Nhiều người trắng tay vì cả tin "cò đất"

Mã Hải| 13/02/2022 12:27

Những năm gân đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai trở thành một vấn đề nhức nhối trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Kẻ lừa không chỉ là các giám đốc công ty bất động sản lập nên doanh nghiệp để làm bình phong mà ngay cả các “cò” đất, dù không có bất kỳ tư cách pháp nhân nào chỉ nhờ cam kết miệng cũng lừa được rất nhiều người. Những kẻ lừa lần lượt bị phát giác, bị pháp luật trừng trị nhưng thường chúng đã tẩu tán hoặc tiêu xài hết tài sản chiếm đoạt nên khó có thể thu hồi để hoàn trả cho nạn nhân…

Bị can Trần Thị Thuý Liễu (SN 1985; ngụ phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) là một “cò” đất hoạt động ở khu vực huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Mặc dù trong tay chẳng có giấy tờ gì để chứng minh tính hợp pháp của các dự án nhà đất nhưng bà Liễu với tài ăn nói “ngọt như mía lùi” đã lừa được 20 người đặt cọc mua đến những 1.347 nền đất tại các dự án trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Sau khi nhận tiền cọc hơn 60 tỷ đồng, bà Liễu tắt máy điện thoại, “ôm” tiền bỏ trốn khỏi địa phương…

Nhiều người trắng tay vì cả tin
Cơ quan điều tra thi hành lệnh bắt giam Giám đốc Đặng Văn Chuyền (bìa phải).

Ngụy Khắc Vinh là Giám đốc Công ty TNHH địa ốc VHO (khu phố Bình Đức, phường Bình Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), với thủ đoạn đưa ra các thông tin gian dối về quyền sở hữu hợp pháp đối với bất động sản tại các dự án Khu dân cư đô thị Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng); Khu dân cư Chánh Phú Hòa (thị xã Bến Cát), Khu dân cư Vĩnh Phú 1 giai đoạn 2 (TP Thuận An), Vinh đã lừa nhiều người đặt cọc mua đất, ký hợp đồng chuyển nhượng để chiếm đoạt số tiền lớn.

Tương tự là Đặng Văn Chuyền, Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng thương mại dịch vụ Phước Điền (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), dù chẳng được chủ đầu tư ủy quyền nhưng Chuyền ung dung ký hợp đồng, thu tiền để chuyển nhượng đất nền tại các dự án: Khu dân cư An Hòa Residence; Khu dân cư Hòa Lợi 1, 2,3 (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) và dự án Khu dân cư Biên Hòa Gold City (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Bên cạnh đó, Chuyền còn lập các “dự án ma” và phân lô bán nền trên những khu đất không đủ điều kiện tách thửa. Sau khi vẽ sơ đồ phân lô thành nhiều nền đất, Chuyền đã quảng cáo gian dối, để ký kết các hợp đồng đặt cọc, hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của khách hàng.

Qua các vụ lừa đảo cho thấy, thủ đoạn chính mà các đối tượng sử dụng tuy “xưa như trái đất” nhưng vẫn còn hiệu quả đó là đánh vào lòng tham của nạn nhân. Bởi hầu hết các nền đất này đều bán với giá rất “mềm,” có khi chỉ bằng phân nửa so với giá thị trường. Khi có người hoài nghi hoặc thắc mắc thì các đối tượng trấn an “dự án còn đang trong thời kỳ bí mật, chủ đầu tư huy động vốn “ngầm” trước để xây dựng cơ sở hạ tầng mới có giá như vậy, chứ khi dự án đã hoàn thành thì giá sẽ cao ngất. Đây là một hình thức tri ân khách hàng có công góp vốn cùng công ty thực hiện dự án”.

Nghe mùi tai, những nhà đầu tư “lướt ván” hoặc mua để cất nhà ở không ngần ngại “xuống tiền” thậm chí còn tranh nhau mua với hy vọng sẽ kiếm được khoản lời kếch xù chỉ trong một thời gian ngắn. Nhiều nạn nhân còn cho rằng thấy công ty có trụ sở hoành tráng, có giấy phép hẳn hoi, có vốn điều lệ hàng trăm tỷ đồng thì có gì phải sợ. Thực tế thì theo quy định hiện hành, việc thành lập công ty nói chung và công ty bất động sản nói riêng dễ như trở bàn tay, còn vốn điều lệ muốn ghi bao nhiêu thì tùy thích mà chẳng cần phải chứng minh tài sản. Sự thuận lợi, dễ dàng trong quy định thành lập doanh nghiệp đã tạo điều kiện tốt cho người dân trong kinh doanh nhưng cũng tạo nên kẽ hở cho kẻ lừa lọc là vậy.

Xuất phát từ thực tế trên, trong năm 2021, Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 2 tổ chức Hội thảo khoa học phòng, chống tội tạm lừa đảo trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Hội thảo đánh giá, trong giai đoạn từ năm 2013-2021, Cơ quan CSĐT Công an các cấp ở Bình Dương đã thụ lý điều tra hơn 50 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai. Thủ đoạn chính của các đối tượng là làm giả giấy tờ nhà đất để chuyển nhượng hoặc thế chấp; phân lô trên giấy, quảng cáo gian dối để chuyển nhượng bất hợp pháp các dự án khi chưa đủ điều kiện pháp lý; chuyển nhượng 1 bất động sản cho nhiều người…

Thượng tá Vũ Duy Công (Trường Cao đẳng CSND 2), chủ nhiệm đề tài khoa học về phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên lĩnh vực đất đai cho biết: “Nhiều người gom góp hết tiền của đầu tư mua một nền đất để cất nhà an cư lạc nghiệp bỗng chốc trắng tay nên sinh ra rất nhiều hệ lụy. Do vậy mà công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân là quan trọng hàng đầu. Phải làm sao để người dân biết được thông tin liên quan đến các dự án hợp pháp, các thủ đoạn của đối tượng thường sử dụng lừa đảo để từ đó nâng cao cảnh giác. Mỗi người dân khi có nhu cầu chuyển nhượng nhà, đất cần phải chủ động nắm bắt thông tin về quy hoạch, tính hợp pháp của dự án trước khi có quyết định đặt cọc”.

Theo Đại tá, tiến sĩ Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, đề tài khoa học về phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai nói trên là rất phù hợp với thực tiễn nên trong thời gian tới, Công an tỉnh Bình Dương sẽ áp dụng thực hiện với hy vọng sẽ kéo giảm được số vụ phạm pháp liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhiều người trắng tay vì cả tin "cò đất"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO