Canada triển khai tiêm mũi tăng cường thứ 2 cho người hơn 80 tuổi. (Ảnh REUTERS) |
Theo các chuyên gia, khả năng bảo vệ của vắc-xin có thể giảm dần theo thời gian sau mũi tiêm tăng cường đầu tiên, do vậy cần ngăn chặn nguy cơ này và giảm thiểu rủi ro mắc các biến thể có khả năng lây truyền cao.
Mỹ cho phép tiêm mũi vắc-xin tăng cường thứ 2 của hãng Pfizer/BioNTech cho người từ 50 tuổi trở lên và cho người trên 12 tuổi có hệ thống miễn dịch bị tổn thương. Dữ liệu của Mỹ cho thấy, trong làn sóng dịch Covid-19 do biến thể Omicron gây ra, nguy cơ tử vong ở những người đã tiêm mũi vắc-xin tăng cường thấp hơn 21 lần những người không được tiêm chủng và nguy cơ nhập viện thấp hơn bảy lần.
Theo kết quả một nghiên cứu ở Israel, việc tiêm vắc-xin liều thứ 4 của hãng Pfizer giúp giảm đáng kể nguy cơ bệnh nặng ở người cao tuổi nếu mắc Covid-19. Mũi vắc-xin tăng cường thứ 2 này cũng góp phần chống lại nguy cơ lây nhiễm trong thời gian ngắn.
Cơ quan Quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu đã cấp phép tiêm mũi vắc-xin phòng Covid-19 thứ 4 cho người từ 80 tuổi trở lên. Tuy nhiên, các cơ quan y tế châu Âu cho rằng, vẫn còn quá sớm để xem xét việc sử dụng liều vắc-xin thứ 4 cho toàn bộ người dân.
Bộ trưởng Y tế Argentina nhận định, hoạt động chống dịch ở nước này đang diễn biến tích cực khi số ca mắc mới và tử vong giảm mạnh. Đây là kết quả có được nhờ tỷ lệ phủ sóng vắc-xin ở mức cao, với 80% dân số được tiêm đủ liều cơ bản và hơn 17 triệu người tiêm mũi tăng cường.
Chính phủ Nhật Bản chính thức quyết định dỡ bỏ quy định hạn chế nhập cảnh trước đó được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Từ hôm nay (8/4), người nước ngoài đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ không còn bị ràng buộc bởi quy định hạn chế nhập cảnh. Tuy nhiên, còn 56 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc các khu vực Mỹ Latin, châu Âu, Trung Đông, châu Phi tiếp tục bị hạn chế nhập cảnh Nhật Bản.
Bang Victoria của Australia tuyên bố sẽ gia hạn sắc lệnh y tế công cộng phòng dịch thêm ba tháng, viện dẫn nguy cơ nghiêm trọng liên quan làn sóng dịch do lây nhiễm biến thể Omicron “tàng hình”. Theo đó, giới chức bang sẽ có thể duy trì các biện pháp phù hợp nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm và nguy cơ nhập viện vì Covid-19, góp phần giảm tải cho hệ thống y tế và hạn chế các tác động đối với cộng đồng.
Ngày 7/4, trả lời câu hỏi đề nghị cung cấp thông tin về việc công nhận hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam với các nước, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:
Tính đến nay, Việt Nam đã đạt thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vắc-xin lẫn nhau với 19 nước, bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Malpes, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia.
Mới đây, ngày 4/4, Bộ Y tế đã có thông báo chi tiết về quy trình cấp hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam và dự kiến từ ngày 15/4 tới sẽ tiến hành cấp hộ chiếu vắc-xin cho người dân.