Tết đến xuân về, cảnh sắc đất trời thay đổi khiến lòng người cũng dịu dàng, chậm rãi để đón chút không khí xuân chạm vào trong tâm hồn. Người lớn thì xốn xang, bận bịu tay chân để dọn dẹp nhà cửa; trẻ con thì háo hức, hân hoan để được nghỉ Tết. Nhưng cớ sao, tôi lại chạnh lòng khi nhớ về bà nội - người đã lưu giữ những phong vị ngày Tết và tạo lập cho mọi người trong gia đình một thói quen của những ngày đầu năm mới.
Nội là mẫu phụ nữ truyền thống với cách quán xuyến nhà cửa đâu ra đấy và tài nấu ăn không thể chê vào đâu được. Từ những món bánh truyền thống đến các loại chè, từ món mặn chế biến công phu đến từng món chay đặc trưng, một tay nội đều làm hết mà không cần ai phụ giúp. Bởi thế, khoảng thời gian tuổi thơ tươi đẹp của tôi sống bên nội là được thưởng thức vô vàn món ăn ngon mà bây giờ nhớ lại, miệng vẫn có cảm giác thèm thuồng, rồi khóe mắt rơm rớm tự khi nào chẳng hay.
Mâm cơm chay ngày Tết phải đủ 5 món đặc trưng mà nội tôi làm để cúng ông bà ngày đầu năm mới. Ảnh: Lê Đức Bảo
Trong kí ức của tôi ngày ấy, đêm 30 mọi người trong gia đình quây quần đông đủ để cùng nhau đón Giao thừa. Nội tự tay chuẩn bị cỗ cúng trong nhà, ngoài trời; rước ông Táo về nhà; xông đất đầu năm... Là người ngủ trễ nhất nhưng nội lại là người dậy sớm nhất, để làm mâm cơm chay cúng gia tiên vào đúng sáng mùng một Tết.
Nội dậy là cả gian bếp sáng choang. Thứ ánh sáng hắt lên từ lửa của bếp củi chập chờn và cay xè khói, nhưng lại ấm áp giữa mưa xuân lất phất ngày đầu năm. Làn khói bếp cảm nhận qua khứu giác, thị giác; còn tình yêu thương của nội lại cảm nhận bằng cả tâm hồn thuần khiết.
Trong bếp, tiếng trò chuyện rôm rả của mấy thím phụ nội, dường như làm cho không gian bếp nhỏ hẹp bỗng chộn rộn, đánh thức giấc ngủ say của những đứa trẻ.
Ngày thường, chúng tôi phải ngủ đến tận trưa mới dậy. Nhưng chẳng hiểu sao cứ đến Tết là lại thức rất sớm để đung đưa đôi chân bé xíu qua lại trên ghế, tay co rúm lại vì lạnh, ngồi quan sát mọi người đang nấu nướng, và cũng có khi là để được sai một số việc lặt vặt. Có lẽ, cái đánh thức chúng tôi ngày Tết không phải là lời nhắc của ba mẹ, mà chính là xúc cảm rộn ràng, háo hức mùa xuân.
Mâm cơm chay đầu năm phải đủ 5 món gồm cơm, kho, chiên, xào, canh. Bởi nó là bữa cơm đầu tiên trong một năm mới cần phải có sự may mắn, sum vầy, sung túc, bình an và phát tài. Màu sắc của món ăn cũng nổi bật để hợp cho không khí của ngày Tết. Nhờ thao tác nấu nướng điêu luyện của nội mà các món ăn luôn đảm bảo được những yêu cầu của sắc, hương, vị và thanh.
Với nội tôi, ăn chay đầu năm để thanh đạm từ trong tâm, giúp suy nghĩ cân bằng hơn, và con người sẽ luôn hướng về những điều thiện lành. Ảnh: Internet
Một mình nội "làm chủ" hết cả gian bếp nhỏ bé với đôi tay nhịp nhàng và điệu nghệ. Nồi cơm cắm một lát đã chín. Khi chảo chả ram đang chiên xèo xèo cũng là lúc tiếng chày giã nện vào cối để từng hạt đậu phộng nát nhuyễn, nội thoăn thoắt pha một xoong nước chấm ngon béo và sền sệt.
Trên bếp, khi nồi đậu hủ kho nấm sôi sùng sục thì bên cạnh cũng là một chảo xào đang nghi ngút khói. Tay nội đảo lia lịa để rau củ vừa chín tới, giữ được màu xanh mướt và vị giòn.
Và cuối cùng là món canh nhiều màu sắc với sắc trắng của súp lơ, sắc nâu của nấm hương, sắc cam của cà rốt và cả những cọng bún tàu óng ả. Bún tàu vốn dễ chín và bở nhanh, nên phải nấu sau cùng, rồi mới xếp đầy đủ mâm thức ăn dâng lên bàn thờ gia tiên. Cứ lần lượt dĩa cơm, tô canh, đậu kho, dĩa xào, chả ram, nước chấm, rau sống và chén kiệu, được bày biện một cách đẹp mắt.
Trong nén nhang trầm nghi ngút khói và len lỏi đâu đó là mùi thơm phức bốc ra từ những món thuần chay do chính tay nội nấu, mới có thể cảm nhận được hết sự hi sinh to lớn của nội là như thế nào. Nhưng quà nội nhận lấy cho riêng mình là các cô, các chú cùng con cháu trong nhà tề tựu sum họp trong dịp Tết.
Khi nhang đã tàn, nội xin phép ông bà được hạ mâm cơm, rồi mọi người quây quần bên bàn ăn ấm áp.
Nội gắp cho cháu một cuốn chả ram. Mẹ gắp cho con một miếng đậu kho đẫm vị. Chị lấy miếng bánh tráng phơi sương cuốn rau sống cùng với chả ram, tay múc thêm một chén nước chấm, thêm vài miếng kiệu chua ngọt, như làm cho vị ngon tăng thêm bội phần. Vừa ăn mọi người vừa trò chuyện rôm rả, kể lại những điều đã làm được trong năm vừa qua. Đâu đó vang lên tiếng cười nói í ới của những đứa trẻ con chưa hiểu chuyện.
Chả giò là món không thể thiếu trong mâm cúng chay của nội tôi. Ảnh: Lê Đức Bảo
Mâm cơm chay ngày Tết của nội tôi đơn giản mà ngon lạ lùng. Nó tựa như tất cả tình cảm của nội gói gọn vào trong từng món ăn. Và không thể thiếu lời răn dạy của nội dành cho con cháu: "Thưởng thức món ăn chay như thanh lọc mọi tạp niệm trong chính cơ thể mình. Thanh đạm từ trong tâm để giúp suy nghĩ cân bằng hơn, và con người sẽ luôn hướng về những điều thiện lành".
Bất ngờ cơn bạo bệnh ập đến, nội mất vào gần dịp Tết. Tôi hụt hẫng và chênh vênh như mất đi một điểm tựa tinh thần vô giá. Mùa Tết năm ấy - chúng tôi mất nội. Mùa Tết năm ấy - lòng ai cũng nặng trĩu một nỗi buồn không tên, không hạn định. Bởi có nội thì Tết mới vui, có nội thì Tết mới tròn đầy.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, Tết Quý Mão đang chạm ngõ, gieo vào lòng người những niềm vui và kì vọng vào một năm 2023 đầy khởi sắc. Nhưng nó cũng là mùa Tết thứ 7 mà chúng tôi không còn nội ở bên cạnh nữa. Như nếp cũ, mẹ cùng các cô về quây quần làm mâm cơm chay cúng ngày đầu năm. Vẫn đầy đủ các món như khi nội còn sống, nhưng hình như vẫn thiếu một chút dư vị mà chỉ có nội mới biết cách nêm nếm sao cho tròn vị.
Bây giờ trưởng thành, nhưng cứ Tết về, ngồi thưởng thức từng món ăn chay quen thuộc mà sóng mũi cứ cay cay, nước mắt đã rơi thành vệt tự khi nào không hay. Tôi tìm cách quay mặt qua một bên để mọi người không thấy tâm trạng mình. Lắm lúc chỉ muốn bật ra tiếng nghẹn ngào:
"Con nhớ Tết xưa, nhớ mâm cơm chay nội nấu, nhớ nội - người đã tạo nên hương vị riêng của ngày Tết trong con!".