Nhiều trường đại học top đầu đua nhau mở ngành mới

16/02/2024 14:10

Đón đầu xu thế phát triển, nhiều trường đại học top đầu mở ngành học mới liên quan đến Công nghệ thông tin, Chip bán dẫn, Tự động hoá, Hoá dược.

Năm 2024, Đại học Kinh tế TP.HCM mở hai ngành mới: Công nghệ nghệ thuật, Điều khiển thông minh và tự động hóa.

Đại diện Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, ngành Công nghệ nghệ thuật sẽ là sự giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ. Các phương tiện truyền thống như hội họa, điêu khắc, âm nhạc truyền thống được kết hợp với công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và các công nghệ tiên tiến khác để tạo ra những sản phẩm độc đáo và tinh tế.

Với ngành Điều khiển thông minh và tự động hóa, nhà trường mở mới đào tạo nhằm đón đầu xu hướng khi Việt Nam là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Đại học Kinh tế TP.HCM phát triển chuyên ngành học giao thoa giữa Kỹ thuật, Khoa học máy tính và Công nghệ tự động hóa ứng dụng.

Nhiều trường đại học top đầu 'đua nhau' mở ngành học mới. (Ảnh minh hoạ)

Nhiều trường đại học top đầu 'đua nhau' mở ngành học mới. (Ảnh minh hoạ)

Ngoài ra, trường cũng tuyển sinh trở lại chương trình Quản trị Hải Quan - Ngoại thương (thuộc chuyên ngành Thuế) tại trụ sở TP.HCM và chương trình Thuế tại phân hiệu Vĩnh Long.

Đại học Kinh tế TP.HCM giữ ổn định 6 phương thức xét tuyển, gồm: Xét tuyển thẳng, xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế, xét tuyển học sinh giỏi, xét tuyển học bạ theo tổ hợp môn, xét điểm thi đánh giá năng lực và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến mở ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng với 50 chỉ tiêu.

Nhà trường lý giải việc mở ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và đón đầu xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, trường không hướng tới đào tạo diễn xuất mà chú ý về kịch bản, phê bình điện ảnh một cách bài bản.

Năm nay, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn giữ ổn định 5 phương thức tuyển sinh cho 28 ngành học, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 2.200, nhiều hơn năm ngoái 200.

Năm phương thức xét tuyển gồm: tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội, xét chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia, điểm thi tốt nghiệp THPT 2024.

Năm nay, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM dự kiến mở 6 ngành mới, trong đó có Marketing, Công nghệ tài chính, Kinh doanh quốc tế, Khoa học dữ liệu, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, chuyên ngành Kiểm toán và Quản lý rủi ro, trong ngành Kế toán.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 4.329 sinh viên, tăng gần 700 so với năm ngoái. Trường tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng và dành 10-40% chỉ tiêu các chương trình chuẩn để xét tuyển bằng kết quả này. Dự kiến, 4 đợt thi đánh giá năng lực của trường diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5.

Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM xét tuyển theo 3 phương thức khác: Tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT, tổng hợp kết quả, thành tích bậc THPT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Riêng chương trình do đối tác quốc tế cấp bằng, trường xét tuyển bằng học bạ kết hợp phỏng vấn.

Năm 2024, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) mở 6 ngành mới: Thiết kế vi mạch, Công nghệ Hóa dược, Công nghệ mỹ phẩm và ba ngành mới là Kinh tế xây dựng, Địa kỹ thuật xây dựng, Khoa học dữ liệu.

Dù mở nhiều ngành mới, trường Đại học Bách khoa TP.HCM giữ nguyên quy mô tuyển sinh với 5.150 sinh viên, theo 5 phương thức. Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, năng lực khác (chứng chỉ, giải thưởng) chiếm khoảng 60-90% tổng chỉ tiêu.

Trong phương thức này, học lực chiếm 90%, thành tích cá nhân chiếm 5% và hoạt động xã hội, văn thể mỹ chiếm 5%. Cụ thể, tiêu chí học lực gồm 3 thành phần là điểm học tập ở bậc THPT (gồm 6 học kỳ theo tổ hợp xét tuyển), điểm thi tốt nghiệp THPT (gồm các môn trong tổ hợp xét tuyển), điểm thi đánh giá năng lực.

Ngoài ra, 10-15% chỉ tiêu được tuyển theo phương thức ưu tiên xét tuyển của Đại học Quốc gia TP.HCM.

Ba phương thức còn lại chiếm 1-5% chỉ tiêu là xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo quy định Đại học Quốc gia TP.HCM, xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế hoặc thí sinh nước ngoài (chỉ áp dụng cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, tiên tiến), xét tuyển vào chương trình chuyển tiếp quốc tế (Úc, New Zealand).

Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM dự kiến tuyển 3.900 sinh viên, mở hai ngành về vi mạch bán dẫn.

6 phương thức xét tuyển được trường giữ ổn định, gồm: Xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT, ưu tiên xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM.

Trường cũng xét kết quả chương trình THPT quốc tế với thí sinh người Việt học trường nước ngoài, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học bạ.

Thí sinh trúng tuyển với thành tích cao vào 7 ngành: Vật lý học, Công nghệ Vật lý điện tử và tin học, Hải dương học, Kỹ thuật hạt nhân, Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Khoa học môi trường, Công nghệ kỹ thuật môi trường, được cấp học bổng 50-100% học phí trong năm đầu.

Minh Khôi

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/nhieu-truong-dai-hoc-top-dau-dua-nhau-mo-nganh-moi-ar853467.html
Copy Link
https://vtc.vn/nhieu-truong-dai-hoc-top-dau-dua-nhau-mo-nganh-moi-ar853467.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhiều trường đại học top đầu đua nhau mở ngành mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO