Ma trận học phí
Chưa đầy 2 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, ngay sau đó các thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học. Tuy nhiên, Nguyễn Hoàng Phương Anh, lớp 12 trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn mung lung chưa chốt được mục tiêu đăng ký xét tuyển vào ngành, trường đại học nào cụ thể.
Gia đình Phương Anh không mấy dư giả, bố chạy xe ôm, mẹ bán hàng ki-ốt ở chợ Thanh Xuân Bắc. Ngoài các khoản sinh hoạt phí gia đình, hàng tháng bố mẹ em cũng phải lo thêm tiền học phí, học thêm cho hai chị em. Do đó, mức học phí dự kiến cho Phương Anh học đại học khoảng 5 - 10 triệu đồng/năm, trung bình không quá 1 triệu đồng/tháng.
Tham khảo học phí các trường, Phương Anh càng mung lung hơn. "Các trường chỉ quy định chung chung theo Nghị định 81 của Chính phủ, có trường chỉ nói mức thu khoảng 400.000/tín chỉ, không quy định cụ thể từng học kỳ, từng môn hay từng năm học sẽ tăng thế nào. Điều này khiến em hoang mang và lo lắng cho việc lựa chọn trường", nữ sinh nói. Nếu các trường quy định chi tiết và mức tăng dự kiến trong 4 năm học sẽ giúp thí sinh và gia đình tính toán được mức chi phí phải bỏ để theo học và có chuẩn bị kỹ lưỡng.
Lê Phan Tuấn, lớp 12 trường THPT Nguyễn Du (Hoà Bình) như lạc vào ma trận khi dò tìm học phí nhiều trường đại học. Lực học của Tuấn thuộc top cao của lớp. Qua các lần thi thử tốt nghiệp THPT, cậu đa phần đều đạt từ 25 đến 27 điểm trở lên ở khối A00 và A01.
Nam sinh mong muốn được theo học ngành Công nghệ thông tin hoặc Tự động hoá của một vài trường như Đại học Thuỷ Lợi, Bách khoa Hà Nội, Giao thông vận tải. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Tuấn là vấn đề học phí.
"Mẹ của em dạy học cấp 2, lương chỉ đủ sinh hoạt gia đình. Hiện anh trai cả đang học luật, mức học phí khoảng 5 triệu đồng/năm học, chưa kể các khoản tiền thuê trọ, ăn uống đi lại. Nếu em vào đại học, mẹ sẽ phải gánh thêm khoản tiền nữa, nhọc càng thêm nhọc. Do đó, em chỉ có thể tìm những trường mức học phí khoảng 5 - 7 triệu đồng/năm học", nam sinh nói.
Tìm thông tin học phí, các trường chỉ cung cấp vỏn vẹn vài dòng ngắn ngủi, không quy định cụ thể theo từng năm, từng môn, khiến Tuấn không thể tính toán chi phí học vào khoảng bao nhiêu để có lựa chọn và chuẩn bị.
Trường hợp của Phương Anh, Phan Tuấn chỉ là số ít trong số hàng nghìn, trăm nghìn thí sinh trên cả nước gặp phải. Đề án tuyển sinh của phần lớn các trường đại học hiện chưa công bố chi tiết mức học phí cần đóng theo từng năm, hoặc từng môn học để thí sinh tham khảo và có sự chuẩn bị cho hành trình vào đại học.
Có trường nêu học phí nhưng không rõ ràng
Trong đề án tuyển sinh Đại học Hà Nội, trường đưa ra mức học phí các học phần thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương: 650.000 đồng/tín chỉ. Các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, chuyên ngành, bổ trợ, dự án tốt nghiệp, thực tập và khóa luận tốt nghiệp là 750.000 đồng/tín chỉ... Tuy nhiên trường không quy định 1 năm, 1 khoá sinh viên cần hoàn thành bao nhiêu tín.
Hay tại Học viện Ngoại giao, mức học phí đào tạo chính quy được tính theo tháng. Các ngành Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Kinh tế quốc tế, Luật quốc tế 4,4 triệu đồng/tháng; chương trình đào tạo Luật Thương mại quốc tế, châu Á - Thái Bình Dương 2,1 triệu đồng/tháng. Mức tăng học phí hàng năm không quá 10%. Dù vậy, phụ huynh và thí sinh không rõ một năm học là 9 hay 10 tháng.
Trong khi đó, học phí các chương trình liên kết lại công bố rõ ràng, rành mạch: "Chương trình liên kết với Đại học Monash - Ngành Kinh doanh quốc tế: Học viện Ngoại giao (1 năm) là 17.500.000 đồng/1 môn x 10 môn = 175 triệu đồng".
Đại học Giao thông vận tải cũng công bố khá dè dặt, mức học phí khối kỹ thuật dự kiến 415.800 đồng/tín chỉ, khối kinh tế 53.300 đồng/tín chỉ (trung bình một năm sinh viên học khoảng 30 tín chỉ). Các thông tin khác về lộ trình tăng, mức độ tăng qua các năm tiếp theo dự kiến là bao nhiêu cũng không đề cập.
Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội) không công bố học phí theo nhóm ngành và chương trình đào tạo mà chỉ lưu ý, học phí được thu theo học kỳ/năm, ngoài ra không có thông tin gì thêm.
Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD&ĐT, mức học phí dự kiến của các trường đại học đều phải được công khai trong đề án tuyển sinh đăng trên website trường ít nhất 30 ngày trước khi nhận hồ sơ xét tuyển.
Hiện chỉ vài trường đại học công khai mức học phí chi tiế, như Đại học Y Dược TP.HCM công bố mức học phí từng ngành học/năm học, đồng thời cũng thông báo dự kiến mức học phí tăng qua các năm tiếp theo. Việc công khai, minh bạch trong công bố học phí không chỉ giúp phụ huynh, thí sinh có sự cân đối lựa chọn, mà cũng thể hiện sự tôn trọng người học và đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Tương tự, đề án tuyển sinh đại học 2023 của nhiều trường như Đại học Thương mại, Kinh tế quốc dân, Công nghiệp đã công bố chi tiết học phí theo từng chương trình đào tạo và lộ trình tăng hằng năm.
Cần công bố rộng rãi, minh bạch
GS.TS Đinh Văn Sơn, nguyên Hiệu trưởng Đại học Thương mại cho biết, học phí luôn được coi là vấn đề "nhạy cảm" bởi nó ảnh hưởng tới hàng triệu gia đình. Theo quy định khi tuyển sinh các trường vẫn cần thực hiện "3 công khai" gồm: Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; công khai thu chi tài chính.
Nhiều trường hiện nay còn mập mờ chưa công bố chi tiết mức học phí, đặc biệt các trường tư thục, có thể vì mức học phí của các đơn vị này rất cao so với các khối trường khác, nếu công khai rõ ràng sẽ khó tuyển sinh.
Hầu như năm nào cũng xuất hiện tình trạng, nhiều trường đại học ngoài công lập ban đầu tuyển sinh với số lượng khả quan nhưng được vài năm, tỷ lệ sinh viên bỏ học rất lớn bởi trong quá trình học, các em tìm được trường khác có mức học phí vừa phải hơn.
"Do đó, các trường cần công bố lộ trình tăng học phí để sinh viên tính toán được mức chi phí của các em trong cả khóa học. Nếu tăng, nhà trường phải công bố cách thức tăng thế nào. Mức học phí tăng bao nhiêu phải tính toán dựa trên thu nhập của người Việt Nam, không thể so sánh mức học phí của Việt Nam với nước ngoài bởi mặt bằng giá cả thị trường của các quốc gia khác nhau", GS Sơn nói.
TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính cho hay, thực tế cho thấy, không ít thí sinh khi đỗ vào đại học, nhưng bỏ ngang vì không có điều kiện đóng học phí.
“Để có thể yên tâm khi đi học, thí sinh cần đọc kỹ thông tin học phí được các trường thông báo tại đề án tuyển sinh. Trong đó, ngoài mức học phí đóng cho năm học hiện tại, cần tìm hiểu lộ trình tăng học phí các năm tiếp theo của trường, từ đó tính toán điều kiện kinh tế để lựa chọn”, ông nói.
TS Trần Đức Việt, Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, quy định công khai học phí của Bộ GD&ĐT đã có từ lâu nhưng chưa thực sự thống nhất. Mỗi trường lại đưa ra cách tính khác nhau - tính theo năm, theo kỳ, theo quý, có trường lại tính theo tín chỉ. Do đó, rất cần thêm quy định, chế tài xử phạt từ Bộ GD&ĐT về việc này, cần đưa ra một phương án tính học phí thống nhất, tính theo tín chỉ là cách tính phù hợp.
Mặt khác, việc các trường đại học mập mờ về học phí do lo ngại rằng sau khi công khai, Bộ GD&ĐT sẽ có những thay đổi, dễ bị hớ nên còn lấp lửng, vị chuyên gia nói thêm.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Đại học Quốc tế Sài Gòn, cho rằng việc thể hiện mức học phí không rõ ràng sẽ gây khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin của thí sinh, thậm chí gây nhầm lẫn làm ảnh hưởng tới quá trình học tập sau này.
Để tránh gây mơ hồ và sai lệch, thạc sĩ Tư đề xuất việc công khai học phí nên thống nhất với các thông tin cụ thể, chi tiết như sau: Mỗi ngành học cần công khai thời gian học toàn khóa, số học kỳ là bao nhiêu, mỗi học kỳ trung bình học bao nhiêu tín chỉ, đơn giá mỗi tín chỉ, từ đó tính cụ thể học phí mỗi học kỳ, mỗi năm và toàn khóa. Học phí bao gồm và không bao gồm những phí nào. Nếu có ngành học phí cao, có ngành học phí thấp thì có những thông tin giải thích.
Luật Giáo dục Đại học quy định cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học.
Thông tư của Bộ GD&ĐT về quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cũng yêu cầu các trường phải thông tin đầy đủ về chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.