Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, loãng xương trở thành một vấn để sức khỏe mang tính toàn cầu vì ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe người có tuổi, đặc biệt là phụ nữ.
Theo Hội loãng xương TP.HCM ước tính, toàn thế giới hiện có trên 200 triệu người bị loãng xương. Năm 2020, khoảng 3,6 triệu người Việt Nam đang mắc bệnh loãng xương, tuy nhiên con số thật về bệnh lý này có thể còn cao hơn rất nhiều vì còn nhiều bệnh nhân không được chẩn đoán.
Người bệnh không có triệu chứng
Theo Hội loãng xương TP.HCM, bệnh loãng xương diễn biến âm thầm, nặng dần và phức tạp. Người bệnh thường không có triệu chứng, cơ năng gì rõ ràng nên không biết mình bị bệnh cho đến khi gãy xương. Gãy xương là biến cố nặng nề nhất gây tàn phế.
Theo số liệu thống kê từ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận gần 1.000 người đến để tầm soát loãng xương. Trong số đó, có khoảng 20-25% kết quả bị loãng xương, chủ yếu tập trung ở độ tuổi từ 50 trở lên.
Bà C.T.D. (58 tuổi, quận 3) cho biết, hàng ngày bà thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm chức năng tốt cho xương khớp, ngoài ra trong bữa ăn hàng ngày bà còn chú ý bổ sung thêm cá, hải sản... để cung cấp đầy đủ canxi cho xương. Tuy nhiên, đã qua độ tuổi mãn kinh bà D. nghĩ rằng việc bổ sung các loại thực phẩm thường xuyên vậy, khả năng bị loãng xương rất thấp.
Thời gian gần đây, bà D. ngủ thường xuyên bị giật mình, chân tay co giật, xương khớp đau nhức, cứng cơ, tê chân… khi đi khám bà mới phát hiện mình bị loãng xương. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị gãy xương, khi đo mật độ xương thì phát hiện mình đã bị loãng xương.
Loãng xương có thể phòng ngừa được
PGS. TS BS Lê Anh Thư – chủ tịch Hội loãng xương TP.HCM - cho biết, loãng xương là một rối loạn chuyển hóa của bộ xương, gây tổn thương sức mạnh của xương dẫn đến gãy xương. Loãng xương để lại hậu quả nghiêm trọng, không chỉ hành hạ cơ thể bằng đau đớn kéo dài, thay đổi hình thể, giảm chức năng, chất lượng cuộc sống mà còn tăng nguy cơ mắc bệnh khác và tử vong.
Những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao bị loãng xương là phụ nữ sau mãn kinh, người cao tuổi cả nam và nữ, tuổi càng cao nguy cơ gãy xương càng tăng, hút thuốc lá, tiền sử gia đình, thiếu canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày, thiếu vận động thể lực...
Theo TS Anh Thư, loãng xương có thể phòng ngừa được nhưng là một quá trình cần được thực hiện bền bỉ suốt cuộc đời, kết hợp chặt chẽ giữa vận động và dinh dưỡng hợp lý để có khối lượng xương đỉnh cao nhất lúc trưởng thành. Nếu khối lượng xương đỉnh tăng được 10%, sẽ giảm được 50% nguy cơ gãy xương do loãng xương.
Để phòng ngừa bệnh loãng xương cần phải có được chế độ dinh dưỡng hợp lý, cung cấp đầy đủ canxi, vitamin D theo nhu cầu hàng ngày của từng lứa tuổi. Thay đổi lối sống, sống lành mạnh như ngưng hút thuốc, hạn chế rượu, bia, đảm bảo an toàn nơi ở, nơi làm việc, điều trị các bệnh cùng mắc.
Đặc biệt, là cần phải đo chiều cao và khám sức khỏe định kì, phát hiện và điều chỉnh sớm các biểu hiện bất thường tại hệ cơ xương khớp và cột sống.
TS BS Cao Thanh Ngọc - trưởng khoa nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, theo số liệu công bố, trên thế giới cứ 3 giây thì có một người bị gãy xương do loãng xương gây ra. Số người bị loãng xương ở mọi vùng đang tăng nhanh trong những thập kỷ tới do già hóa dân số và lối sống thay đổi.
Tuy vậy, bệnh nhân trẻ tuổi vẫn có thể bị loãng xương thứ phát do các nguyên nhân như các bệnh nội tiết, bệnh thận mạn, các bệnh tự miễn như lupus, viêm khớp dạng thấp…
Tại Việt Nam, nhiều người thường xuyên sử dụng các loại các thuốc trôi nổi, thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc, thành phần và liều lượng, không có chỉ định của bác sĩ (thường chứa thành phần corticoid) là một trong các yếu tố nguy cơ chính của loãng xương.
Các biểu hiện loãng xương thường mơ hồ như đau mỏi cột sống, đau dọc các xương dài, đau mỏi cơ hay chuột rút. Đến 90% bệnh nhân bị loãng xương không phát hiện được bệnh và có tới 2/3 bệnh nhân loãng xương không triệu chứng.
Phụ nữ từ 65 tuổi trở lên và nam giới từ 70 tuổi trở lên, bất kể có yếu tố nguy cơ loãng xương hay không đều cần phải đo mật độ xương. Nam giới từ 50- 69 tuổi có các yếu tố nguy cơ gãy xương như gia đình từng bị gãy xương, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, mắc các bệnh như các bệnh nội tiết…
Bác sĩ Thanh Ngọc nhấn mạnh hiện nay, có rất nhiều người dân sử dụng máy đo mật độ xương bằng sóng siêu âm tại một số nhà thuốc, hội chợ, tuy nhiên, những máy này không mang lại kết quả chính xác.
Điều quan trọng trong việc điều trị loãng xương là người bệnh cần kiên trì tuân thủ điều trị cùng với bác sĩ vì việc điều trị cần lâu dài và liên tục.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên đi tầm soát loãng xương tại các bệnh viện lớn có đầy đủ các trang thiết bị để đo được mật độ xương chẩn đoán sớm loãng xương. Bên cạnh đó, cũng chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D trong khẩu phần ăn, chú ý vận động hợp lý.