Từ ngày 30/9, Đà Nẵng cho phép doanh nghiệp tăng lao động tối đa khi đảm bảo các phương án phòng chống dịch. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó vì thiếu lao động, trong khi các đơn hàng với đối tác cần phải đảm bảo đúng hợp đồng ký kết.
Rầm rộ tuyển lao động
Theo ông Ciprian Bota, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng), công ty đang dần khôi phục hoạt động sản xuất nhưng các đơn hàng bị chậm do thời gian qua thực hiện giãn cách xã hội.
Hiện có trên 90% lao động của công ty tiêm 1 mũi vaccine COVID-19 song khó khăn lớn nhất của công ty là khâu tuyển dụng lao động chất lượng cao vào thời điểm này.
“Công ty đang gặp khó trong việc đảm bảo tiến độ đơn hàng do chuyên gia không sang được Việt Nam và lao động chất lượng cao không vào được TP Đà Nẵng. Việc tuyển dụng thêm lực lượng lao động chất lượng cao vào thời điểm này là thách thức không hề nhỏ”, ông Ciprian Bota cho biết.
Những ngày qua, Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng thuộc Khu công nghiệp (KCN) Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng đăng thông tin tuyển dụng. Số lượng lao động công ty cần tuyển là khoảng 500 công nhân theo các đợt trong kế hoạch từ nay đến cuối năm 2021.
Nhằm đảm bảo lực lượng lao động, công ty công bố cụ thể thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng/công nhân và người lao động được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Trả lời VTC News, ông Bùi Minh Vũ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng cho biết, kế hoạch của công ty là sẽ tuyển 500 lao động từ nay đến cuối năm 2021, nhưng lao động chưa có tay nghề sẽ được công ty đào tạo.
“Công ty vẫn ưu tiên người lao động của công ty trở lại làm việc và sau dịch số lượng công nhân trở lại cũng khá nên tình hình sản xuất vẫn ổn định. Vì vậy, công ty tuyển lao động theo các đợt, trải đều từ nay đến cuối năm, tùy theo tình hình thực tế”, ông Vũ cho biết.
Công ty may mặc Whitex Việt Nam (KCN Hòa Khánh mở rộng, quận Liên Chiểu) cũng cần tuyển gấp công nhân may. Theo đại diện doanh nghiệp, công ty sẵn sàng đào tạo nếu lao động chưa có tay nghề và khi được tuyển dụng, công nhân được hưởng đẩy đủ các chính sách theo quy định.
Tương tự, nhiều công ty, doanh nghiệp tại các KCN Đà Nẵng đang tuyển lao động để đẩy mạnh sản xuất những tháng còn lại của năm. Theo các công ty, sau thời gian phải thu hẹp sản xuất để đảm bảo các tiêu chí phòng chống dịch, bây giờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát, công ty được hoạt động với số lượng lớn nên phải gấp rút hoàn thành tiến độ để giao hàng cho đối tác trong, ngoài nước cho dịp cuối năm.
Hàng nghìn lao động đang mắc kẹt
Thống kê sơ bộ, khoảng hơn 2.000 lao động ở các KCN Đà Nẵng đang bị mắc kẹt ở các địa phương. Để từng bước khôi phục sản xuất, Đà Nẵng cho phép người từ địa phương khác có nhu cầu được vào thành phố.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các đơn vị sử dụng lao động cần chủ động đề xuất danh sách lao động ngoại tỉnh để tiêm chủng sớm nhất cho lực lượng này nhằm đảm bảo lực lượng lao động cũng như tiến độ thực hiện đơn hàng, công trình, hoạt động.
Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định tại các KCN, Đà Nẵng đã nhanh chóng bao phủ vaccine cho các đối tượng là lao động làm việc tại đây. Ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng Ba quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, thời điểm hiện tại có khoảng 80% công nhân trong Khu Công nghệ cao và các KCN được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và thời gian tới tỷ lệ này có thể tăng lên 85%.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng cho biết, để kết nối lao động với đơn vị tuyển dụng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức các phiên giao dịch lưu động tại các quận, huyện và liên kết với các sàn giao dịch việc làm khu vực miền Trung - Tây Nguyên để mở rộng cơ hội tìm kiếm lao động.
Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các hình thức tuyển dụng trực tuyến để nâng cao hiệu quả tuyển dụng, đảm bảo các yêu cầu phòng dịch. Hiện Đà Nẵng đang xây dựng phần mềm “Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động” để đưa vào sử dụng cuối năm 2021.
Cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Đà Nẵng cũng khuyến khích doanh nghiệp, người sử dụng lao động chủ động rà soát các điều kiện, phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch, phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
XUÂN TIẾN