Đường La Thành thuộc xã Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ) như sợi chỉ mỏng manh giữa biển nước. Đến ngày 30/7 nước bắt đầu rút chậm, song dự đoán ngập lụt sẽ còn kéo dài.
Con đường chính của thôn Thuần Lương (Hoàng Văn Thụ) ngập hoàn toàn từ nhiều ngày qua, giao thông tê liệt. Người dân chỉ có thể đi bằng thuyền hoặc lội bộ, nhiều hộ dân phải sơ tán.
Địa hình trũng, nằm trong vùng phân lũ của Hà Nội, ngập lụt liên miên ảnh hưởng nặng đến nông nghiệp. Người dân tại đây cho biết, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa chiêm.
Xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) cũng đang bị ngập nặng, có nơi sâu 2m. Có khoảng 300/320 hộ dân bị nước ngập. Riêng thôn Nhân Lý ngập nặng nhất, người già, trẻ nhỏ ở đây đã phải đi sơ tán. Ảnh chụp tại xã Nam Phương Tiến ngày 30/7.
Mưa vẫn tiếp diễn, con đường thôn Việt An (xã Tân Tiến) chỉ có thể lội bộ hoặc đi thuyền.
Cảnh sinh hoạt khó khăn của người dân thôn Việt An (Tân Tiến) khi bị ngập sâu trong nước.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (UBND huyện Chương Mỹ), qua thống kê, mưa lũ đã khiến 601m kênh mương bị hư hỏng; ngập 5.515m đoạn đê ở 11 xã gồm Hồng Phong, Quảng Bị, Phú Nghĩa, Tốt Động, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Trần Phú. Ảnh chụp tại thôn Khúc Bằng (Nam Phương Tiến).
Trẻ em đi bắt cá trên những con đường làng khi ngập lụt tại Nam Phương Tiến.
Hiện còn hơn 1.000 hộ dân đang trong vùng ngập lụt tại huyện Chương Mỹ chưa phải sơ tán, nếu mưa lớn vẫn xảy ra người dân sẽ phải chuyển đến những địa điểm cao hơn bảo đảm an toàn.
Hiện tại vẫn còn các vị trí bị ngập sâu của xã Nam Phương Tiến. Thống kê cho biết, 1.239 nhà dân ở huyện Chương Mỹ bị ngập từ 0,5-2m; 1.231 hộ dân bị ngập lối đi. Nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại nghiêm trọng; 1.874 con gia súc và 184.912 con gia cầm bị ảnh hưởng.
Đồng ruộng, hoa màu ngập trắng tại Nam Phương Tiến.
Người dân ở các hộ bị ngập sâu đã phải sơ tán, chỉ còn lại số ít trụ lại trông nom nhà cửa phải sống trong cảnh sinh hoạt khó khăn.
Nước dâng bao vây xã Hoàng Văn Thụ. Ảnh chụp ngày 30/7.