Theo Tiến sĩ Lưu Hữu Đức – Trưởng ban Công tác Chính trị và Sinh viên (Học viện Tài chính) lưu ý đối với tân sinh viên, khi mới bước vào môi trường đại học nơi cuộc sống phố thị, phồn hoa, nên tự trang bị cho mình một số kỹ năng như:
Xác định mục tiêu của bản thân: Việc xác định mục tiêu của bản thân có thể đã được hình thành từ sớm, từ khi các em còn là học sinh. Vì các em đã biết đặt mục tiêu phấn đấu vào trường đại học mà mình mong muốn, xác định được động cơ và thái độ học tập ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Do đó, kỹ năng này cần được bổ sung và phát triển khi trở thành sinh viên.
Ra quyết định và xử lý vấn đề: Khi sinh viên có kỹ năng tự nhận thức các vấn đề, biết được “đúng - sai” thì việc quyết định và xử lý vấn đề theo hướng đúng đắn sẽ không còn là khó khắn, và nó trở thành kỹ năng của chính bản thân bạn.
Làm việc độc lập, làm việc nhóm đây luôn là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại. Kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm giúp sinh viên trưởng thành hơn, phát huy được sức mạnh của bản thân và tập thể trong giải quyết các công việc, trong học tập, cuộc sống và sự nghiệp sau này.
Việc tham gia các hoạt động tập thể do trường, lớp, đoàn thanh niên, hội sinh viên tổ chức là một trong những gợi ý để sinh viên có thể rèn luyện kỹ năng này.
Còn thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng đưa ra lời khuyên về những cạm bẫy, tệ nạn sinh viên cần tránh và hướng giải quyết. Bà Thoa nói: “Nếu gặp trường hợp bị người xấu khống chế, ép buộc, đe dọa... hãy nhanh chóng tìm sự giúp đỡ từ nhà trường, cơ quan công an.
Ngoài hỗ trợ di chuyển, các trường đại học đặc biệt khuyến cáo sinh viên trước những lừa đảo liên quan tài chính như vay nặng lãi, tín dụng đen…
Ông Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã cảnh báo tân sinh viên “Sài Gòn là nơi phồn hoa đô hội, giúp các em học được nhiều điều nhưng cũng là nơi đầy cạm bẫy. Rất nhiều cạm bẫy đang giăng chờ các tân sinh viên".
Ông Dũng khuyên rằng đỗ vào một trường đại học danh tiếng đã khó nhưng để thành công sau 4 năm học càng khó hơn. Vì vậy, các tân sinh viên cần phải nỗ lực học tập, vượt qua nhiều trở ngại, thử thách, cám dỗ trong đó có những việc phải làm ngay từ những ngày đầu nhập học.
Cụ thể cần hoạch định kế hoạch cho 4 năm bởi nhiều em quan niệm sai lầm vào đại học là 'học đại' cho xong, có bằng rồi kiếm việc. Trên thực tế bước chân vào đại học là các em trở thành thuyền trưởng con thuyền tương lai của chính mình. Do vậy, sinh viên phải biết đích đến và lộ trình của mình là gì, từ đó có kế hoạch học tập rõ ràng trong 4 năm.
Ngoài ra, sinh viên phải học vì chính mình. Muốn đi đến thành công không thể thiếu niềm đam mê vì vậy hãy học vì tương lai của chính mình và vì kỳ vọng, niềm tin của gia đình. Để lo cho các em học được ở ăn học ở thành phố, gánh nặng kinh tế đang đè lên vai cha mẹ.
Vào đại học không chỉ để học mà đại học là nơi để trường thành và cũng nơi sẽ có nhiều bạn tốt có thể giúp mình sau này. Đại học cũng là nơi biến giấc mơ của mình thành sự thật.
Đại học là một hành trình mà sinh viên sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhưng cũng giúp các em lớn lên từng ngày, nắm bắt chuyên môn, tích lũy kỹ năng mềm....