Đau mắt đỏ là bệnh lý về mắt có thể bắt gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Bệnh dễ lây lan từ người này sang người khác và hay bùng phát thành dịch vào khoảng thời gian giao mùa.
Nguyên nhân gây đau mắt đỏ
Theo các bác sĩ khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đau mắt đỏ:
Đau mắt đỏ do virus: Hay gặp là Adenovirus, Herpes. Đau mắt đỏ do virus rất dễ lây lan, đặc biệt trong môi trường trường học, bệnh viện có thể bùng thành dịch với số người mắc cao. Bệnh thường có thể tự khỏi mà không cần biện pháp điều trị đặc biệt nào.
Do vi khuẩn: Thường là các loại vi khuẩn Staphylococcus, Haemophilus Influenzae… Đau mắt đỏ do vi khuẩn ít gặp nhưng nguy hiểm hơn, có thể gây tổn thương mắt nghiêm trọng, làm giảm thị lực, thậm chí là mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.
Đau mắt đỏ do dị ứng: Khác với tác nhân gây bệnh là virus hay vi khuẩn, đau mắt đỏ do dị ứng không lây lan song thường bị chẩn đoán nhầm. Tác nhân gây kích ứng mắt ở mỗi người có thể khác nhau, thường gặp như thuốc, phấn hóa, bụi bẩn, lông vật nuôi… Người bệnh thường bị đau mắt đỏ dị ứng đi kèm với các triệu chứng dị ứng khác ở da, hô hấp xảy ra theo mùa hoặc địa điểm nhất định.
Người dân có thể nhiễm bệnh thông qua các con đường như:
- Tiếp xúc dịch tiết của người bệnh khi họ hắt hơi, nói chuyện.
- Tiếp xúc các vật dụng cá nhân của người bệnh: Khăn mặt, gối, điện thoại hay các vật dụng chung như tay nắm cửa, chìa khóa, nút bấm cầu thang, đồ chơi...
- Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, không đảm bảo.
- Thói quen hay dụi mắt, đưa tay lên miệng, mũi cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- Sử dụng kính áp tròng nhưng khi vệ sinh không đúng cách.
Trong đó, môi trường công sở, trường học, khu vực công cộng là những nơi dễ khiến bệnh lây nhanh và nhiều. Tuy nhiên, một lưu ý nhỏ là bệnh không lây khi nhìn nhau.
Triệu chứng điển hình của đau mắt đỏ
Theo các bác sĩ, khi đau mắt đỏ, bạn sẽ gặp các triệu chứng như ngứa mắt, cảm giác có sạn ở trong mắt; mắt đỏ và sưng tấy, đau nhức mắt; nhiều dử mắt, chảy nước mắt. Ngoài ra, khi thức dậy, mắt bị dính chặt lại do màng dử mắt. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, sau vài ba ngày đến mắt thứ hai. Bệnh nhân cũng có thể kèm theo sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, nổi hạch sau tai.
Đau mắt đỏ thường không quá nghiêm trọng, nếu vệ sinh, chăm sóc và điều trị tốt, bệnh thường diễn biến trong khoảng 5-10 ngày.
Tuy nhiên, nếu chủ quan không điều trị, đặc biệt trường hợp đau mắt đỏ do vi khuẩn có thể kéo dài, thường xuyên tái phát và gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc, loét giác mạc, thậm chí mù lòa.