm bảo không có tình trạng chỉ ra văn bản rồi để các nơi thực hiện như thế nào cũng được như lo ngại của dư luận.
Để ngăn chặn tình trạng lạm thu, hầu hết địa phương trên cả nước đều quy định chi tiết khoản nào được thu và thu bao nhiêu. Cụ thể đầu năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT Hải Phòng và Tiền Giang đều quy định chi tiết danh mục khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo cho khối trường công lập.
Các khoản thu theo định kỳ gồm: Mua sắm thiết bị phục vụ bán trú; học và thi nghề phổ thông; nước uống. Các khoản thu theo tháng như tiền ăn, hỗ trợ người nấu ăn; chăm sóc bán trú; quản lý trẻ/ học sinh ngoài giờ hành chính; trông ngày thứ 7, dạy học 2 buổi/ ngày…
Các nơi khác như Nam Định, Quảng Trị hay Sở GD&ĐT Đắk Lắk thẳng tay quy định, nếu trường học bị phụ huynh phản ánh lạm thu, thủ trưởng các đơn vị sẽ bị xử lý nghiêm. Dù vậy, vấn đề lạm thu năm nào cũng vậy "đến hẹn lại lên" mà chưa có giải pháp giải quyết triệt để.
Cần xử phạt mạnh hơn
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, để xảy ra tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục là trách nhiệm của nhiều bên liên quan. Trong đó, trách nhiệm cao nhất là Bộ GD&ĐT khi chưa phát huy hết vai trò của cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó còn có trách nhiệm của các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và sau đó là đến cấp trường. Cần truy rõ trách nhiệm của hiệu trưởng khi để xảy ra tình trạng lạm thu, vi phạm các quy định của pháp luật, ông nhấn mạnh.
Để tránh tình trạng lạm thu, ông Ứng cho rằng, cơ quan quản lý cấp trên nên quy định rõ ràng, quán triệt các đơn vị trường mình quản lý; cần có chế tài cụ thể để xử lý thật nghiêm, răn đe và uốn nắn các trường hợp vi phạm. Đồng thời, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các cổng thông tin đại chúng về các khoản được thu, không được thu với từng cấp học để phụ huynh nắm rõ.
“Phải có kênh phản hồi công khai để nếu xảy ra tình trạng lạm thu ở trường nào, cấp nào, phụ huynh, giáo viên có thể phản ánh trực tiếp kèm theo bằng chứng. Có như vậy, tình trạng lạm thu mới được giải quyết dứt điểm”, luật sư Bùi Đình Ứng nêu.
Nguyên nhân việc lạm thu luôn tái diễn và không chấm dứt hoàn toàn do quá trình xử lý sai phạm không mạnh mẽ, chỉ nhắc nhở, khiến lãnh đạo các trường "nhờn luật".
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa
Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, chỉ rõ thực tế hiện nay nhiều lãnh đạo nhà trường lợi dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động, ủng hộ đóng góp các khoản thu dịch vụ. Tuy nhiên, việc đóng góp chi cho việc gì, học sinh được hưởng gì, nhiều trường không công khai.
Ông Hòa cho hay việc vận động đóng góp các khoản thu dịch vụ đối với những gia đình có điều kiện sẽ không thành vấn đề, nhưng với hộ hoàn cảnh khó khăn càng khiến họ phải đắn đo. Việc đóng góp những khoản thu dịch vụ trong trường là số tiền lớn, nếu lãnh đạo trường nảy sinh lòng tham chiếm đoạt, cần phải bị xử lý nghiêm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Có thể xảy ra việc lãnh đạo nhà trường thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động đóng góp các khoản dịch vụ nhằm chuộc lợi cá nhân. Bởi vậy, chúng ta cần phải giám sát chặt chẽ, công khai việc thu, chi để khách quan, minh bạch”, ông nói.
Ông Hòa cũng chỉ ra nguyên nhân việc lạm thu luôn tái diễn và không chấm dứt hoàn toàn do quá trình xử lý sai phạm không mạnh mẽ, chỉ nhắc nhở, khiến lãnh đạo các trường "nhờn luật".
Đầu tháng 10/2022 tại buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) với Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, một số cử tri đề nghị người đứng đầu ngành giáo dục xem xét lại quy chế hoạt động của hội cha mẹ học sinh. Thời gian qua, dư luận, báo chí rất bức xúc và cho rằng hội này lập ra dường như là “cớ để các trường thu các khoản, quỹ”.
Trả lời cử tri, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, “đúng là vấn đề rất nhạy cảm”, từ đầu năm học báo chí đã phản ánh về việc một số hội cha mẹ học sinh liên quan thu chi... “Việc này Bộ đang xem xét sửa đổi thông tư quy định hoạt động của hội cha mẹ học sinh. Nhưng sửa chữa như thế nào, định hướng ra sao còn cần cân nhắc rất thấu đáo”, ông Sơn nói.