NHNN đang họp với các ngân hàng về cho vay bất động sản: Dư nợ BĐS chiếm 21,46%

13/11/2023 13:57

Sáng 13/11, NHNN và Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị với các ngân hàng cho vay bất động sản trên 20.000 tỷ đồng. NHNN cho biết dư nợ bất động sản chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Sáng 13/11, NHNN và Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị triển khai Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tính tới 30/9 đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết NHNN luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường BĐS, tín dụng để có các giải pháp vừa đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS.

Tại văn bản 2931/NHNN-TD ngày 24/4, NHNN chỉ đạo TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án BĐS, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định. Tập trung nguồn vốn tín dụng đối với dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình BĐS phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ.

thong doc 2.jpg
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị

Xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường BĐS. Chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, mục đích sử dụng vốn vay, thu nợ đầy đủ, đúng hạn. Đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà trong cùng một dự án.

Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo và hướng dẫn triển khai các chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư vay với mức lãi suất thấp hơn từ 1,5% đến 2% so với lãi suất cho vay bình quân của 4 NHTM nhà nước.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, cần thực hiện các giải pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương nhằm tiếp tục xử lý, giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý với lĩnh vực BĐS; phát triển thị trường vốn trung – dài hạn; đồng thời tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại các văn bản như Nghị quyết 33/NQ-CP, Công điện số 993/CĐ-TTg.

Về phía ngành Ngân hàng, thời gian tới, NHNN cho hay đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục chỉ đạo TCTD thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

Theo dõi, bám sát tình hình triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng để phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình, góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng cũng như mua nhà ở xã hội của người dân

Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường BĐS phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD.

Về cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đang triển khai tại NHCSXH, tổng nguồn vốn cho vay tối đa theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 là 15.000 tỷ đồng.

Đến 30/9, NHCSXH mới giải ngân đạt 55% kế hoạch do nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn hạn chế, nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay vốn tín dụng chính sách xã hội; chủ đầu tư khi bán cho người mua nhà chưa giải chấp nên không thực hiện được việc đăng ký giao dịch bảo đảm…

Do đó, ngày 2/11, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 181/NQ-CP điều chỉnh kế hoạch vốn dự kiến không giải ngân hết của 4 chương trình cho vay ưu đãi, trong đó có Chương trình này để bổ sung cho vay giải quyết việc làm.

Đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, khó khăn lớn nhất là nguồn cung còn hạn chế, đến nay mới có 23 UBND tỉnh, thành phố công bố danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình.

Theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, qua rà soát các dự án thuộc danh mục, trong số 54 dự án được công bố có: 5 dự án đã được phê duyệt cấp tín dụng; 30 dự án (55,5%) là chưa có nhu cầu vay vốn; 11 dự án (20,4%) là chưa đủ điều kiện cho vay, trong đó có 06 dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý; 8 dự án (15%) đang được các NHTM thẩm định. Do đó, việc triển khai Chương trình còn chưa được như dự kiến.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
NHNN đang họp với các ngân hàng về cho vay bất động sản: Dư nợ BĐS chiếm 21,46%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO