Ở thời đại của công nghệ phát triển, thông qua mạng xã hội, chúng ta phát hiện nhiều vụ xâm hại tình dục. Phần lớn các vụ việc đều đã diễn ra, con người đều không thể ngăn chặn được, chỉ còn có thể trông chờ vào sự công minh của luật pháp.
Điểm chung ở các vụ xâm hại tình dục, tội phạm hướng tới nạn nhân có thể là bé gái (vụ án dâm ô trẻ em của cựu viện phó VKSND Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh với một bé gái ở chung cư quận 4, hay các vụ ở Vũng Tàu), cũng có thể là bé trai (Paul Bodner bị toà án Mỹ kết án 11 năm tù vì xâm hại bé trai ở TP.HCM – Việt Nam, hoặc vụ của Minh Béo hay hàng loạt vụ xâm hại trên toàn quốc nói chung) và có không ít nạn nhân là các cô gái trưởng thành (nhìn từ vụ nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo ông Lương Ngọc An tấn công tình dục)…
Nghĩa là tội phạm hướng đến trẻ em và các cô gái, đối tượng được xem là yếu đuối, khó có khả năng chống đỡ hơn. Những vụ án được đưa ra ngoài ánh sáng (và không ai biết còn bao nhiêu gã “yêu râu xanh” còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật) đã đánh động xã hội này, đặc biệt là những người làm cha làm mẹ.
Sự bất lực của người lớn
Không ai không căm phẫn khi các vụ xâm hại tình dục trẻ em diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật”, ghê tởm những tên dâm ô dưới vỏ bọc đạo mạo, có địa vị trong xã hội này. Nhưng ngoài việc đó ra, người lớn làm được gì để ngăn chặn những điều tồi tệ ấy xảy ra? Đó là câu hỏi không lời giải đáp của các bậc phụ huynh.
Khi đọc các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, chúng ta đau xót cho nạn nhân và quặt thắt khi nghĩ đến con cái của mình. Rõ ràng, người lớn nợ trẻ em một lời xin lỗi. Bởi chúng xứng đáng với những điều tốt đẹp, được bảo vệ, được yêu thương thay vì bị tổn hại từ thể chất đến tinh thần bởi những kẻ xấu xa.
Chúng ta – những người lớn – đã không thể làm được gì cho đến khi các vụ án được đem ra ánh sáng. Chúng ta bất lực khi các vụ xâm hại diễn ra ngay nơi mình ở, nơi mình sinh hoạt hàng ngày. Mỗi khi tin tức về những việc đó xảy ra, người lớn lại ước “giá như mình quan sát nhiều hơn” hay “giá như mình lắng nghe nhiều hơn”. Bao điều giá như và giá như chỉ phản ánh sự bất lực của chúng ta.
Từ những nỗi ân hận, vô tình biến thành nỗi âu lo dễ khiến thành thái quá hoặc cực đoan. Bởi những người làm cha, làm mẹ sẽ chẳng thôi nghỉ ngơi giây phút nào khi phần lớn thời gian, họ không thể ở bên cạnh để bảo vệ con cái mình. Những hoài nghi về sự an toàn của con trẻ ở trường, lớp, ở chung cư… sẽ cứ tăng dần.
Thêm vào đó, những “yêu râu xanh” này ẩn dưới lớp vỏ bọc của những kẻ đạo mạo mà cho đến khi sự việc bị tố cáo, không ít người ngả ngửa khi nghe đến danh tính của tội phạm. Từ những lão già trông có vẻ đạo đức hay một kẻ ngoại quốc lịch sự hoặc các tay công chức “đứng đắn”… Sự đa dạng này sẽ khiến bạn hoài nghi tất cả và bậc cha mẹ dễ hình thành thói đa nghi với những người xung quanh.
Cha mẹ làm được gì cho con em chúng mình?
Lời xin lỗi chỉ phản ánh sự bất lực của người lớn với trẻ em, nhưng thực tế, chúng ta làm được nhiều hơn một lời xin lỗi. Cha mẹ nên nhìn thẳng vào vấn nạn này, và tìm ra một giải pháp cho con cái.
Một xã hội dù văn minh thế nào cũng không thể triệt tiêu hết những cái xấu, cũng không thể cứ trông chờ vào sự tử tế của mỗi cá nhân. Vậy thì người lớn chuẩn bị gì cho trẻ nhỏ?
Chắc chắn không ít người làm cha làm mẹ sẽ dạy con em mình cách yêu thương và bảo vệ cơ thể của bản thân. Chúng ta thường dạy con cái cơ thể của con là của con, tuyệt đối không cho bất kỳ ai đụng chạm, kể cả người thân. Điều này giúp trẻ con ý thức được sự quan trọng của cơ thể và từ đó tạo ra một phản xạ bảo vệ bản thân.
Khi trẻ em ở một độ tuổi ý thức được về môi trường và con người, cha mẹ dù không muốn, cũng phải cho con biết các thông tin cần thiết về các vụ xâm hại tình dục nhằm tạo ra một sự phòng vệ cần có khi con bạn sinh hoạt ở nơi đông người.
Một điều quan trọng không kém nữa đó chính là dạy con vài kỹ năng cần thiết để ứng phó khi bị kẻ xấu quấy rối. Có thể chỉ trẻ con cách gào thét nhờ sự giúp đỡ của người xung quanh hay phản ứng bằng việc đá vào chỗ hiểm của kẻ xấu rồi bỏ chạy thật nhanh về chốn đông người.
Điều cần thiết khác chính là thái độ của trẻ nếu chẳng may bị quấy rối. Đó chính là đừng im lặng, chịu đựng và một mình chôn giấu thương tổn. Cha mẹ phải tạo sự tin tưởng để con trẻ có thể chia sẻ, thuật lại sự việc. Bởi chỉ có phanh phui, đấu tranh, bạn mới mong tạo ra một môi trường an toàn, “sạch sẽ” hơn.
Cuối cùng, cha mẹ chỉ có cách yêu thương con cái vô điều kiện, san sẻ, lắng nghe và thấu hiểu để cùng con khôn lớn, trưởng thành. Bởi vì tình yêu chính là một liều thuốc chữa lành đắt giá nhất trong cuộc sống này. Chúng ta đừng để phải tiếc nuối, đừng để bản thân phải nói “giá như”, đặc biệt là với con cái. Chúng là món quà vô giá, và cha mẹ phải có nghĩa vụ bảo vệ hơn tất thảy trên đời.
Người ta vẫn hay nói rằng một nền giáo dục tốt là tiền đề cho mọi sự phát triển, đặc biệt là sự tử tế ở mỗi cá nhân. Tôi vẫn luôn tin rằng nếu mỗi đứa trẻ được cha mẹ, thầy cô giáo ươm những mầm yêu thương, xã hội sẽ dần bớt đi những “ung nhọt” của cái xấu, cái ác.
Điều này không bắt đầu từ nơi nào khác ngoài gia đình và trường học. Nếu muốn một môi trường sống tốt đẹp hơn, bạn có thể bắt đầu từ chính gia đình, những người thân yêu của mình trước tiên. Từ một nhánh nhỏ sẽ dần lan toả, “mọc” thêm nhiều nhánh mới và từ đó tạo nên một cộng đồng “xanh, sạch, đẹp”.