Diễn xướng hầu đồng là hoạt động mở đầu chuỗi các hoạt động Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn và Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông năm 2023, diễn ra từ ngày 17 đến 26/10/2023.
Đây là một nghi lễ hết sức đặc biệt mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh trong Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nói chung, tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn tại đền Đông Cuông nói riêng. Nghi lễ này đã được UNESCO vinh danh và được thế giới công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Festival thu hút hơn 100 nghệ nhân, đồng đền, đồng điện, thanh đồng đến từ các bản hội trong cả nước như: Yên Bái, Hải Phòng, Lào Cai, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn Tây, Nam Định, Hà Nam… cùng tham gia diễn xướng hầu đồng, dâng hương kính Mẫu, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe, cầu bình an và cầu cho Quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh.
Trong không gian trang nghiêm, các thanh đồng nhập vai từng nhân vật trong các giá đồng như: các vị Thánh Mẫu, Chúa Bà, Quan Lớn, Chầu Bà, Quan Hoàng, Tiên Cô, Thánh Cậu. Âm nhạc với các ca từ của hát chầu văn có giai điệu rộn ràng ca ngợi vẻ đẹp thanh cao, sự uy nghi, công đức cũng như những lời khuyên răn đạo lý, thiện tâm của Mẫu, ca ngợi cảnh đẹp của núi rừng, của quê hương, đất nước.
Nghi lễ diễn xướng hầu đồng tại Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn và Lễ hội Cơm mới Đền Đông Cuông năm 2023 là dịp để những bản hội, thanh đồng, cung văn và nghệ nhân hát chầu văn trong cả nước tề tựu về Đền Đông Cuông dâng hương kính Mẫu, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được UNESCO vinh danh.
Tại lễ khai mạc Festival, nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển đạo Mẫu Việt Nam đã hầu khai mạc, mở màn cho chuỗi các hoạt động của Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn và Lễ hội Cơm mới Đền Đông Cuông năm 2023.
Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh cho biết: "Lễ hội đền Đông Cuông luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng các tộc người ở địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ tới các cộng đồng lân cận. Hơn nữa, Lễ hội đền Đông Cuông còn bảo lưu những nét đặc trưng về lịch sử - văn hóa của tín ngưỡng Mẫu Thượng Ngàn, được thể hiện qua các nghi lễ, trò, diễn xướng dân gian.
Trong xu thế phát triển chung của xã hội hiện nay, Lễ hội đền Đông Cuông còn góp phần đáng kể vào sự phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch về nguồn, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng địa phương.
Đồng thời Lễ hội còn gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận" tại đền Đông Cuông bằng các hình thức ý nghĩa như Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn gắn với Lễ hội cơm mới đền Đông Cuông… nhằm quảng bá, giới thiệu di sản tới đông đảo du khách thập phương".
Cùng với Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn, công chúng còn háo hức với Lễ hội cơm mới Đền Đông Cuông. Lễ hội sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa của người Tày Khao với các nghi lễ truyền thống như cúng cơm mới, Lễ cúng chính tiệc, triển lãm, trưng bày tranh ảnh, Hội thi khéo tay làm cốm: "Mâm cốm dâng Mẫu"; tổ chức các trò chơi dân gian và các hoạt động thể thao…
Đồng chí Lã Thị Liền - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Việc tổ chức Festival Tín ngưỡng thờ Mẫu thượng ngàn gắn với Lễ hội Cơm mới năm Đền Đông Cuông năm 2023 sẽ tiếp tục quảng bá hình ảnh Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đền Đông Cuông và Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội đền Đông Cuông đến với du khách thập phương trong và ngoài nước. Qua đó, du lịch tâm linh cũng như kinh tế - xã hội địa phương cũng được thúc đẩy, phát triển".