Nhiều người trẻ Việt mắc ung thư đại trực tràng vì thói quen xấu trong ăn uống

Phương Linh| 16/05/2022 17:09

Theo TS.BS Phạm Văn Bình, nếu như người mắc ung thư đại trực tràng trước đây thường trên 50 tuổi, thì hiện nay đang trẻ hóa. Tại Bệnh viện K, trung bình một ngày có 5 người bị bệnh này, có những trẻ 10-13 tuổi cũng mắc bệnh.

Ung thư đại trực tràng đang trẻ hóa

TS.BS Phạm Văn Bình - Trưởng khoa Ngoại bụng I, Phó Giám đốc Bệnh viện K vừa chia sẻ trường hợp bệnh nhi hơn 10 tuổi mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn T4B.

Trước đó, bé nhập viện trong tình trạng đau bụng do tắc ruột. Kết quả chụp CT và các xét nghiệm phát hiện có một khối u ở đại tràng sigma. Khi làm sinh thiết mô bệnh học thì đây là một dạng ung thư biểu mô tuyến đại tràng sigma. Các bác sĩ nhanh chóng phẫu thuật cắt khối u cho bệnh nhi.

Ca phẫu thuật được thực hiện thành công. Khối u đại trực tràng sigma được lấy ra có kích thước 6cm, đã xâm lấn thành đại tràng. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhi ổn định.

ung-thu-truc-trang-3.jpg
Theo các bác sĩ, ung thư trực tràng đang trẻ hóa. Ảnh minh họa.

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư có nguồn gốc từ đại tràng (phần chính của ruột già) hoặc trực tràng (đoạn nối giữa đại tràng và hậu môn). Đây là loại ung thư phổ biến thứ ba được chẩn đoán có ở cả nam và nữ. Hầu hết ung thư đại tràng đều khởi phát từ sự tăng sinh của niêm mạc đại trực tràng gọi là polyp.

Theo Globocan 2020 Việt Nam ghi nhận gần 16 ngàn ca mắc mới và hơn 8.200 ca tử vong vì căn bệnh này.

Nếu như trước đây, người mắc ung thư đại trực tràng thường gặp ở độ tuổi trên 50 thì giờ đây, căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa. Tại Bệnh viện K, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5 trường hợp mắc ung thư đại trực tràng, đặc biệt có những bệnh nhân phẫu thuật ung thư đại trực tràng khi chỉ mới 12,13 tuổi, nhỏ nhất là 10 tuổi như bệnh nhi trên.

Theo các bác sĩ, các khối u đại trực tràng ở bệnh nhân trẻ có tốc độ phát triển nhanh hơn những người lớn tuổi và thường được phát hiện ở giai đoạn muộn hơn. Căn bệnh này có thể phòng ngừa và phát hiện sớm. Nếu phát hiện giai đoạn sớm, người bệnh có tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới 90%, còn phát hiện muộn tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ còn 10%.

ung-thu-truc-trang-2.jpg
Các bác sĩ Bệnh viện K đang phẫu thuật cho bệnh nhân mắc ung thư trực tràng. Ảnh: BVCC.

Người trẻ hãy ăn nhiều rau xanh, chăm chỉ vận động hơn

Theo bác sĩ Bình, sở dĩ, ung thư đại trực tràng ở nước ta cũng như nhiều nước đang phát triển tăng nhanh đầu tiên có liên quan trực tiếp đến lối sống, chế độ ăn.

Trong đó, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng. Theo thống kê, có đến 57% người trưởng thành tại nước ta ăn nhiều thịt, thức ăn nhanh nhưng thiếu rau, trái cây so với khuyến nghị của WHO.

Kế đến, thói quen hút thuốc, uống nhiều bia rượu cũng là yếu tố khiến nhiều người mắc ung thư trực tràng.

Việc nhiều người có thói quen nạp nhiều năng lượng nhưng lười vận động cũng là một trong những yếu tố nguy cơ của ung thư trực tràng.

Cuối cùng có liên quan đến yếu tố tuổi tác và di truyền. Tuy nhiên, số ca liên quan đến di truyền chỉ chiếm 3-5%.

ung-thu-truc-trang.jpg
Thói quen ăn nhiều thịt, ít rau xanh và lười vận động là nguy cơ gây ung thư trực tràng. Ảnh minh họa.

Ở bệnh nhi trên, bác sĩ Bình đánh giá, bé mới hơn 10 tuổi đã bị ung thư đại trực tràng là rất hiếm. Vì vậy, các bác sĩ tiến hành sàng lọc các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Tuy nhiên, trong gia đình bé không có ai bị bệnh.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh như hút thuốc, uống rượu là không có, vì bé mới hơn 10 tuổi. Đây là trường hợp hiếm, vì vậy bác sĩ Bình khuyến cáo, người dân cần đi tầm soát bệnh càng sớm càng tốt khi thấy có các triệu chứng sau:

Ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh chủ quan, lầm tưởng với nhiều bệnh lý đường tiêu hoá khác. Tuy nhiên khi có những triệu chứng sau, cần đặc biệt lưu ý đến ung thư đại trực tràng:

- Rối loạn tiêu hoá: Ban đầu có thể là ợ chua, sau là đau tức vùng bụng, co thắt dạ dày trước hoặc sau khi ăn.

- Táo bón: Nếu đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần nên chú ý theo dõi.

- Đi ngoài phân nhỏ, phân dẹt: Có nguy cơ ruột gặp phải những vật cản như các khối u, polyp to khiến hình dạng và kích thước phân thay đổi.

- Đi ngoài ra máu: Đây là triệu chứng khá phổ biến ở các bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Nguyên do khối u trong lòng ruột gây chảy máu.

- Giảm cân bất thường, mệt mỏi: Hầu hết các trường hợp mắc ung thư đều có dấu hiệu giảm cân nhanh và nhiều trong thời gian ngắn dù không ăn kiêng hay tập luyện gì gắng sức.

Theo các bác sĩ, ung thư đại trực tràng không điều trị khối u phát triển, xâm lấn các cơ quan lân cận và gây tắc ruột, gây chảy máu ồ ạt và vỡ khối u gây viêm phúc mạc toàn thể. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ bị suy mòn, suy kiệt, di căn và tử vong.

Điều trị ung thư đại trực tràng hiện nay được sử dụng nhiều phương pháp khác nhau phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch. Đặc biệt, xạ trị, hoá trị tiền phẫu cũng giúp bệnh nhân giảm nguy cơ tái phát. Ngoài ra, phương pháp cắt đại trực tràng nội soi từ hậu môn lên cũng rất hiệu quả giảm nguy cơ phải mang hậu môn nhân tạo cho người bệnh.

Để phòng bệnh, bác sĩ Bình cho biết nên tạo thói quen ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, trái cây. Bạn nên tập thể dục thường xuyên để tăng cường trao đổi chất cũng hạn chế táo bón. Ngoài ra, duy trì thói quen kiểm tra sức khoẻ, nên nội soi đại trực tràng sau tuổi 40 để tầm soát ung thư đại trực tràng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhiều người trẻ Việt mắc ung thư đại trực tràng vì thói quen xấu trong ăn uống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO