Ngay đầu phiên giao dịch, nỗi lo thị trường có nguy cơ “kéo-xả” đã khiến sự thận trọng bao trùm. Nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường chứng khoán (TTCK) chưa đủ yếu tố hỗ trợ để bứt phá đi lên, trong khi áp lực chốt lời gia tăng.
Hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” diễn ra ngay từ phiên sáng 27/8 và kéo dài cho tới chiều. Số lượng mã cổ phiếu giảm giá thường ở mức gấp đôi so với số lượng cổ phiếu tăng giá. Tuy nhiên, sự bứt phá của bộ 3 mã cổ phiếu “họ Vin” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã giúp TTCK không bị giảm sâu trong cả phiên giao dịch.
Cổ phiếu Vingroup (VIC) ở mức tăng trần và sát trần từ nửa cuối phiên sáng và trở nên rất mạnh từ khoảng 14h, với dư mua trần liên tục tăng lên vài trăm cho tới gần triệu đơn vị. Chốt phiên, VIC tăng 2.950 đồng lên 45.100 đồng, với dư mua giá trần là 853.000 đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu Vinhomes (VHM) cũng khá mạnh, với mức tăng phần lớn quanh 1.000 đồng/cp. Tới cuối phiên 27/8, VHM tăng 900 đồng lên 41.400 đồng/cp.
Vincom Retail (VRE) tăng nhẹ 200 đồng lên 20.050 đồng/cp.
Bộ 3 cổ phiếu nhà tỷ phú Phạm Nhật Vượng là trụ đỡ cho TTCK trong phần lớn thời gian giao dịch hôm nay. Ở chiều ngược lại, đa số cổ phiếu trụ cột khác ghi nhận sức bán áp đảo, qua đó giảm điểm. Tuy nhiên, về cuối phiên, một vài cổ phiếu trụ cột đã hồi phục.
Chốt phiên giao dịch 27/8, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,54 điểm lên 1.280,561 điểm.
Nhóm cổ phiếu “họ Vin” giao dịch ấn tượng, với lượng trao tay tăng vọt, qua đó giúp đẩy giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt hơn 16.100 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng khá mạnh cổ phiếu Vingroup, với hơn 1,84 triệu VIC, trong khi bán gần 400 nghìn mã này.
Cổ phiếu Vingroup tăng trần khá bất ngờ với nhiều nhà đầu tư, trong bối cảnh thị trường ghi nhận thông tin thêm quốc gia áp thuế 100% lên xe điện Trung Quốc.
Theo đó, Chính phủ Canada vừa công bố quyết định áp thuế 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, nối gót bước đi của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU).
Việc Mỹ đánh thuế lên xe điện Trung Quốc chỉ là một phần trong cuộc chiến thương mại với quốc gia này. Nhiều mặt hàng khác của Trung Quốc cũng bị áp thuế cao như pin, pin năng lượng mặt trời, nhôm, thép...
Ở chiều ngược lại, các hãng xe điện lớn của Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng nhà máy ở nhiều quốc gia trên thế giới để tránh thuế.
Đầu tháng 7 vừa qua, ông lớn xe điện Trung Quốc BYD khai trương nhà máy đầu tiên tại Đông Nam Á, đặt tại Rayong, phía nam của Bangkok với công suất 150.000 xe/năm. Tới đây, ô tô điện mang thương hiệu BYD có thể tràn ngập không chỉ ở Thái Lan mà cả các nước trong khu vực.
Hồi đầu tháng 7, BYD đã thỏa thuận với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ xây nhà máy trị giá 1 tỷ USD với công suất 150.000 xe. Nhà máy dự kiến đi vào sản xuất cuối năm 2026.
BYD đã và đang xây dựng nhà máy ở một số nước như Uzbekistan, Brazil và Hungary. Gần đây, BYD quyết định sẽ xây dựng nhà máy trị giá 1,3 tỷ USD (công suất 150.000 xe) tại Indonesia trong năm 2024.
Theo Nikkei Asia, nhiều nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, bao gồm cả BYD, gấp rút chuyển xe đến Mexico và Brazil, để dễ xuất khẩu vào Mỹ sau khi Washington vừa tăng thuế gấp 4 lần lên 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Còn trên TTCK, dòng tiền đổ vào nhìn chung chưa mạnh. Thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dừng hút tiền qua tín phiếu, chuyển sang trạng thái bơm ròng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng cũng không tác động nhiều tới các nhà đầu tư.
Thông tin tỷ giá USD/VND giảm và khả năng Mỹ sẽ đẩy mạnh giảm lãi suất có lẽ đã phản ánh vào TTCK trong các phiên tăng tích cực đầu tuần trước. Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng trong nước gần đây liên tục giảm, về vùng 25.000 đồng (bán ra) và 24.700 đồng (mua vào). Trên thị trường tự do, USD cũng về mức 25.300 đồng (giá bán). Việt Nam tiếp tục ghi nhận thặng dư thương mại trong nửa đầu tháng 8.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect, TTCK duy trì xu hướng tăng điểm ấn tượng trong tuần qua khi chỉ số VN-Index liên tiếp vượt qua các mốc 1.260 điểm và 1.270 điểm và đã tiến sát vùng kháng cự mạnh 1.290-1.300 điểm. Thị trường đã có dấu hiệu chững lại trong hai phiên cuối tuần trước ngưỡng kháng cự mạnh kể trên.
Gần như chắc chắn là Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới nên mối quan tâm lớn hiện nay là mức độ và cường độ cắt giảm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Thị trường đang kỳ vọng Fed có thể cắt giảm khoảng 0,75-1 điểm phần trăm lãi suất điều hành từ nay tới cuối năm.
Tuy vậy, nếu Fed đưa ra một kế hoạch thận trọng hơn thì có thể sẽ có những tác động làm điều chỉnh kỳ vọng của nhà đầu tư và thị trường. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư trong nước nên thận trọng hơn khi những thông tin tích cực phần nào đã được phản ánh vào đà tăng ấn tượng vừa qua của thị trường và VN-Index đang đối diện với kháng cự mạnh tại vùng 1.290-1.300 điểm.