Theo thông báo của Sở GD&ĐT, năm học 2022 - 2023 địa bàn thành phố có 8 trường chưa đủ điều kiện tuyển sinh và dạy học lớp 10.
Trường THPT Đặng Thai Mai chưa đủ điều kiện với nguyên nhân nội bộ giữa các cổ đông góp vốn chưa đoàn kết thống nhất trong việc điều hành hoạt động của trường. Quyết định công nhận hiệu trưởng ban hành năm 2017 đã hết hiệu lực; hợp đồng thuê đất không đủ điều kiện pháp lý; cơ sở vật chất trang thiết bị của trường chưa đáp ứng được quy định của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán thuế năm 2021 chưa đúng biểu mẫu theo quy định.
Trường THPT Hà Nội chưa đủ điều kiện tuyển sinh khoá mới do hợp đồng thuê đất tại Phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội chưa đủ điều kiện sử dụng cơ sở vật chất công; thiếu quyết định cấp phép hoạt động giáo dục.
Tương tự trường THPT Đại Việt cũng thiếu quyết định cấp phép hoạt động.
Trường Trung cấp Cộng đồng Hà Nội chưa đủ điều kiện tuyển sinh vì trường được giao chỉ tiêu đào tạo tại cơ sở tại Mỹ Đình, nhưng nhà trường lại đề xuất giao chỉ tiêu học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Sở GD&ĐT Hà Nội còn thông báo 4 đơn vị chưa được giao chỉ tiêu tuyển sinh gồm: Học viện Múa Việt Nam; Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội; Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Cả 4 trường này đều chưa thực hiện đúng quy định của Luật Giáo dục 2019 về việc thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên trong các cơ sở đào tạo nghệ thuật.
Theo quy định của Luật giáo dục, chương trình giáo dục thường xuyên phải do các cơ sở giáo dục thường xuyên đảm nhiệm. Trong khi đó, từ trước đến nay, việc dạy chương trình giáo dục thường xuyên trong trường nghệ thuật thường do chính giảng viên của các trường này thực hiện.