Bên cạnh hành vi lấn làn, vượt ẩu của nhiều phương tiện được phép tham gia lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, tình trạng người dân tự ý phá rào, đi xe máy vào tuyến đường cũng khá phổ biến; đặc biệt là tại đoạn qua địa bàn xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) - nơi vừa xảy ra vụ tai nạn thảm khốc ngày 18/2.
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, phóng viên men theo một con đường lâm sinh đất đỏ ở thôn Hưng Thái, xã Phong Mỹ để đến vị trí hàng rào thép gai cao tốc Cam Lộ - La Sơn bị cắt, tháo dỡ tại Km43+800.
Phía sau hàng rào bị cắt, một lối mòn đã được người dân địa phương mở ra ở làn bên trái theo hướng bắc - nam để băng qua đường cao tốc, đi vào khu rừng sản xuất Bắc Khe Mạ.
Trước đó, tình trạng này đã xảy ra nhiều lần tại vị trí Km38+900 (trái tuyến) và Km39+800 (phải tuyến), được báo chí phản ánh.
Một người dân Phong Mỹ cho rằng, việc họ phải xé rào, đi xe máy trên cao tốc đến nơi sản xuất là bất đắc dĩ, vì sinh kế.
Được biết, cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn đi qua địa bàn xã Phong Mỹ dài hơn 11km, có 4 vị trí hầm chui dân sinh. Tuy nhiên, dọc 2 bên việc hoàn trả đường gom chưa được thực hiện đầy đủ, đặc biệt là đoạn quanh khu Bắc Khe Mạ, nơi tập trung phần lớn diện tích cao su và rừng keo của người dân.
Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, cho biết toàn xã có gần 1.500ha cây cao su. Từ nhiều năm qua, đời sống của người dân địa phương phụ thuộc rất lớn vào việc khai thác mủ. Trong khi đó, có hơn 8,5km cao tốc chạy qua vùng trồng keo tràm, cây cao su của người dân.
Theo ông Chung, sau khi cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi vào khai thác, đã gây khó cho người dân trong việc đi lại. Để đến được vườn cao su, người dân thường bất chấp nguy hiểm, cắt hàng rào thép gai, đi xe máy vào cao tốc.
Việc làm này thường diễn ra vào đêm khuya, lúc rạng sáng. Chính quyền địa phương thường xuyên vận động, nhắc nhở người dân không tự ý phá hàng rào, đi xe máy vào cao tốc nhưng thực trạng chưa chấm dứt.
Theo ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn 3 xã Phong Mỹ, Phong Xuân và Phong Sơn thuộc địa phận của huyện, với chiều dài gần 20km.
Tuyến đường chủ yếu được xây dựng đi qua các vùng rừng sản xuất, đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình lao động, sản xuất của người dân dọc 2 bên.
Ông Thái kiến nghị thời gian tới, cần có giải pháp hợp lý, hoàn trả, mở thêm đường gom 2 bên để bảo đảm an toàn cho tuyến đường, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thiếu tá Dương Xuân Đạt, Phó đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4 (Cục Cảnh sát giao thông), cho biết trong quá trình tuần tra kiểm soát tuyến đường, các lực lượng thường xuyên phát hiện tình trạng người dân vượt rào, vào cao tốc để đi khai thác keo tràm, mủ cao su, gây mất an toàn giao thông.
Việc xử lý hiện nay gặp khó khăn vì tuyến đường dài, lực lượng mỏng, người dân thường canh những giờ lực lượng chức năng không có mặt để đi vào. Những hành vi này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người.
Điển hình là vụ tai nạn xảy ra ngày 17/5, tại Km14 cao tốc La Sơn - Túy Loan, đoạn qua địa phận thôn Xuân Phú, xã Hương Phú (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) làm 1 người chết do đi bộ qua đường, bị ô tô đang lưu thông tông trúng.