Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (quận 10) là địa điểm ăn uống hút khách bậc nhất TP.HCM. Con phố chỉ dài khoảng 300 m nhưng tập trung hàng trăm gian hàng trải dọc 2 bên với bảng hiệu sáng rực. Từ 16h, con phố bắt đầu chật kín người. Đến hơn 21h, thực khách thưa dần và các gian hàng cũng bán hết sạch.
Trước đây, phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ hội tụ nhiều món ăn Việt Nam. Từ năm 2022, nơi đây được nâng cấp, các món ăn Việt Nam ít dần, thay vào đó là các món đặc trưng của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ… Tuy vậy, nhiều thực khách vẫn mê con phố ẩm thực này.
Thường xuyên thưởng thức các món ăn tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ, Phương Uyên và người bạn đi cùng không tìm thấy nhiều món ăn Việt Nam. "Ở đây các món ăn pha trộn giữa nhiều nước, đa số là món Hàn và món Thái, chỉ có vài món Việt Nam như bánh xèo, gỏi cuốn, ốc nhồi… Riêng món Hàn chúng tôi thấy chưa ngon, chênh lệch nhiều so với hương vị gốc", hai nữ thực khách bày tỏ.
Giống như 2 thực khách trẻ, Min Suh (đến từ Hàn Quốc) và nhóm bạn dễ dàng tìm thấy gian hàng bán gà sốt ngọt kiểu Hàn khi đi khoảng vài bước. Cô cho biết muốn thử món gà Hàn Quốc được chế biến bởi người Việt Nam xem có gì khác biệt so với quê nhà.
Tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ, món ăn Việt Nam thường tập trung ở đoạn cuối, lác đác vài gian hàng ở đoạn đầu. Các gian hàng bán món ăn nước ngoài chiếm khoảng 60% trên tổng số gian hàng. Gần đây, trên con phố xuất hiện thêm các món mới như cánh gà kiểu Mỹ, râu mực giòn Thái Lan, xiên trứng Nhật Bản…
Trở lại Việt Nam lần thứ 2, Lyly và Jason (du khách từ Australia) chia sẻ con phố bán nhiều món nước ngoài nhưng cả 2 vẫn tìm được vài món Việt Nam. "Chúng tôi yêu món Việt Nam nên đến đây theo lời giới thiệu của bạn bè. Cả 2 đã thử nem nướng, bò lá lốt và bánh xèo. Các món này ăn với rau tươi, vị cân bằng. Tôi dự định thử thêm thịt nướng Campuchia vì thấy chế biến rất bắt mắt", thực khách này nói.
Nằm giữa con phố, gian hàng bán pani puri nổi tiếng của Ấn Độ đông thực khách xếp hàng chờ mua. Anh Hưng và chị Dung - chủ gian hàng - cho biết món bánh này họ được một người Ấn Độ hướng dẫn cách làm. Dù mới bán được 2-3 tháng, nhiều thực khách đã đến ủng hộ vì bánh có hương vị đặc biệt. Hơn nữa, sự mới lạ của pani puri cũng giúp tăng sức cạnh tranh với món ngon khác.
Cầm trên tay đĩa bánh pani puri, hai thực khách trẻ sống tại quận Bình Thạnh miêu tả: "Tuy không mong đợi nhiều, hương vị bánh lại khiến chúng tôi bất ngờ. Một chiếc bánh nhỏ nhắn nhưng mang nhiều vị. Chúng tôi ấn tượng với vị chua từ sữa chua và cà chua, vị mặn và mùi thơm từ sốt masala, cộng thêm vỏ bánh giòn rụm".
Ngoài ra, một số món Campuchia như thịt nướng sả, chè, bún num bò chóc… cũng được bày bán không ít. Theo chị Thanh Vân, chủ quán bò nướng Campuchia, nơi đây từng là chợ Campuchia trước khi hình thành phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ nên các món ăn Campuchia được bán tại đây như một nét giao thoa ẩm thực. Đặc biệt, thịt nướng Campuchia thường tẩm ướp theo cách riêng, thu hút được nhiều thực khách.
Quyết định bán một món thuần Việt giữa sự phát triển ồ ạt của các món nước ngoài, chủ gian hàng bánh bột lọc O Gái tâm sự: "Tôi là người gốc Huế, sinh sống ở TP.HCM đã được gần 30 năm. Trước đây, tôi bán bánh bèo, bánh bột lọc ở chợ An Đông, từ ngày Hồ Thị Kỷ mở phố ẩm thực tôi chuyển về đây bán. Bây giờ gian hàng món mới lạ nhiều, nhưng tôi vẫn bán món quê hương của mình".
Adam và Yoe (đến từ Anh) cùng bố mẹ đến phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ lần thứ 2 để thưởng thức một số món ăn Việt Nam như ốc, chén trứng nướng… Hai thực khách nhận xét các món ăn Việt Nam có nhiều vị, đậm đà và ngon. Mỗi khi thử một món mới, họ đều bất ngờ về hương vị.
Bên cạnh các thực khách mong muốn thưởng thức món ăn Việt Nam, một số khách khác lại tìm đến phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ vì thích món ăn nước ngoài. Thực khách Thùy Dương và nhóm bạn chọn ăn kem kẹp Singapore để “đổi gió”. “Mỗi ngày tôi đều ăn món Việt Nam nên muốn làm mới khẩu vị bằng các món nước ngoài. Kem kẹp Singapore là món khoái khẩu của tôi vì lạ miệng, ngon mát”, nữ thực khách bộc bạch.