Nhiều người kiêng trứng khi bị sốt xuất huyết, điều này có đúng không?

08/11/2022 23:59

Người bị sốt xuất huyết cần được cung cấp đạm (protein) cao hơn bình thường để bổ sung các chất dinh dưỡng bị mất đi trong lúc mắc bệnh và thúc đẩy quá trình hồi phục cơ thể. Trứng là thực phẩm quen thuộc rất giàu protein, vậy người bệnh sốt xuất huyết có nên ăn trứng không và ăn thế nào là hợp lý?

1. Ăn trứng có lợi gì cho sức khỏe?

Trứng là nguồn cung cấp protein chất lượng cao và dễ tiêu hóa cùng các vitamin và khoáng chất thiết yếu. Cơ thể cần được cung cấp đầy đủ protein để hỗ trợ phản ứng miễn dịch và trứng rất tốt do rất giàu protein và các chất dinh dưỡng thiết yếu để tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại virus và vi khuẩn.

Theo TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, trứng chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như: protein, chất béo, vitamin A, vitamin B2, vitamin B5, vitamin B12, folate, phosphor, selenium...

Thành phần dinh dưỡng trung bình trong 1 quả trứng lớn khoảng:

Lượng calo: 72
Tổng chất béo: 4,8g
Tổng Carbohydrate: 0.4g
Chất đạm: 6,3g
Natri: 71mg
Kali: 69mg
Cholesterol: 186mg
Vitamin A:160mcg, 5,4% giá trị hàng ngày (DV)
Canxi: 24.1mg, 2,2% DV
Sắt: 4,9% DV

sot-xuat-huyet-1.jpg

Trứng rất giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Lòng trắng trứng chủ yếu bao gồm protein. Lòng trắng cũng giàu khoáng chất dinh dưỡng như niacin, kali, riboflavin và magie, tốt cho sức khỏe tổng thể.

Hầu hết các chất dinh dưỡng đều tập trung trong lòng đỏ trứng. Lòng đỏ trứng ít protein hơn nhưng lại có phần lớn các vitamin A, B6, B12 và D, canxi, folate và omega-3, cung cấp cholesterol, axit béo thiết yếu. Vì vậy, lòng đỏ được cho là đậm đặc dinh dưỡng hơn, cung cấp khoảng 55 calo.

Trứng chứa nhiều choline, một chất dinh dưỡng thiết yếu quan trọng cho chức năng não khỏe mạnh và đóng một vai trò trong sức khỏe của tim. Những chất chống oxy hóa quan trọng này bảo vệ mắt, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt do tuổi tác.

Trứng cũng giàu protein và chứa sắt, folate và vitamin A, tất cả đều quan trọng đối với sự tăng trưởng, sửa chữa và phát triển của tế bào.

2. Người bệnh sốt xuất huyết có nên ăn trứng không?


Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn uống rất quan trọng đối với người bệnh sốt xuất huyết, giúp nâng cao thể trạng, sức đề kháng, giảm nguy cơ bị bệnh nặng và giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn.

Khi bị mắc sốt xuất huyết, cơ thể rất mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút nên nên việc bổ sung dinh dưỡng và tăng cường thực phẩm giàu chất đạm (protein) có thể giúp người bệnh sốt xuất huyết bổ sung các chất dinh dưỡng bị mất đi trong lúc mắc bệnh, thúc đẩy quá trình hồi phục cơ thể.

Theo TS. BS Nguyễn Thanh Danh, Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TP. HCM, người bị sốt xuất huyết cần được cung cấp đạm cao hơn bình thường. Trong giai đoạn phục hồi cần tăng năng lượng và đạm. Khi xuất viện, người bệnh cần được tiếp tục theo dõi, ăn uống đầy đủ các thực phẩm giàu chất đạm như: thịt, cá, trứng, sữa...

Protein là thành phần chính cấu tạo nên các tế bào và mô mới cho cơ thể. Để duy trì một cơ thể khỏe mạnh, tái tạo và phục hồi các tế bào và mô là vô cùng quan trọng. Protein cũng cho phép cơ thể sản xuất các kháng thể mà nó cần để chống lại sự xâm nhập của virus và vi khuẩn.

Thực phẩm giàu protein lành mạnh bao gồm: thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt...

Trong số các chất dinh dưỡng có trong trứng, protein là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng nhất có thể giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn.

sot-xuat-huyet-2.jpg

Trứng rất giàu protein tốt cho người bệnh sốt xuất huyết.

3. Ăn trứng thế nào là an toàn?

Trứng rất dễ ăn và có nhiều cách chế biến. Người bệnh có thể ăn trứng luộc, súp trứng, cháo trứng… Tuy nhiên, không ăn trứng sống hoặc hòa tan trứng sống với canh hoặc cháo nóng để phòng ngừa ngộ độc do nhiễm khuẩn. Ăn trứng sống hoặc chưa nấu chín có thể bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Loại vi khuẩn này được tìm thấy nhiều trên vỏ trứng và cả bên trong trứng.

Nên lựa chọn trứng có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo an toàn và bảo quản trứng trong tủ lạnh. Loại bỏ quả trứng bị nứt hoặc trứng bẩn. Nấu chín kỹ trứng và thức ăn có trứng.

Theo TS. BS Trương Hồng Sơn, người lớn khỏe mạnh có thể ăn tối đa 1 quả trứng mỗi ngày. Những người ăn chay do không ăn thực phẩm chứa cholesterol làm từ thịt có thể ăn nhiều trứng hơn miễn là chế độ ăn vừa phải. Trứng rất tốt đối với trẻ em, trẻ em có thể ăn 1 - 2 quả trứng mỗi ngày.

Đối với người lớn tuổi mắc bệnh tim mạch, không ăn quá 2 quả trứng mỗi ngày. Với người bị tăng huyết áp hoặc cholesterol máu cao vẫn có thể ăn trứng tuy nhiên không ăn quá 1 quả 1 lần và 1 tuần không nên ăn quá 2 lần. Người bị gout không nên ăn quá 3 quả trứng/tuần, tuyệt đối không tiêu thụ các loại trứng lộn.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhiều người kiêng trứng khi bị sốt xuất huyết, điều này có đúng không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO