Điện ảnh Việt có đủ hấp dẫn để kéo 10% dân số ra rạp? (Ảnh minh họa: Nam Nguyễn/Vietnam+)
Cái tên Trấn Thành và phim mới “Nhà bà Nữ” chưa hết độ nóng khi vừa vượt mốc 400 tỷ đồng sau 17 ngày công chiếu (số liệu của nhà phát hành). Giới chuyên môn đánh giá phim có thể vượt mốc kỷ lục cũ (420 tỷ đồng do “Bố già” xác lập năm 2021) để đạt 500 tỷ đồng.
Từ thành công này, giới chuyên môn đã ngay lập tức đưa ra những kỳ vọng cho thị trường phim Việt, với mục tiêu hướng đến là “ngàn tỷ” thay vì chỉ “trăm tỷ.”
Tiềm năng là… có thừa
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, với 20 năm kinh nghiệm theo dõi phòng vé Việt, cho rằng nếu chỉ nhìn vào thành tích "đáng nể" của những hiện tượng phòng vé như “Nhà bà Nữ” hay trước đó là “Bố già,” – hai bộ phim đều do Trấn Thành sản xuất, thì phim Việt có thể nhắm tới con số 1.000 tỷ đồng doanh thu trong tương lai. Thế nhưng, “giấc mơ” này vẫn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố.
“Tôi kỳ vọng phim Việt Nam sẽ đạt được 10 triệu vé/phim, nhưng là trong khoảng từ 5-10 năm nữa,” nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm nói.
Đi vào phân tích cụ thể, nhà phê bình Lê Hồng Lâm cho hay hiện một vé xem phim tại Việt Nam dao động từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng. Vì vậy, phim đạt 1.000 tỷ đồng tương đương bán ra 10 triệu vé, tức là khoảng 10% dân số Việt Nam hiện nay (97 triệu người) sẽ đến rạp xem một bộ phim.
Tuy nhiên theo nhà phê bình này, để làm được điều đó, thị trường cần sự tiến bộ ở nhiều mặt: Chất lượng phim tăng, tác phẩm có tính thuyết phục cao hơn, tính đa dạng lớn, niềm tin của khán giả với điện ảnh nước nhà, trình độ của người làm phim được cải thiện cộng hưởng với rất nhiều yếu tố khác.
Trong khi đó, nhà sản xuất-biên kịch Kay Nguyễn (Cô Ba Sài Gòn,Hai Phượng…) cho rằng 5-10 năm là khoảng thời gian quá đủ để đạt mức 10 triệu vé/phim. Bởi theo nhà sản xuất-biên kịch này, thế hệ 9X hiện nay là thế hệ thường xuyên đến trung tâm thương mại, có nhu cầu đi chơi cao và hay đi xem phim, đặc biệt là thế hệ “gen Z” (sinh từ cuối thập niên 90 đến đầu 2010).
Khán giả trẻ trở lại rạp chiếu sau làn sóng đại dịch COVID-19 đầu tiên, năm 2020. (Ảnh minh họa: Minh Anh/Vietnam+)
“Thế hệ ‘Gen Z’ hiện nay đã sớm hình thành thói quen đi xem phim. Trong 5-10 năm nữa, họ trở thành bố mẹ và tiếp tục dắt con của mình ra rạp, từ đó sản sinh thêm một thế hệ mới có thói quen đi xem phim ngoài rạp, số người sẽ tăng theo cấp số nhân,” đạo diễn Kay Nguyễn nhận định.
Năm 2021, phim "Bố già" của Trấn Thành đạt kỷ lục doanh thu 420 tỷ đồng, thu về tương đương trên 5 triệu vé (số liệu nhà phát hành). Vào thời điểm đó, dân số Việt Nam đạt khoảng 97,5 triệu người.
“Như vậy, số người xem chưa tương xứng với dân số cũng như với số người có thể bỏ tiền mua vé,” đạo diễn Võ Thanh Hòa (Siêu lừa gặp siêu lầy,Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử) nhận định.
Nhìn lại năm 2019, với con số 265 phim nội và ngoại được công chiếu tại Việt Nam, tổng doanh thu toàn thị trường phim ảnh ước tính đạt khoảng 4.100 tỷ đồng, trong đó phim Việt chỉ chiếm khoảng 1.600 tỷ đồng với 44 phim.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa nhận xét con số này “chỉ tương đương một công ty xuất bánh tráng đi Mỹ.” Vì vậy, ông cũng cho rằng điện ảnh Việt Nam phải cố gắng sản xuất phim đạt đến mức doanh thu ngàn tỷ (đồng) trong tương lai gần.
Cần làm gì để mở rộng thị trường?
Theo giới chuyên môn, để dọn đường cho một bộ phim “ngàn tỷ,” nền điện ảnh Việt cần được cải thiện ở nhiều mặt, mà một trong số các tiêu chí cần hướng tới là đa dạng hóa về thể loại, đối tượng...
Hiện nay, phim điện ảnh Việt chủ yếu thành công ở các thể loại hài, tình cảm, tâm lý gia đình. Trong khi đó, chất liệu lịch sử, văn hóa, dân gian Việt Nam cũng được công chúng quan tâm không kém. Thế nhưng, nhiều nhà làm phim Việt đã thử sức ở những đề tài này và chưa thành công, thậm chí thất bại thảm hại vì vừa thất thu, vừa bị chê bai.
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm cho rằng các nhà làm phim cần cẩn trọng để không lãng phí đề tài, lãng phí nguồn tài nguyên dồi dào này và dù khó đến mẫy vẫn phải làm. Ông cũng cho rằng điện ảnh Việt đang ở thời kỳ “quá độ,” cần để khán giả “thanh trừng” nhưng phim dở, để những người làm phim yếu kém biết mình đang ở đâu. Cuối cùng, chỉ còn những nhà làm phim đủ sức trụ lại trên thị trường.
Song song với sự đa dạng về nội dung thì điện ảnh Việt cũng cần mở rộng về khán giả. Bà Kay Nguyễn đề xuất hướng mở thêm những rạp chiếu, trong đó có rạp chiếu phim cũ, phim kinh điển đặc sắc… thay vì chỉ chiếu toàn phim mới; có thêm phim làm riêng cho độ tuổi trung niên, cao niên, thiếu nhi… thay vì chỉ làm phim cho thanh niên, giới trẻ.
Hiến kế phát triển điện ảnh trong nước, nhiều chuyên gia cho rằng Nhà nước nên có sự can thiệp cần thiết và đúng mức, đặc biệt là đối với các đề tài lịch sử, phim để quảng bá văn hóa Việt Nam.
Đề tài lịch sử vốn rất giàu chất liệu và rất được khán giả quan tâm, nhưng để làm phim cho tốt thì số vốn cần bỏ ra là quá lớn. Vì vậy, đạo diễn Võ Thanh Hòa cho rằng Nhà nước cần rót vốn cho những dự án thực sự có tầm hay đầu tư xây dựng các phim trường quy mô đủ lớn…
Tạo hình của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong dự án phim và sản phẩm đa phương tiện. (Ảnh: AIOI Studios)
Đồng tình với quan điểm này, nhà sản xuất-biên kịch Kay Nguyễn cũng đề xuất Nhà nước cần có cơ chế tạo điều kiện để “gom” các nhà làm phim tài năng, bởi sẽ rất khó để các tên tuổi lớn chủ động nén cái tôi lại mà bắt tay hợp tác với nhau.
Sự tác động từ nhà nước có thể tạo nên một ê-kíp đủ chất lượng để làm nên những phim lịch sử lớn, phim quảng bá văn hóa, truyền thống có chất lượng thật sự tốt.
Theo kinh nghiệm của một nhà làm phim lâu năm, những dự án này thường cần khoản vốn lớn. Đơn cử thể loại lịch sử/dã sử thường cần khoảng 120-140 tỷ đồng tiền vốn. Doanh thu cần thu về gấp 2-2,5 lần để có lãi.
Dù con số này là khả thi tại thị trường Việt Nam, nhưng rủi ro lỗ vốn là vô cùng cao.
“Hiện các công ty làm phim tư nhân tự bỏ tiền ra làm phim nhiều nhất là khoảng 60 tỷ đồng, vậy khoản tiền tới 70-80 tỷ đồng còn lại kiếm đâu ra? Trong khi doanh thu mang về cần đạt khoảng 400 tỷ đồng. Dù là khả thi, nhưng rủi ro quá lớn, không ai dám làm,” nhà làm phim này nhận định.
Hiện nay, nhiều hãng phim tư nhân Việt Nam cũng đã hợp tác để cùng làm một bộ phim. Song theo người trong nghề, việc “bắt tay” mới đơn thuần chỉ dừng ở việc chia sẻ kinh phí để không bên nào phải bỏ ra số tiền quá cao, phần nào giảm rủi ro nếu xảy ra thua lỗ.
Vì vậy, theo nhà làm phim này, chừng nào thị trường chưa có sự thay đổi rõ rệt thì vốn đầu tư cho phim cũng chưa thể tăng đến mức đột biến.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có chính sách bảo hộ phim nội địa, mở rộng số lượng rạp phim để tránh hiện tượng phim Việt bị chèn ép trước “bom tấn” quốc tế. Ví dụ tại Nhật Bản, chính sách bảo hộ có thể khiến một phim ngoại phát hành chậm từ 8 tháng đến 2 năm để đảm bảo số suất chiếu, thời lượng chiếu cho phim nội…
Rõ ràng, mục tiêu phát triển thị trường là lớn, song không phải không thực hiện được. Giới chuyên môn đồng tình rằng với sự nỗ lực từ cả phía nhà nước lẫn chính các nhà làm phim, các nhà đầu tư, nhà sản xuất… thì việc thị trường phim Việt vươn tới mốc doanh thu ngàn tỷ đồng là hoàn toàn khả thi./.