"Đừng đưa tôi đi đâu, cho tôi về nhà"
Vậy là, "ông hoàng cải lương" Vũ Linh đã ra đi mãi mãi. Tang lễ của ông được tổ chức tại nhà riêng từ 6/3 đến 9/3. Căn nhà cao tầng với màu sơn cũ kĩ, "nép mình" khiêm tốn trên đường Đoàn Thị Điểm (quận Phú Nhuận, TPHCM) là nơi nghệ sĩ đã gắn bó suốt mấy chục năm qua.
Theo tiết lộ của gia đình, việc tổ chức tang lễ tại nhà chính là làm theo tâm nguyện của Vũ Linh. Ngay cả khi phải nằm viện vì khối u ở giai đoạn cuối, nghệ sĩ vẫn tha thiết được về nhà. Khi đó, dù không thể nói chuyện, ông vẫn viết lên nỗi lòng của mình: "Đừng đưa tôi đi đâu, cho tôi về nhà". Dòng chữ viết tay nguệch ngoạc, run rẩy nhưng rành mạch nội dung khiến gia đình "lực bất tòng tâm" đành đưa ông về...
Những ngày diễn ra tang lễ, hàng ngàn khán giả khắp nơi đổ về tiễn biệt Vũ Linh, tạo nên cảnh tượng chưa từng có nhưng cũng đủ để thấy tình cảm của người hâm mộ dành cho "ông hoàng cải lương" lớn thế nào. "5 năm hay 10 năm nữa, khán giả vẫn nhớ đường Đoàn Thị Điểm có nhà của Vũ Linh và người dân sống trên đường Đoàn Thị Điểm sẽ khó lòng quên được hình ảnh những ngày qua", một người sống gần đó cho hay.
Trong dòng người đến đưa tiễn, phóng viên Dân trí gặp được khán giả Phan Thị Duyên (45 tuổi). Chị cho biết mình cùng một số người chung xóm bắt xe đò từ Đồng Tháp lên TPHCM để tiễn đưa nghệ sĩ Vũ Linh. Vốn là nhà nông chân chất nhưng chị quyết định gác lại mọi việc, để lên thành phố thắp hương tiễn biệt thần tượng. "Nếu có kiếp sau, mong ông vẫn là Vũ Linh của chúng tôi", chị nói.
Đâu đó trong tang lễ, chúng tôi còn bắt gặp hình ảnh một người đàn ông chống nạn chen chúc giữa dòng người để thắp hương cho nam nghệ sĩ. Ông để lộ gương mặt buồn bã, đôi mắt đỏ hoe khi nhìn di ảnh của người nghệ sĩ tài hoa lần cuối.
Trong đêm tiễn biệt Vũ Linh vào tối 8/3, sân khấu được dựng lên trước sân nhà, có sự góp giọng của đông đảo đồng nghiệp, có những ca khúc quen thuộc của Vũ Linh được vang lên và có cả hàng nghìn khán giả ngồi xem chật kín.
Đêm nhạc kéo dài xuyên suốt 5 tiếng và kết thúc đến tận 1h hôm sau nhưng dường như không ai muốn ra về. Nhiều nghệ sĩ xúc động cho biết họ cảm thấy ấm áp vì tình cảm khán giả dành cho "ông hoàng cải lương" quá lớn. Thậm chí, không ít người còn nán lại đến hôm sau để đưa tang.
Trưa 9/3, không chỉ con đường Đoàn Thị Điểm mà dòng người còn phủ kín cả một đoạn đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận, TPHCM). Lực lượng chức năng phải ra sức điều phối giao thông.
Một cụ bà ở độ tuổi U90, dáng người nhỏ nhắn, tay chân run rẩy nhưng vẫn chống gậy dõi theo. Không thể tiến gần đến quan tài của Vũ Linh, bà vẫy tay chào từ xa rồi lặng lẽ lau nước mắt… Trong khi đó, đoàn người chạy theo xe tang, vượt hơn 100km giữa cái nắng trưa oi ả, để đưa Vũ Linh đến tận nơi an nghỉ cuối cùng.
Hồi ức đẹp mãi trong tim người ở lại
Sinh thời, Vũ Linh là người kín tiếng, ít khi nói về mình mà chủ yếu nói về âm nhạc. Chính vì thế, nhiều năm qua, người ta vẫn nghĩ nam nghệ sĩ "sống cô đơn ở tuổi xế chiều". Đến khi ông mất, khán giả mới biết ông cũng có một gia đình đầm ấm bên con cháu chứ không hiu quạnh một mình.
Ngoài 2 người con nuôi là Bình Tinh và Vũ Luân, tang lễ còn có sự xuất hiện của cô con gái tên Hồng Loan được ông ẵm về nuôi từ thuở lọt lòng và một người con trai tên Nguyễn Đức Thanh được nghệ sĩ nuôi nấng từ năm 12 tuổi. Dù không cùng máu mủ nhưng suốt nhiều năm qua, ông yêu thương và dạy dỗ các con hết lòng hết sức.
Hồng Loan chia sẻ: "Cha mẹ khác thương con thế nào thì cha Vũ Linh cũng thương tôi như thế. Tôi lớn lên trong vòng tay của cha. Sự yêu thương của cha dành cho tôi quá lớn nên tôi cũng chưa bao giờ thắc mắc về người đã sinh ra mình. Tôi cũng không bao giờ hỏi cha về chuyện năm xưa để tránh làm ông buồn".
Hình ảnh 4 người con đội tang cho Vũ Linh khiến nhiều người bất ngờ nhưng cũng thấy ấm lòng thay cho ông. Bình Tinh viết trong sổ tang dòng chia sẻ mộc mạc: "Ba ơi, kiếp sau vẫn quánh vô đít con nha ba"...
Chị Lê Trần Kim Nga - người kề cận, lo từng miếng ăn giấc ngủ cho "ông hoàng cải lương" suốt 10 năm qua - cũng vỡ òa trong giây phút đưa tiễn: "Cho tôi mất theo cậu Vũ Linh".
Là một khán giả lâu năm của Vũ Linh, cơ duyên đưa chị Nga trở thành người bên cạnh chăm sóc ông nhiều năm qua. Không cùng "máu mủ ruột rà" nhưng từ lâu họ đã mặc định là người trong nhà, xưng hô cậu - cháu.
Theo lời kể của Hồng Phượng, nhiều lần cố nghệ sĩ Vũ Linh đòi gả Kim Nga nhưng cô nằng nặc đòi ở bên để chăm sóc cậu: "Con lấy chồng rồi, ai lo cho cậu?". Bấy nhiêu cũng đủ thấy cái tình - cái nghĩa ở đời.
Giữa bộn bề cảm xúc của những người ở lại, không thể không kể đến nỗi đau "kẻ tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh" của NSƯT Diệu Hiền - người thầy đã nâng đỡ và yêu thương NSƯT Vũ Linh từ những ngày ông mới bước vào nghề.
Hình ảnh nghệ sĩ U80 chống gậy đến thắp hương chào học trò của mình lần cuối khiến nhiều người không khỏi xúc động. Nữ nghệ sĩ chia sẻ: "Vũ Linh sống nghĩa tình. Ngày tôi đổ bệnh, em xin nghỉ 3 tháng trời để chăm bệnh cho tôi. Ngày mẹ tôi mất, em đưa tôi 5 triệu đồng để lo hậu sự rồi cũng dẹp công việc ở Mỹ để thu xếp về với tôi...".
Những ngày qua, các "cô đào" từng gắn bó một thời với Vũ Linh cũng có mặt, ôn lại nhiều kỷ niệm đẹp về thời vàng son cùng "ông hoàng cải lương". Nghệ sĩ Thoại Mỹ ôm di ảnh của Vũ Linh, nói trong nước mắt: "Những lần đến thăm anh, em biết anh chịu nhiều đớn đau nhưng anh luôn nói "mình không sao" vì không muốn tụi em lo".
Nghệ sĩ Ngọc Huyền quỳ suốt 10 tiếng bên linh cữu nghệ sĩ Vũ Linh, cố không rơi lệ, nhưng rồi lại ngất đi khi hát xong ca khúc Khóc thầm gửi đến người đồng nghiệp quá cố.
Ở Mỹ, nghệ sĩ Tài Linh khóc như mưa khi nghe tin đàn anh qua đời. Vì không thể về nước để tiễn đưa nên lần cuối cùng, họ chỉ có thể gặp nhau qua màn hình điện thoại...