Graffiti là tên gọi chung về những hình ảnh hoặc chữ viết kiểu trầy xước, nguệch ngoạc trên các bức tường, thường được vẽ bằng sơn xịt. Ở nhiều nước trên thế giới, graffiti được xem là một loại hình nghệ thuật đường phố. Tuy nhiên ở Việt Nam, nghệ thuật vẽ graffiti chưa được thể hiện và đón nhận đúng cách.
Mới đây, vụ việc 2 toa tàu Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ở depot Long Bình (TP Thủ Đức) bị xịt sơn, vẽ chằng chịt khiến dư luận bức xúc. Qua vụ việc này, phóng viên Dân trí đã ghi nhận nhiều nơi trên địa bàn TPHCM tình trạng vẽ bậy tràn lan, gây mất mỹ quan đô thị. Thực tế cho thấy, không chỉ riêng trên thân tàu mà ở bất cứ đâu có thể vẽ được từ tường nhà dân, công trình công cộng, lô cốt, trụ điện, ghế đá... đều có sự xuất hiện của những hình vẽ tương tự.
Bạn Trần Ngọc Châu (18 tuổi, ngụ quận 1, TPHCM) cho rằng, những hình vẽ graffiti nhìn đẹp mắt và sáng tạo nếu thể hiện đúng nơi, đúng chỗ. "Trước khi vẽ như thế họ cần xin phép và được sự đồng ý từ chủ nhân của bức tường. Và để khắc phục tình trạng vẽ bậy này thì rất cần một sân chơi dành riêng cho các nghệ sĩ đường phố", Châu nói.
Còn chị Nguyễn Thúy Hà (35 tuổi, du khách từ Hà Nội) chia sẻ, việc tùy tiện vẽ lên những công trình công cộng trông rất nhếch nhác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị. "Nếu đó là đam mê thì mình có thể tìm một nơi nào đó thể hiện mà không ảnh hưởng đến người khác", chị Hà bày tỏ.
Sân chơi graffiti đúng nghĩa ở Việt Nam hiện nay dường như không có. Phần lớn các nghệ sĩ đường phố tự tìm nơi thể hiện đam mê cho chính mình. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là graffiti đang trở nên xấu đi trong mắt công chúng bởi hàng loạt hình vẽ bôi bẩn phố phường.