Theo khảo sát của Coresight Research, 25% trung tâm mua sắm trên khắp nước Mỹ sẽ phải đóng cửa trong vòng 3 - 5 năm tới nếu đại dịch Covid-19 không được khống chế hoàn toàn. Hiện nước Mỹ có khoảng 1.000 trung tâm thương mại, và các cửa hàng bán lẻ trong các trung tâm mua sắm lớn này đều ế ẩm khiến họ khó có thể tiếp tục trụ vững trong thời gian tới khi đại dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Báo cáo của Coresight Research cho hay, khoảng 90% các cửa hàng bên trong những trung tâm thương mại ở Mỹ là đơn vị thuê mặt bằng dài hạn để kinh doanh, trong đó có rạp chiếu phim, cửa hàng thời trang, siêu thị, các cửa hàng bán lẻ đồ gia dụng, thực phẩm…Đây là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Hàng hóa, dịch vụ ế ẩm khiến họ không đủ chi phí để trả tiền thuê mặt bằng, nhân viên, bù lỗ hàng tồn…, vì thế khả năng “sống sót” trong mùa dịch là rất ít.
Những trung tâm thương mại lâu đời tại Nhật Bản cũng ở trong tình cảnh tương tự. Sau hơn ba thế kỷ hoạt động, trung tâm thương mại Onuma ở thành phố Yamagata, miền bắc Nhật Bản đang rục rịch đóng cửa. Nhiều trung tâm thương mại nổi tiếng trên toàn quốc cũng đang gặp tình trạng khó khăn tương tự.
Được biết đến với các tòa nhà sang trọng chuyên kinh doanh các mặt hàng xa xỉ, dịch vụ cao cấp, các khu vui chơi giải trí hấp dẫn, nhiều trung tâm thương mại của Nhật Bản đang dần bị lãng quên khi thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi, mà nguyên nhân lớn nhất là vì đại dịch Covid-19.
Mới đây, chuỗi cửa hàng Nakago tồn tại hơn một thế kỉ đã phải đóng cửa cửa hàng cuối cùng tại phía bắc thành phố Fukushima. Trong khi đó, Izutsuya, một chuỗi cửa hàng ở phía nam thành phố Kita Kyushu, cũng phải tạm dừng hoạt động 1 trong 2 cửa hàng chính của mình.
Các chuỗi cửa hàng và trung tâm thương mại tại các thành phố lớn của Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Tập đoàn Isetan Mitsukoshi, từng sở hữu trung tâm thương mại có doanh thu cao nhất Nhật Bản, cũng đã và đang phải đóng cửa một số cửa hàng, trong đó có trung tâm thương mại Mitsukoshi ở trung tâm thành phố Tokyo.
Đại dịch Covid-19 hoành hành khiến người tiêu dùng hạn chế mua sắm và đi du lịch, do đó, doanh số bán hàng tại các trung tâm mua sắm đã sụt giảm mạnh. Nhiều cửa hàng trong số hơn 200 trung tâm thương mại của Nhật Bản cũng đã thu hẹp đáng kể diện tích mặt bằng, bằng cách thu hút nhiều người thuê khác.
Doanh số sụt giảm chưa từng có
Giống như đã “tàn phá” các trung tâm mua sắm lớn ở Mỹ và Nhật Bản, đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh mẽ vào các trung tâm mua sắm ở Nga. Nhiều trung tâm thương mại lớn tại Moscow than thua lỗ vì doanh số không ngừng giảm sút. Có những ngày doanh số giảm đến hơn một nữa, thậm chí là gần 80% doanh số bình quân theo ngày.
“Thiên đường” mua sắm sầm uất nhất Singapore - đại lộ Orchard với hơn 20 trung tâm mua sắm cùng vô vàn thương hiệu nổi tiếng thế giới - cũng điêu đứng vì Covid-19.
Nhà hàng nổi tiếng Modesto đã phải đóng cửa sau 23 năm hoạt động. Bên ngoài cửa hàng của những thương hiệu thời trang xa xỉ như Channel và Louis Vuitton, không còn cảnh khách du lịch xếp hàng chờ vào mua sắm. Nhiều trung tâm thương mại khác dọc theo đại lộ Orchard, từng là một trong những địa điểm mua sắm hàng đầu châu Á, nay cũng vắng bóng người qua lại.
Các nhà điều hành trung tâm thương mại ở vùng Vịnh cũng đang phải tìm cách trì hoãn các dự án mới vì đại dịch Covid-19.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Majid Al Futtaim (MAF), nhà điều hành trung tâm mua sắm lớn nhất ở Trung Đông, cho biết họ sẽ trì hoãn việc ra mắt chi nhánh thứ 5 tại Oman khi nhiều nhà bán lẻ đang gặp khó khăn với dòng tiền của mình. Dự án trung tâm thương mại của MAF tại Oman có diện tích dự kiến lên tới 145.000m2.
Tại Dubai (UAE), Emaar Malls, chủ đầu tư và nhà vận hành của trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới Dubai Mall cũng đã tạm dừng thi công hai dự án. Nhiều nguồn tin thân cận cho biết các dự án của Emaar Malls thậm chí bị trì hoãn tới tháng 10 năm sau.
Ở trung tâm mua sắm Mall of the Emirates của Dubai, một số mặt bằng thậm chí đã phải treo biển để tìm kiếm người thuê.
Công ty dịch vụ tài chính EFG Hermes dự báo, doanh số bán hàng tại các cửa hàng Dubai sẽ giảm 20% trong năm 2020 nếu quốc gia này chưa thể đón khách du lịch vào quý 3. Con số này có thể còn tăng lên 40% nếu thời gian cho phép mở cửa diễn ra chậm hơn.