Nhìn lại quãng thời gian Hà Nội lập kỷ lục và bước qua đỉnh dịch COVID-19

Phạm Đông| 26/03/2022 07:55

Hà Nội từng ghi nhận kỷ lục 32.650 ca mắc COVID-19 vào ngày 8.3. Tuy nhiên, những ngày qua, số ca mắc đã giảm mạnh. Sở Y tế nhận định thành phố đã qua đỉnh dịch.

Nhìn lại quãng thời gian Hà Nội lập kỷ lục và bước qua đỉnh dịch COVID-19
Xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại khu vực Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Trần Cường

Đỉnh dịch, Hà Nội lập kỷ lục hơn 32.000 ca mắc/ngày

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội ngày 25.3, ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế  -nhận định, thành phố đã bước qua đỉnh dịch, tuy nhiên không được chủ quan, tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và theo dõi diễn biến trong thời gian tới. Điều này cho thấy, Hà Nội đã qua đỉnh dịch COVID-19 sau hơn một tháng ca mắc liên tục tăng.

Số liệu thực tế cho thấy, trước Tết, Hà Nội duy trì xấp xỉ 3.000 ca/ngày. Trong Tết, con số này có xu hướng giảm nhẹ, nhưng được cảnh báo là giảm “giả tạo”. Kết thúc kỳ nghỉ lễ, người dân di chuyển, giao thương nhiều nơi, Hà Nội tăng lên gần 4.000 ca/ngày.

Những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3, Hà Nội tăng vọt số ca nhiễm, liên tục “lập đỉnh”. Các chuyên gia đánh giá, biến chủng Omicron “đe dọa” và làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ngày 27.2, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, khoảng giữa tháng 3, số ca mắc tiếp tục tăng cao và đạt đỉnh tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. Thành phố đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ và ý thức người dân.

Trên thực tế, từ đầu tháng 3, Hà Nội liên tục ghi nhận trên dưới 30.000 ca mắc trong nhiều ngày. Đáng chú ý, ngày 8.3, Hà Nội ghi nhận kỷ lục 32.650 ca mắc COVID-19. Tại thời điểm đó, Omicron là chủng lưu hành chính tại Hà Nội.

Ngày 9.3, kết quả giải trình tự gene 93/109 mẫu bệnh phẩm ngẫu nhiên, được xác định nhiễm Omicron, chiếm tỉ lệ 85,3%. Trong số này, biến thể phụ BA.2, hay còn gọi Omicron tàng hình, chiếm ưu thế với 86/93 mẫu.

Ca mắc tăng cao, các trạm y tế xã, phường, thị trấn xảy ra tình trạng quá tải. Nhiều F0 sau khi test nhanh, được yêu cầu ra trạm y tế phường xếp hàng dài để được xác nhận là F0 hoặc hết thời gian cách ly. Nhiều trạm y tế phường chỉ có 8-10 nhân viên y tế, nhưng có thời điểm họ đều mắc COVID-19 không thể tiếp tục làm việc.

F0 chờ xét nghiệm, cấp giấy chứng nhận tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.
F0 chờ xét nghiệm, cấp giấy chứng nhận tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Ông Chu Ngọc Anh đánh giá thực trạng này là gánh nặng đối với y tế các cấp, đặc biệt cấp cơ sở. Thủ tục chồng chất trong khi nhân viên y tế vẫn phải tiếp tục rà soát đối tượng nguy cơ, người già có bệnh nền… chưa được tiêm đủ mũi.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các sở ngành, quận huyện quản lý người nhiễm qua phần mềm, tăng cường điều phối lực lượng để giảm tải hệ thống y tế cơ sở. Về vấn đề này, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - đã yêu cầu đơn giản thủ tục, tăng cường sử dụng phần mềm quản lý F0 và ứng dụng tối đa công nghệ.

14 ngày liên tiếp ca mắc giảm, Hà Nội đã qua đỉnh dịch

Những ngày sau, số ca liên tục giảm. Cụ thể, ngày 25.3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 10.803 ca COVID-19. Đây là ngày thứ 14 liên tiếp, số ca mắc trong ngày ở Hà Nội giảm.

Đến 25.3, thành phố được đánh giá đã qua đỉnh dịch, hiện quản lý 264.820 F0 tầng 1 (nhẹ hoặc không triệu chứng), chiếm tỷ lệ 99.34%. Ngoài ra, 1.404 bệnh nhân trung bình điều trị ở tầng 2, chiếm tỷ lệ 0.53% và 345 bệnh nhân nặng, nguy kịch ở tầng 3, chiếm tỷ lệ 0,13%.

Hà Nội kiên định với mục tiêu giảm số ca mắc, đảm bảo không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống y tế. Đồng thời, thành phố kiểm soát số bệnh nhân chuyển nặng, chuyển tầng và tỉ lệ tử vong.

Kể từ ngày 15.3, Việt Nam khôi phục hoạt động du lịch bao gồm nội địa và quốc tế. Hà Nội cũng xây dựng phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của Trung ương và thành phố.

Cùng ngày, UBND TP.Hà Nội cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống được phép hoạt động bình thường (không quy định đóng cửa trước 21h hàng ngày), đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan.

Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai, quyết định số lượng người tham gia các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Đáng chú ý, từ ngày 18.3, quận Hoàn Kiếm cũng mở lại các không gian phố đi bộ trên địa bàn.

Ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - đề nghị các địa phương xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới. Ông nhấn mạnh, mở cửa trở lại các hoạt động dịch vụ, không có nghĩa là buông lỏng mà kiểm soát, quản lý hiệu quả.

Hà Nội đã qua đỉnh dịch.
Hà Nội đã qua đỉnh dịch.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/y-te/nhin-lai-quang-thoi-gian-ha-noi-lap-ky-luc-va-buoc-qua-dinh-dich-covid-19-1027481.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/y-te/nhin-lai-quang-thoi-gian-ha-noi-lap-ky-luc-va-buoc-qua-dinh-dich-covid-19-1027481.ldo
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại quãng thời gian Hà Nội lập kỷ lục và bước qua đỉnh dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO