Sau khi hẹn hò được vài năm, người đàn ông ở tỉnh Cam Túc của Trung Quốc buộc phải chia tay bạn gái. Nguyên nhân là do anh này không thể chi trả được khoản sính lễ trị giá gần 300.000 nhân dân tệ (47.000 USD).
“Tôi đã hỏi người dân địa phương và họ nói đây là tục lệ. Tôi hy vọng tục lệ này có thể được xóa bỏ”, người đàn ông họ Qin viết trong mục “Messages to Leaders” trên trang web people.com.cn chuyên tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân Trung Quốc.
Nhiều đàn ông Trung Quốc đặc biệt ở vùng nông thôn không lấy được vợ vì không gánh nổi tiền sính lễ. (Ảnh: CGTN) |
Sính lễ là một tập tục có từ thời cổ xưa ở Trung Quốc. Theo đó, nhà trai sẽ đưa cho nhà gái một khoản tiền coi như chuyển nhượng quyền kiểm soát thân thể và sức lao động của người phụ nữ.
Tại huyện Chính Ninh thuộc tỉnh Cam Túc, nơi anh Qin đang sinh sống, thu nhập trung bình hàng năm của người dân là hơn 20.000 nhân dân tệ (3.136 USD) vào năm 2021. Điều này đồng nghĩa với việc anh Qin sẽ phải tích cóp 15 năm mới đủ tiền sính lễ để đưa cho nhà gái theo như yêu cầu.
Bất chấp nỗ lực của chính phủ Trung Quốc cải cách thủ tục cưới xin và khuyến khích người dân giảm tiện trong những năm gần đây, tiền sính lễ vẫn là mối quan ngại lớn nhất trong xã hội Trung Quốc nhất là ở khu vực nông thôn, nơi đa phần nam giới vẫn độc thân.
Hồi đáp trước câu hỏi của anh Qiun, vào ngày 7/4, chính quyền huyện Chính Ninh cho hay đã đề ra quy định mức tiền sính lễ tối đa là 80.000 nhân dân tệ (12.547 USD) đối với các gia đình sống ở nông thôn, và 60.000 nhân dân tệ (9.410 USD) với công chức nhằm trấn áp tình trạng chi phí cưới xin đắt đỏ.
“Nhưng chuyện thay đổi yêu cầu sính lễ cao là cả một quá trình dài và phức tạp, nên không thể dễ dàng thay đổi nhanh chóng”, chính quyền huyện Chính Ninh nhấn mạnh.
Trong năm 2021, Bộ Dân chính Trung Quốc đã chọn 1 quận trong 32 thành phố trên khắp cả nước được chỉ định làm “vùng thí điểm” thực hiện cải cách cưới hỏi. Theo đó, cư dân ở “vùng thí điểm” được yêu cầu tự xây dựng quy định để kiểm soát chi phí sính lễ và cưới xin.
Song theo ông Yang Hua, nhà nghiên cứu tại Trường Xã hội học thuộc Đại học Vũ Hán, giải pháp này không phát huy hiệu quả, bởi không có đủ phụ nữ trong độ tuổi kết hôn sống ở các vùng nông thôn để làm đám cưới với nam giới.
“Chừng nào tình trạng chênh lệch giới tính còn duy trì ở khu vực nông thôn, chi phí sinh lễ sẽ còn tiếp tục tăng phi mã. Ngay cả khi tiền sính lễ không tăng, chi phí cho đám cưới vẫn sẽ tăng vì nhiều khoản chi khác”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Yang.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, vào năm 2021, mức chênh lệch giới tính ở vùng nông thôn là 108 nam giới trên 100 nữ giới.
Tính trên cả nước, Trung Quốc có 723 triệu đàn ông so với 689 triệu phụ nữ. Nói cách khác, nam giới Trung Quốc nhiều hơn nữ giới 34 triệu người.
Tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn ăn sâu vào tiềm thức của người dân Trung Quốc, kèm theo "chính sách một con" được thi hành nhiều thập niên và mới được xóa bỏ từ năm 2013 đã dẫn tới tình trạng số lượng lớn thai nhi là bé gái bị phá bỏ.
Ông Li Guofu, một người dân làng ở thành phố Chiêu Thông thuộc tỉnh Vân Nam, cho hay nơi ông sống có rất nhiều nam giới mà người dân địa phương gọi là “guanggun” không thể lấy được vợ vì không đủ khả năng chi trả sính lễ.
Là cha của 3 người con trai, ông Li cho biết mình cần phải chuẩn bị hàng trăm nghìn nhân dân tệ nếu như muốn các con sau này lấy được vợ là người địa phương và xuất thân từ gia đình nông thôn có mức thu nhập trung bình.
“Tôi không muốn các con mình có ngày trở thành guanggun, nên tôi phải làm việc chăm chỉ từ bây giờ”, ông Li tâm sự.
Như ở huyện Ninh Thiểm của tỉnh Thiểm Tây, nơi sinh sống của 70.000 người, các vụ kiện tụng liên quan tới tranh chấp tiền sính lễ đã gia tăng trong những năm gần đây từ 21 vụ năm 2019 lên thành 59 vụ năm 2021. Đây là thông tin được ông Yang Shanshan, trợ lý thẩm phán ở tòa án huyện Ninh Thiểm tiết lộ.
Ông Yang cho biết, chi phí trung bình cho tiền sính lễ đã tăng từ 76.000 nhân dân tệ (12.000 USD) lên thành 135.000 nhân dân tệ (21.170 USD).
Cũng theo ông Yang, tiền sính lễ tăng do tác động từ nhiều yếu tố xã hội bao gồm nạn tội phạm như trộm cắp mà thủ phạm là nam giới.
“Một số phụ nữ trẻ đã lợi dụng tâm lý muốn sớm lấy được vợ của nam giới, nên khi họ lấy được số tiền sính lễ lớn, họ bất ngờ biến mất. Nhưng cũng có những trường hợp phụ nữ bị đưa đi khắp nơi để bán cho nam giới ở địa phương khác để làm đám cưới”, ông Yang nói.
Ngoài mất cân bằng giới tính, tình trạng không có lương hưu và bảo hiểm y tế cho người già ở vùng nông thôn cũng góp phần đẩy chi phí đám cưới tăng nhanh. Bởi theo quan niệm truyền thống ở Trung Quốc, bố mẹ chủ yếu sống dựa vào con cái khi về già.
Minh Thu (lược dịch)