Nhiều người chủ quan chịu cơn đau, bệnh nặng mới đi khám, gây hậu quả lâu dài

NGUYỄN LY| 10/03/2024 16:03

TPHCM - Cơ thể phát ra những tín hiệu tiêu cực, cảm giác đau, khó chịu xâm lấn nhưng không ít người vẫn chấp nhận chịu đựng cơn đau mà không đi khám sớm. Đến khi vượt ngưỡng chịu đựng, việc điều trị bệnh sẽ tốn nhiều thời gian hơn.

Nhiều người chủ quan chịu cơn đau, bệnh nặng mới đi khám, gây hậu quả lâu dài
Bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: P.LAN

Bà N.T.Q (54 tuổi, TPHCM) đau nửa mặt phải kéo dài hai năm, bà luôn cố gắng chịu đựng vì nghĩ bệnh đơn giản. Tới ngày 5.3, các cơn đau dồn dập hơn khiến bà ăn không ngon, ngủ không yên nên bà đến bệnh viện khám.

Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện động mạch não xung đột, chèn ép dây thần kinh số 5, còn gọi là dây thần kinh tam thoa, dây thần kinh sinh ba. Đây là những dây thần kinh có chức năng quan trọng ở vùng mặt, quanh miệng và răng, góp phần tạo nước mắt, nước bọt, điều khiển cơ nhai.

Động mạch tiểu não trên chèn ép vào dây thần kinh tam thoa gây ra hiện tượng xung khắc mạch máu thần kinh làm cho dây thần kinh bị kích thích, dẫn đến những cơn đau mặt. Cơn đau trở nên nghiêm trọng khi vị trí chèn ép có lớp bao Myelin quanh dây thần kinh mỏng và yếu.

“Tôi luôn cảm giác đau nhức từng cơn, tần suất cơn đau xuất hiện ngày càng dày đặc rất khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều”, bà Q cho biết.

ThS.BS.CKII Mai Hoàng Vũ - Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, tình trạng của bà Q đã không phù hợp với điều trị nội khoa, tức dùng thuốc không còn hiệu quả. Bệnh nhân cần được phẫu thuật giải ép vi mạch, tách động mạch tiểu não trên ra khỏi dây thần kinh tam thoa.

Ca mổ được tiến hành trong 90 phút, bác sĩ mở đường mổ phía sau tai phải người bệnh, từng bước tiếp cận vào vùng góc cầu tiểu não. Đây là nơi có nhiều dây thần kinh và cấu trúc não quan trọng, đòi hỏi phẫu thuật viên phải dày dạn kinh nghiệm và cẩn trọng nhằm bảo tồn tối đa chức năng thần kinh cho người bệnh.

Khi tìm đúng vị trí động mạch tiểu não trên chèn ép vào dây thần kinh tam thoa, bác sĩ sử dụng thiết bị chuyên dụng đặt cố định vào vị trí dính nhau, giúp tách mạch máu ra khỏi dây thần kinh. Sau đó, bác sĩ đưa dụng cụ nội soi vào kiểm tra lại, đảm bảo không còn tình trạng động mạch tiểu não trên chèn ép lên dây thần kinh tam thoa.

Qua ba ngày phẫu thuật, bà Q hồi phục tốt, lâm sàng ổn định, hết đau nửa mặt, ăn uống, nói chuyện bình thường. Vết mổ sạch, khô, không xuất huyết, xuất viện trong hai ngày tiếp theo và tái khám sau một tuần.

Bác sĩ Vũ cho biết, có nhiều phương pháp điều trị bệnh đau dây thần kinh tam thoa, với triệu chứng lâm sàng điển hình là đau nửa mặt. Trong đó, phẫu thuật giải ép là phương pháp điều trị tối ưu nhất vì có thể tách hoàn toàn mạch máu ra khỏi dây thần kinh, giúp người bệnh tránh được nguy cơ tái phát về sau.

“Chúng ta không nên chủ quan với các bệnh lý về thần kinh. Bởi khi bệnh tái phát lâu ngày có thể ảnh hưởng thời gian điều trị. Và không ít trường hợp trì hoãn nhập viện gây hậu quả lâu dài cho sức khoẻ của mình”, bác sĩ Vũ nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhiều người chủ quan chịu cơn đau, bệnh nặng mới đi khám, gây hậu quả lâu dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO