Nhiều quy định mới về cấp phép, đấu giá tần số vô tuyến điện

23/08/2023 10:45

Chính phủ vừa ban hành quy định mới về việc cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn hoặc thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.

Đó là những nội dung trong Nghị định số 63/2023/NĐ-CP (Nghị định 63) quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2022/QH15.

Đối tượng áp dụng của Nghị định 63 là các tổ chức, cá nhân, tham gia quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện tại Việt Nam. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 63 bao gồm việc cấp, cấp lại, cấp đổi, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Nghị định cũng điều chỉnh việc cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện, sử dụng chung và chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện,...

Theo quy định chung, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, cấp lại, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các tài liệu và nội dung kê khai trong hồ sơ.

Khi giấy phép còn hiệu lực, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong giấy phép (trừ thời hạn sử dụng) phải làm hồ sơ đề nghị theo quy định.

Công nhân lắp đặt, thi công thiết bị vô tuyến điện trên trạm BTS.

Nghị định 63 cũng quy định rõ: Các giới hạn phát xạ vô tuyến điện trong giấy phép sử dụng băng tần được quy định theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn quốc tế và khả năng thực tế của công nghệ để đảm bảo giảm thiểu gây nhiễu có hại.

Tổ chức được cấp giấy phép sử dụng băng tần có trách nhiệm báo cáo Bộ TT&TT định kỳ hằng quý trong thời hạn quy định về danh mục thiết bị phát sóng vô tuyến điện sử dụng trong mạng thông tin vô tuyến điện theo mẫu.

Với tổ chức, cá nhân nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với đài vô tuyến điện nghiệp dư, họ chỉ được sử dụng tần số và thiết bị trong thời gian lưu trú hợp pháp tại Việt Nam.

Nghị định 63 cũng quy định rất chi tiết các thông tin về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện và trình tự thủ tục giải quyết của cơ quan chức năng đối với từng trường hợp.

Tại Mục 5, Chương 2, Chính phủ đã đưa ra quy định rõ ràng về việc lập hồ sơ cấp, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh.

Xe phát sóng di động của nhà mạng viễn thông.

Ở Mục 6, Chương 2, việc cấp giấy phép sử dụng băng tần sẽ được thực hiện thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Phương án tổ chức đấu giá phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT. Trong đó, mức giá khởi điểm được tính dựa trên mức thu cơ sở, độ rộng của khối băng tần và thời gian được phép sử dụng.

Theo Mục 7, 8, Chương 2, bên cạnh việc đấu giá, quyền sử dụng tần số còn có thể được cấp phép trực tiếp hoặc thông qua thi tuyển. Nghị định 63 cũng quy định rất rõ về các trường hợp thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ một phần, thậm chí sử dụng chung, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và việc cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến.

Tại Chương 7, Chính phủ đã đưa ra các quy định liên quan đến chứng chỉ vô tuyến điện viên, bao gồm chứng chỉ vô tuyến điện nghiệp dư, chứng chỉ vô tuyến điện hàng hải, cùng với đó là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhiều quy định mới về cấp phép, đấu giá tần số vô tuyến điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO