Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông tin cho biết cơ quan này sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng ngay trong tuần này (15-19/4) tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối, nhằm tăng cung vàng cho thị trường.
Như vậy, đây là lần đầu tiên trong vòng 11 năm, ngân hàng trung ương của Việt Nam sẽ cung ứng vàng ra thị trường trong bối cảnh mức chênh giá vàng miếng SJC trên thị trường trong nước cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới quy đổi.
Mức chênh hiện tại là gần 12 triệu đồng/lượng. Đỉnh điểm mức chênh lên tới 18-20 triệu đồng/lượng hồi cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Giá vàng miếng SJC tính tới phiên ngày 15/4 ở mức 84-85 triệu đồng/lượng.
NHNN sẽ đấu thầu bao nhiêu vàng?
Ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI, cho biết, việc NHNN đấu thầu vàng miếng là cung ứng vàng ra thị trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hút đồng VND về.
Việc bán vàng hút tiền VND về cũng được xem là một biện pháp thắt chặt tiền tệ, giúp thanh khoản bớt dư thừa, qua đó giúp tỷ giá USD/VND bớt căng. Giá vàng trong nước sẽ thu hẹp khoảng cách so với giá vàng thế giới.
Như vậy, việc cung ứng vàng ra thị trường kỳ vọng sẽ đạt được 2 mục tiêu, vừa giảm chênh lệch giá vàng miếng SJC vừa hạ nhiệt tỷ giá. Tỷ giá USD gần đây liên tục leo thang và hôm 15/4 đạt đỉnh cao lịch sử 25.300 đồng/USD tại Vietcombank.
Có chung quan điểm, đại diện một công ty chứng khoán khác tin rằng, giá vàng miếng SJC sẽ giảm mạnh hơn do nguồn cung vàng chắc chắn sẽ được cải thiện.
Cũng theo đại diện công ty chứng khoán này, giá vàng có thể còn giảm do doanh nghiệp "đóng cửa". Hoạt động đầu cơ, kích giá vàng có thể được kiềm chế lại. Mức chênh giá mua - bán vàng có thể được rút ngắn lại.
Trên thực tế, cách đây khoảng hơn thập kỷ, giới đầu tư chứng kiến hiện tượng một số doanh nghiệp vàng cho gần như toàn bộ nhân viên nghỉ, đi du lịch sau mỗi đợt sốt nóng. Thị trường vàng mỗi khi bùng nổ đều mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp kinh doanh vàng. Sau đó, khi các cơ quan quản lý vào cuộc ổn định, cũng là thời điểm các cửa hàng cho nhân viên đi nghỉ mát.
Hôm 12/4, đại diện NHNN cho biết, ngay trong tháng 4 sẽ tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng và thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp vàng và ngân hàng.
Như vậy, gần như chắc chắn, lượng cung sẽ được cải thiện. Nhưng câu hỏi được đặt ra là, nếu can thiệp vào thị trường vàng trong nước thì NHNN sẽ dùng nguồn lực nào?
Giải pháp đầu tiên có thể sẽ là xuất vàng từ quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia để tăng cung vàng. Tiếp theo là nhập vàng về.
Với giải pháp đầu, liệu NHNN có thể xuất được bao nhiêu vàng từ nguồn này để bình ổn thị trường?
Số lượng vàng trong dự trữ ngoại hối không được NHNN công bố. Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) trích dẫn số liệu từ CEIC (một tổ chức cung cấp dữ liệu kinh tế) cho thấy, tính tới tháng 5/2020, vàng dự trữ ở mức khoảng gần 9,2 tấn, tương đương khoảng 0,68% tổng dự trữ ngoại hối.
Còn trên trang CEIC, Việt Nam có vàng dự trữ gần 650 triệu USD tính tới tháng 10/2023. Nếu tính mức giá khoảng 1.970 USD/ounce hồi tháng 10/2023 thì Việt Nam có tổng lượng vàng khoảng 10,3 tấn.
Vàng sẽ xuống 60 triệu đồng/lượng?
Câu hỏi được đặt ra tiếp theo, giá vàng có thể sẽ xuống mức bao nhiêu nếu NHNN đấu thầu vàng miếng ra thị trường?
Rất khó có thể trả lời chính xác khi không biết NHNN sẽ cung ứng ra thị trường bao nhiêu vàng từ nguồn dự trữ khoảng 10 tấn theo ước tính trên cũng như vàng có thể nhập về thêm.
Trên thực tế, hầu hết ngân hàng trung ương phải duy trì một lượng vàng nhất định. Do vậy, khả năng tỷ lệ vàng có thể chỉ rút về mức 0,5% dự trữ ngoại hối, tương đương bán ra khoảng 2-2,4 tấn - một con số không đáng kể so với nhu cầu nắm giữ của dân chúng khi trong nước lên cơn sốt vàng.
Bên cạnh đó, NHNN có thể để doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, điều này có thể tác động đến thị trường ngoại hối trong nước, tăng tỷ giá, khi doanh nghiệp phải mua gom USD để nhập vàng.
Lật lại lịch sử, sau khi Nghị định 24 được ban hành năm 2012, trong năm 2023, NHNN đã liên tục tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng (với phiên đầu tiền hôm 28/3/2013), tổng cộng bán gần 70 tấn vàng, thu về cho ngân sách khoảng 8.000 tỷ đồng chênh lệch, qua đó cũng ổn định tương đối thị trường vàng. Sau vài tháng đấu giá, giá vàng từ mức 43 triệu đồng/lượng đã có lúc về 36 triệu đồng/lượng (tương đương giảm 23%).
Hiện giá vàng thế giới rất khó lường và biến động theo những diễn biến địa chính trị tại Trung Đông (Iran và Israel), tại Ukraine... cũng như chính sách tiền tệ của Mỹ và nhiều nước khác. Nhiều dự báo cho rằng, vàng sẽ có thể lập đỉnh mới trong nửa cuối năm 2023, có thể là 2.500 USD/ounce, thậm chí 3.000 USD/ounce (quy đổi tương đương hơn 92 triệu đồng/lượng).
Một điều cũng đáng lưu ý là nếu cho nhập vàng, dự trữ ngoại hối bằng USD sẽ giảm. Với mức giá 2.350 USD/ounce hiện nay, mỗi tấn vàng nhập khẩu phải chi ra khoảng 75,5 triệu USD. Nếu cũng nhập 70 tấn như năm 2013, NHNN sẽ cần khoảng gần 5,3 tỷ USD. Việt Nam có dự trữ ngoại hối khoảng 86 tỷ USD vào tháng 2/2023, theo tính toán của CEIC.