Quốc hội mới đây đã thông qua gói hỗ trợ về tài khóa tiền tệ để phục hồi kinh tế trong hai năm trước tác động của Covid-19. Nhấn mạnh sự cần thiết của gói này, song nhiều ý kiến cũng lo ngại tiền gói hỗ trợ "chảy" vào đầu cơ một số kênh tài sản, trong đó có bất động sản khi nhắc lại bài học giai đoạn trước.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng gói này có tác động tới thị trường bất động sản nhưng không quá lớn.
Ông Khởi nói: Trong chương trình phục hồi trong 2 năm vừa được Quốc hội thông qua, có một số nội dung liên quan tới cơ chế hỗ trợ phát triển nhà ở thời gian tới. Cụ thể là hỗ trợ trực tiếp vốn 15.000 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội để người dân có nhu cầu có thể vay để mua, thuê nhà. Ngoài ra cơ chế hỗ trợ vốn giá rẻ cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ thông qua gói hỗ trợ giảm 2% lãi vay trong tổng gói 40.000 tỷ đồng.
Không phải toàn bộ cả 40.000 tỷ đồng, gói này nhiều đối tượng khác được hỗ trợ, trong đó có cũng có chủ đầu tư. Song cũng chỉ có 3 loại được vay: NOXH nói chung, Nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ. Chính sách thực hiện 2 năm.
Tới đây để thực hiện triển khai chính sách này thì Bộ Xây dựng sẽ có yêu cầu các địa phương rà soát lại các dự án hiện nay mà đang triển khai mà có nhu cầu vốn hoặc sẽ triển khai nhưng đủ điều kiện thực hiện, hoàn thiện 2 năm. Không hướng tới những dự án bây giờ mới làm thủ tục chuẩn bị. Đối với gói 15.000 tỷ cũng hướng tới thúc đẩy dự án đang triển khai, để làm sao hoàn thiện, hỗ trợ người mua, thúc đẩy nguồn cung, đặc biệt nhà ở cho công nhân.
Nhìn chung, Quốc hội đã quyết định chỉ hỗ trợ giảm lãi vay cho các dự án nhà ở giá thấp, nhà ở công nhân, chứ không hỗ trợ vốn giá rẻ doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dự án nhà ở thương mại, nên không lo tác động làm tăng giá nhà ở.
Còn về tác động của gói khi có sự đầu tư hạ tầng rất lớn, trong khi hạ tầng có yếu tố quan trọng tới thị trường bất động sản thì ở góc độ chúng tôi nhận định, cũng sẽ có ảnh hưởng nhưng không phải quá lớn.
Các đầu tư có kế hoạch rồi, bỏ tiền vào làm những dự án quy hoạch có sẵn rồi. Hạ tầng cũng có tác động nhưng quan trọng nhất là kiểm soát dòng tiền vào đầu tư bất động sản. Hiện nay đã và đang kiểm soát tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản…
Tôi cho rằng quan trọng nhất là vẫn kiểm soát dòng tiền vào bất động sản.
Thực tế thì thưa ông, nhiều "cò đất", môi giới vẫn vin vào cái cớ về gói phục hồi với lượng tiền bơm ra để đồn thổi về nguy cơ lạm phát, rồi thị trường bất động sản sẽ tăng giá để kích thích người mua?
- Một trong những giải pháp để hạn chế vấn đề này là cung cấp thông tin về dự án, đẩy mạnh cung cấp thông tin về quy hoạch, đảm bảo cho người dân, khách hàng tiếp cận được thông tin chính xác, biết được chỗ nào làm đúng, chỗ nào có cơ sở pháp lý, chỗ nào làm sai...
Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 117 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Trong đó có những quy định cho các địa phương cung cấp thông tin để làm sao liên thông từ địa phương lên Bộ, từ đó có những cung cấp thông tin kịp thời hơn, chính xác hơn.
Quan trọng nhất là thông tin phải nhanh chóng. Trong đó tối thiểu có những thông tin về quy hoạch dự án, dự án đủ điều kiện được bán. Cùng với đó sẽ có những quy định quản lý chặt chẽ hơn các nhà môi giới.
Tình trạng sốt đất có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc môi giới kích giá, đẩy giá để làm nóng thị trường, có nguyên nhân đấy. Nắm được tình hình đấy, Bộ Xây dựng có nhiều văn bản gửi các địa phương. Từ đó đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra giám sát xử lý. Để các nhà môi giới không lợi dụng làm nóng thị trường lên thì phải công khai thông tin một cách kịp thời.
Môi giới thường lợi dụng thông tin chưa rõ ràng, chưa chính xác để kích giá. Vì vậy cần đẩy nhanh cung cấp thông tin công khai.
Thứ hai tăng cường kiểm tra giám sát để xử lý hoạt động môi giới. Bộ Xây dựng cũng đang trình sửa Nghị định 139, tới đây ban hành, sẽ tăng mức nặng xử lý môi giới vi phạm. Trong dài hạn, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất sửa đổi Luật nhà ở, trong đó có giải pháp quản lý chặt môi giới. Ví dụ như đào tạo quản lý môi giới, sát hạch thi cử, quản lý hoạt động ngành nghề. Vấn đề này vẫn đang bàn, nhưng chắc chắn sẽ có những cái quản lý chặt chẽ hơn nhà môi giới...
Nguyên nhân sốt đất có nhiều. Chính vì vậy cần có giải pháp quản lý.
Như ông nói, Nghị định 117 đang được tiến hành sửa đổi. Trong bối cảnh sốt đất, đấu giá gây những tác động tới thị trường thì hiện việc triển khai sửa đổi dự thảo sửa đổi Nghị định như thế nào?
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguyên nhân thị trường bất động sản hoạt động chưa quy củ, trong đó có vấn đề thông tin. Thông tin chưa cập nhật đầy đủ, các thông tin về thị trường chưa được đánh giá toàn diện. Một trong các nguyên nhân có liên quan đến cơ chế chính sách. Vừa rồi, Bộ Xây dựng đã đề xuất sửa đổi thay thế Nghị định 117.
Chính phủ đã lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có báo cáo giải trình các ý kiến các thành viên Chính phủ vào cuối tháng 12. Hiện nay Chính phủ hoàn thiện, đang lấy ý kiến thành viên để ban hành. Tôi tin với quyết tâm của Chính phủ, trong 1-2 tháng tới có thể sẽ ban hành.
Mục tiêu của Nghị định 117 là để cung cấp thông tin một cách cơ bản, kịp thời, không chỉ trong cơ quan quản lý nhà nước từ địa phương đến Trung ương nắm được mà còn cung cấp thông tin cho khách hàng cho người dân. Rồi các thông tin cơ quan nhà nước phải cung cấp cho người dân, các thông tin liên thông thị trường, ví dụ như thông tin bất động sản, quản lý đất đai của tài nguyên môi trường… tích hợp lại, để làm sao vừa có thông tin chính thống và kịp thời.
Sau khi có Nghị định rồi thì Bộ Xây dựng sẽ có tập huấn. Thật ra các địa phương đã triển khai Nghị định 117, sẵn có nền tảng rồi. Chúng ta sẽ đi thẳng vào triển khai cho nhanh, không như hồi mới nữa.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, trên địa bàn cả nước mới chỉ có 15 địa phương hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Liệu lần sửa đổi này xử lý được các bất cập của thị trường. Những cơn sốt đất vừa qua thị cho thấy thị trường bộc lộ rõ vấn đề thiếu thông tin, thiếu minh bạch, chưa được như mong đợi, thưa ông?
- Quả thực Nghị định 117 đã ban hành từ năm 2015, nhưng đến nay đúng là chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc triển khai chậm còn có nhiều nguyên nhân. Lần đầu chúng ta triển khai không tránh được bỡ ngỡ, thông tin lại từ địa phương lên Trung ương. Thứ hai, việc bố trí nhân sự cũng phải có thời gian.
Thứ ba, chính trong bản thân Nghị định 117 có nhiều thông tin mà có lẽ rất khó cập nhật, phức tạp. Khi triển khai địa phương không lấy được chính xác sẽ không dám cung cấp.
Đây là lí do Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi Nghị định 117 để đơn giản hóa thông tin, cập nhật thông tin cần thiết, trách nhiệm rõ ràng của các cơ quan. Để làm sao để có những thông tin kịp thời nhất thị trường cung cấp đầy đủ nhất tới thị trường.