Nằm thở nặng nhọc trên giường bệnh tại Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19– Bệnh viện Quân Y 175 (Bộ Quốc phòng), bà P.T.T.H (53 tuổi, ngụ tại TPHCM) bị hậu COVID-19 sau hơn 1 tháng điều trị. Với thể trạng sức khỏe suy kiệt, cộng với những ám ảnh tâm lý kéo dài khiến bà H. luôn lo lắng, hồi hộp.
“Tôi luôn có cảm giác lo lắng, sợ hãi. Đặc biệt, mỗi lần nhớ lại giai đoạn điều trị COVID-19, cảm giác mình không còn chút sự sống nào lại ùa về, ám ảnh và cực kỳ hồi hộp. Chỉ mong mau chóng khỏe lại để được sống bình thường như xưa”, bà H. chia sẻ.
Không may mắn như bà H., bà T.T.C.V (ngụ quận 4, TPHCM) khóc nấc mỗi khi nhớ về người chồng đã mất của mình. Theo bà V., ngày chồng bà âm tính trở lại được ít ngày sau thì ra đi bởi sức khỏe suy kiệt và lo lắng quá mức.
“Ngày đó, chồng tôi bị đúng lúc đỉnh dịch tháng 8, cả một xóm bạn bè của chồng tôi đều nhiễm. Nằm trong nhà tự cách ly, điều trị mà ông không chịu ăn uống, buồn rầu hoài cộng với tâm lý lo lắng nữa. Khi hết bệnh, thấy nhiều người quen mất quá nên ông cũng ám ảnh, một thời gian thì ra đi nên tôi và gia đình rất sốc. Bản thân tôi, sau khi hết COVID-19 nhưng mỗi lần nhớ lại những ngày tháng đó cũng còn run sợ, ám ảnh không nguôi”, bà V. chia sẻ.
Theo ghi nhận tại Khoa hô hấp, Bệnh viện Quân Y 175, nơi tiếp nhận những bệnh nhân mắc các triệu chứng hậu COVID-19 nặng nề như: viêm phổi, suy nhược cơ thể, viêm cơ tim… đặc biệt là những bệnh nhân bị rối loạn về tâm thần kinh.
ThS.BS CKI Nguyễn Hải Công – Chủ nhiệm Khoa hô hấp, Bệnh viện Quân Y 175 cho biết: “Khoảng 50 -60% những bệnh nhân ở khoa đều có những triệu chứng hậu COVID-19 nặng nề, chúng tôi đã phải can thiệp tư vấn của nhiều chuyên khoa khác nhau để điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, có nhiều bệnh nhân đến đây xuất hiện tình trạng rối loạn tâm lý về lo âu, mất giấc ngủ vì đã chứng kiến những người thân của mình tử vong, thậm chí có những người rơi vào trạng thái trầm cảm, mất niềm vui trong cuộc sống bình thường”.
Chính vì vậy, những bác sĩ điều trị hậu COVID-19 hiện nay không chỉ điều trị cho uống thuốc mà phải kết hợp các liệu pháp tâm lý, tạo không gian thoải mái nhất cho bệnh nhân phục hồi.
Còn theo ThS.BS Trần Quang Trọng - Chuyên viên tâm lý, Bệnh viện Lê Văn Thịnh chia sẻ cuộc sống của mỗi cá nhân gồm 3 yếu tố: thể chất, tinh thần, xã hội. Nếu một mặt bị ảnh hưởng thì chất lượng cuộc sống đều bị tác động. Trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài, người không mắc bệnh cũng bị căng thẳng vì lo lắng về kinh tế, công việc... Còn bệnh nhân hậu COVID-19 thường bị rối loạn lo âu.
“Khi mắc bệnh, người ta gồng mình chống chọi, thúc đẩy mình lạc quan để vượt qua COVID-19. Nhưng sau đó, mọi thứ lắng xuống, họ nhớ đến quãng thời gian đau buồn, ám ảnh. Từ đó, dẫn đến mất ngủ, ác mộng. Những vấn đề tâm lý gây ra triệu chứng cơ thể như đau đầu, đau vai gáy, khó thở. Tích lũy mỗi ngày và bùng phát” -ThS.BS Trần Quang Trọngcho biết.
Do đó, Ths Trọng khuyến cáo người bệnh COVID-19 tránh dồn nén tâm lý lo âu có thể dẫn đến những hậu quả về sức khỏe tinh thần và thể chất. Người bệnh cần mở lòng và gặp các chuyên gia tâm lý trị liệu phù hợp. “Khi nào bệnh nhân gọi tên được vấn đề, chúng ta sẽ giúp họ giải quyết được. Mỗi người có một câu chuyện riêng biệt và can thiệp không giống nhau", Ths Trọng đánh giá.
TPHCM chăm sóc bệnh nhân hậu COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng.
Tầng thấp nhất là tuyến y tế cơ sở, có chức năng quản lý chăm sóc người bệnh hậu COVID-19 mức độ nhẹ, can thiệp các phương pháp không dùng thuốc. Ở tầng này, bệnh nhân đông nhất.
Tầng 2 - Bệnh viện tuyến quận huyện: thực hiện khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng; quản lý và chăm sóc điều trị bằng thuốc với bệnh nhân hậu COVID-19 mức độ trung bình.
Tầng 3 - Bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối: chăm sóc với nhóm người bệnh hậu COVID-19 mức độ nặng. Các bệnh viện này sẽ khám và điều trị chuyên khoa sâu như hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, phục hồi chức năng…