Xem thêm: Cha "chân lấm tay bùn" trên đồng ruộng kiếm tiền đóng học phí cho con
Hơn cả những người vợ ngóng chồng đi biển, hơn cả những chủ thu mua hải sản, những người phụ nữ làm nghề phu cá (người gánh, xúc cá từ tàu vào bờ - PV) ngày ngày mong mỏi những chuyến tàu trở về với khoang cá đầy ắp.
3h sáng, bãi biển làng chài đã rộn ràng. Trên bến cá, hầu như chỉ thấy bóng dáng phụ nữ. Trong hàng trăm phụ nữ chen nhau chờ đợi chồng, đợi hàng, các bà các chị trung niên với gánh và rổ trên tay luôn sẵn sàng. Họ là những nữ phu cá.
Hơn 20 năm làm phu cá, bà Lê Thị Tăng (51 tuổi) không thể tính hết đã gánh được bao nhiêu tấn cá nhưng bà thuộc hết tính nết từng chủ tàu như thuộc tính nết những người trong gia đình.
Giống như những người phụ nữ làm phu cá ở bến bãi ngang xã Bình Minh, mỗi ngày công việc của bà bắt đầu từ 3h đến 9h sáng. Không kể mùa hè nóng bức hay mùa mưa gió lạnh, trừ những ngày mưa bão và đau ốm, còn lại, ngày nào bà cũng ra biển với chiếc nón trên đầu và đôi quang gánh trên vai để đợi tàu.
Bà Tăng tâm sự, hơn 16 năm trước (năm 2006), cơn thịnh nộ của biển cả đã cướp đi của dân làng xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) 87 người đàn ông, thanh niên là ngư dân trên những chiếc tàu có công suất lớn ngoài khơi, trong đó có chồng bà.
Chồng mất để lại cho bà hai con nhỏ. Cũng nhờ bà con lối xóm động viên, đùm bọc, bà làm đủ nghề mưu sinh, từ gánh cá đến phơi cá thuê, để nuôi con ăn học, trưởng thành.
"Mỗi gánh cá chúng tôi được trả công 10.000 đồng, hết việc lại chuyển qua phụ muối cá cho các chủ lò làm mắm, ai kêu gì làm nấy. Ngày tàu về nhiều cá thì kiếm được khoảng 400 nghìn đồng, ngày biển động thì cũng xấp xỉ 100 nghìn đồng. Giờ con cái đã lớn, cũng đỡ vất vả rồi. Tôi mừng vì đã gắng gượng qua những ngày gian khó nhất khi chồng mất sớm, một mình lo nuôi dạy con nên người", bà Tăng rơm rớm nước mắt tâm sự.
Ở bến bãi ngang xã Bình Minh hiện có hơn 20 phụ nữ làm nghề phu cá. Thông thường, mỗi người sẽ gánh cá thuê cho 2 tàu nhưng cũng có ngày việc nhiều gấp đôi gấp ba, khi số lượng tàu cập bến lớn.
Dù thu nhập bèo bọt và bấp bênh nhưng không mấy ai chê và bỏ việc. Những người phụ nữ ở nhiều độ tuổi, nhiều thôn, xã khác nhau đã gặp nhau trên bến, đồng cảm, chia sẻ với nhau, động viên nhau cố gắng.
Rời làng chài Bình Minh đến xã biển Tam Tiến, huyện Núi Thành, từ sáng tinh mơ, khi mặt trời mới nhô lên từ những chân sóng cũng là thời điểm những con tàu lớn tôm cá đầy khoang vừa cập bến.
Bà Nguyễn Thị Đông (49 tuổi, ở xã Tam Tiến, Núi Thành) cho biết, chồng đi biển làm thuê cho một chủ tàu cá trong thôn, thu nhập không đủ trang trải cho gia đình với 3 con đang tuổi ăn học nên bà làm thêm nghề phu cá.
Mỗi ngày, bà Đông ngược xuôi hàng chục lần trên đồi cát cao chừng 3 mét với khoảng vài chục ký cá trên vai mỗi lần gánh.
Bà Đông chia sẻ: "Đội cá từ tàu lên bến, trượt chân ngã, tím bầm chân tay là chuyện bình thường. Những người phụ nữ làm nghề này hầu hết đều bị các bệnh về xương khớp nhưng vẫn bám biển, bám tàu vì cuộc sống phải mưu sinh".
Dầm mình trong sương sớm, trong mùi tanh nồng của cá tôm, những người phụ nữ làm nghề phu cá dường như cũng trở nên rắn rỏi hơn. Họ như những thân cò mảnh mai mà dẻo dai, bền bỉ bám biển, bám tàu mưu sinh.