Nhiều người tái mắc COVID-19: Không loại trừ trước nhiễm Detla, sau Omicron

Phạm Đông| 02/03/2022 09:55

Theo ghi nhận có không ít trường hợp người mắc bệnh rồi vẫn bị tái mắc COVID-19. Một số chuyên gia y tế cho rằng, tái nhiễm trên cùng 1 biến chủng là cực hiếm, tái nhiễm với 2 biến chủng khác nhau khá phổ biến. Không loại trừ khả năng có người trước đó đã mắc chủng Delta, nay lại mắc thêm biến chủng Omicron.

Chị Phan Thị Minh Nhân (26 tuổi, Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) lần đầu mắc COVID-19 là trước Tết Nguyên đán, sau đó phải điều trị và cách ly tại nhà 12 ngày thì khỏi. Dù khỏi bệnh trước Tết nhưng để giữ cho mình và mọi người xung quanh, chị Nhân không đi chơi, chúc Tết ở đâu.

Một tháng sau khi khỏi COVID-19, chị Nhân lại ho nhẹ kèm đau rát họng, xét nghiệm kết quả dương tính SARS-CoV-2. "Tôi thực sự hoang mang, không hiểu sao có thể mắc COVID-19 đến hai lần trong vòng một tháng" - chị nói.

Chị Nhân tái dương tính sau khi đã khỏi COVID-19.
Chị Nhân tái dương tính sau khi đã khỏi COVID-19.

Theo chị Nhân, sau Tết, cơ quan có khá nhiều ca dương tính. Do mới mắc COVID-19 nên chị cũng yên tâm, thậm chí có lúc tự tin đi ra ngoài ăn uống vì nghĩ bản thân tiêm 3 mũi vaccine, lại mới mắc COVID-19 nên kháng thể sẽ rất mạnh. Thậm chí, có người còn nói với chị sẽ "bất tử" sau khi khỏi COVID-19 nên chị có phần chủ quan hơn.

Khi test nhanh rồi xét nghiệm PCR kết quả đều dương tính, chị cũng bất ngờ, không nghĩ tái mắc. Những tưởng mắc lần 2 sẽ nhẹ hơn nhưng cơ thể mệt mỏi hơn, sốt cao có lần trên 39 độ C, đau đầu và ngạt mũi.

Những loại thuốc chị Nhân mua về điều trị COVID-19 tại nhà.
Những loại thuốc chị Minh Nhân mua về điều trị COVID-19 tại nhà.

Tương tự, anh Nguyễn Thành Trung (32 tuổi, Vĩnh Phúc) cho biết, lần 1 anh phát hiện mắc COVID-19 qua test nhanh ngày 29.11.2021.

Sau đó, anh Trung tự cách ly điều trị ở nhà tới ngày 4.12.2021 đã âm tính. Tiếp tục tự cách ly điều trị ở nhà tới ngày 13.12.2021 hết cách ly theo quy định của địa phương. Tới ngày 24.2, anh phát hiện mình tái dương tính, triệu chứng như lần 1. Sốt trên 37 độ C, ho khan theo cơn, rát họng và sổ mũi.

"Ở lần nhiễm đầu, triệu chứng sốt 37 độ C, rát họng và ho theo cơn. Sau khi âm tính trở lại, di chứng kéo dài cả tháng là ho khan, hụt hơi và người nhanh mệt. Quá trình điều trị, tôi có dùng Molnupiravir, thuốc hạ sốt Paracetamol, vitamin C, thuốc ho long đờm" - anh Trung chia sẻ.

Theo anh Trung, ở lần tái nhiễm này, anh uống Xuyên tâm liên, kết hợp ăn uống, giữ tinh thần thoải mái. Chỉ sau đó 4 ngày, anh đã test lại và cho kết quả âm tính.

Anh Trung âm tính trở lại sau 4 ngày tái mắc.
Anh Thành Trung âm tính trở lại sau 4 ngày tái mắc.

Chị Nhân, anh Trung là hai trong số nhiều ca tái mắc COVID-19 thời gian qua.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết, trong số những bệnh nhân ông từng điều trị, có trường hợp tái mắc COVID-19 sớm nhất 3 tuần.

Theo bác sĩ Phúc, các bệnh nhân tái mắc đều có triệu chứng nhẹ, được điều trị tại nhà. Hiện, vẫn chưa có bằng chứng khoa học hay thống kê cụ thể về việc người tái mắc có triệu chứng nặng hay nhẹ hơn so với lần đầu.

Bộ Y tế hiện chưa có con số thống kê về tỉ lệ tái mắc nhưng các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tái nhiễm trên cùng 1 biến chủng là cực hiếm, tái nhiễm với 2 biến chủng khác nhau khá phổ biến.

Còn BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Ôxy Cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng - cho hay, một ngày ông tư vấn cho khoảng 100 F0 điều trị tại nhà. 5-10% trong số đó đã khỏi bệnh, nhưng lại có kết quả xét nghiệm dương tính sau 3-4 tuần. Có thể các bệnh nhân này tái nhiễm biến chủng mới.

Tuy cũng có giả thiết kết quả xét nghiệm âm tính đầu tiên chưa chính xác, do bệnh nhân lấy mẫu không chuẩn, hoặc có thể lúc lấy mẫu virus SARS-CoV-2 không còn trong dịch tỵ hầu nữa nhưng vẫn ở sâu trong phổi. Sau khi biết âm tính, bệnh nhân không chú trọng bảo vệ sức khỏe, cơ thể yếu đi khiến virus vẫn còn trong phổi hoạt động trở lại, làm xuất hiện các triệu chứng và xét nghiệm cho thấy tái dương tính.

Chính điều này khiến bệnh nhân nhầm tưởng họ tái nhiễm, trong khi thực tế chỉ là tải lượng virus còn dư kể từ lần nhiễm trùng ban đầu. Muốn chắc chắn xác định là tái nhiễm, cần giải trình tự gene virus.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, qua giải trình tự gene người mắc COVID-19, ngành Y tế đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. Chủng này lây lan rất nhanh so với biến chủng Delta. Không loại trừ khả năng có những người trước đó đã mắc chủng Delta rồi, nay lại mắc thêm biến chủng Omicron.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhiều người tái mắc COVID-19: Không loại trừ trước nhiễm Detla, sau Omicron
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO