Sáng 31/10, thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) khẳng định: "Nhiều đại án trong những năm qua làm cho chúng ta không khỏi giật mình vì thất thoát quá lớn trong khi đất nước còn khó khăn. Ngoài việc liên quan đến tham nhũng, không loại trừ nhận thức, ý thức trách nhiệm, lương tâm và trình độ, năng lực yếu kém của cán bộ lãnh đạo khi đưa ra quyết định không phù hợp, gây ra lãng phí nặng nề, tổn hại khôn lường".
Ông Minh đưa ra ví dụ điển hình là những hoạt động đầu tư ra nước ngoài hay hợp tác với nước ngoài kém hiệu quả, thua lỗ như trong thời gian vừa qua, hay những con số thực sự cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc như: giai đoạn 2016 đến 2021 có nhiều dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; hàng nghìn hecta đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật và nhiều con số đáng suy ngẫm khác.
"Người Việt Nam được cho là thông minh, chăm chỉ, cần cù, trình độ đào tạo chuyên môn ngày một chú trọng nhưng năng suất lao động không cao. Ví dụ điển hình, một trong 15 chỉ tiêu đề ra không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động. Ngoài những lý do khách quan, chắc chắn có yếu tố chủ quan, sự lãng phí trong đào tạo, bố trí, phân luồng, sử dụng, quản lý nguồn nhân lực"- ông nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) bày tỏ băn khoăn hiện tượng lãnh phí trong lĩnh vực công nhiều hơn và trầm trọng hơn khu vực tư.
Theo bà Nga, công tác tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quan tâm, chú trọng vào chất lượng, từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nỗ lực. Thế nhưng, tại khu vực công vẫn còn nhiều thất thoát, lãng phí từ việc nợ đọng thuế, thất thu thuế cho đến hàng nghìn dự án chậm tiến độ mà trong báo cáo nêu rất chi tiết và hằng năm Quốc hội đều xem xét các báo cáo liên quan đến nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) phản ánh việc rà soát, thu hồi, điều chuyển trụ sở dôi dư có chuyển biến tích cực nhưng còn một số hạn chế. Đó là việc bố trí trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết 288 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đối với 45 tỉnh, thành thuộc diện có đơn vị hành chính cần sắp xếp lại còn nhiều bất cập.
Một số địa phương, trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức bị phân tán do vẫn duy trì 2-3 trụ sở làm việc như trước khi sắp xếp đơn vị hành chính. Vẫn còn nhiều trụ sở bỏ không chưa được đưa vào sử dụng, địa phương không có kinh phí để bảo trì, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng.
Ông Mạnh phản ánh thực trạng một số trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành dọc Trung ương đóng ở các tỉnh có quy mô nhỏ hẹp, không đủ diện tích ảnh hưởng đến chất lượng công việc của cán bộ, công chức. Việc thu hồi, điều chuyển trụ sở làm việc dôi dư gần đây đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên một số bộ, ngành, địa phương vẫn chậm thu hồi, điều chuyển chủ sở dôi dư.
"Một số cơ quan ngành dọc của địa phương sau khi đã được tỉnh bố trí xây dựng trụ sở mới nhưng không bàn giao trụ sở cũ cho địa phương quản lý, sử dụng nhiều khu đất có vị trí đắc địa là đất vàng giá trị lớn ở các trung tâm đô thị nhưng bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực"- ông Mạnh nêu.
Để tránh tiếp tục lãng phí trụ sở công như trên, vị đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát danh sách các trụ sở cơ quan, tổ chức, các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021 mà đến nay vẫn chưa thực hiện bố trí, sắp xếp, sử dụng hoặc thanh lý.
Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) phân tích, lãng phí vô hình sẽ làm mất đi cơ hội phát triển, làm lãng phí nguồn lực quý giá, làm suy yếu bộ máy. Những câu chuyện về việc không thể tự chủ bệnh viện, bất cập trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế; cán bộ, công chức không dám làm những việc cần phải làm đã gây trì trệ cho bộ máy, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc. Trong những trường hợp này, tinh thần trách nhiệm, do nhiều nguyên nhân, đã không được phát huy đầy đủ.
Vì vậy, ông Hậu đề nghị cần có sự lưu tâm xứng đáng cho những lãng phí vô hình này. Theo ông, hiện nay các địa phương đang xây dựng dự toán ngân sách năm 2023, tuy nhiên, các quy định về sử dụng nguồn đầu tư công còn bất cập, làm phát sinh nhiều chi phí về thời gian, thủ tục. Bộ Tài chính cần sớm trình hồ sơ nghị quyết bổ sung quy định về sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để thực hiện xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, mở rộng tài sản công hàng năm nhằm khắc phục những bất cập trong việc triển khai thực hiện các vấn đề liên quan trong khi chưa sửa Luật Đầu tư công.
Bức xúc vì Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Phú Yên, Bình Định hư hỏng
Đại biểu Lê Văn Thìn (Phú Yên) phản ánh, cử tri địa phương này đã có ý kiến rất nhiều về sự hư hỏng của tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Phú Yên và Bình Định. Mùa khô thì mặt đường lồi lõm, chắp vá, tạo rãnh mấp mô; mùa mưa thì rất nhiều ổ voi, ổ gà xuất hiện chi chít chỉ sau vài cơn mưa.
"Không chỉ gây khó khăn cho hoạt động đi lại, vận chuyển hàng hóa mà còn nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, để lại nhiều hệ lụy giao thương cho gia đình và xã hội"- đại biểu phản ánh.
Nguyên nhân của vấn đề nêu trên được Khu quản lý đường bộ 3 của Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra: Thứ nhất là do biến đổi khí hậu; thứ hai là do điều kiện đồi núi phức tạp; thứ ba, do hiện trạng đường sử dụng lâu có nhu cầu sửa lớn nhưng không được cấp kinh phí đầy đủ.
Tuy nhiên đại biểu Lê Văn Thìn nêu rõ, những lý do này chưa được cử tri chấp nhận vì không chỉ đến năm nay mà việc hư hỏng mặt đường đã diễn ra trong nhiều năm. Theo báo cáo, số kinh phí được cấp để sửa chữa vào các năm 2021, 2022 và dự kiến năm 2023 lần lượt là: 63,5 tỷ, 125,5 tỷ và 173 tỷ, chiếm 48%-66% nhu cầu sửa chữa.
Đại biểu cho rằng, nếu tính đầy đủ chi phí mà người dân phải mất khi lưu thông qua đoạn đường này như chi phí hư hỏng hàng hóa, hư hỏng phương tiện vận chuyển, chi phí mất nhiều thời gian đi lại… thì con số đó hoàn toàn khác và đây là sự lãng phí rất lớn.
Vì vậy, đại biểu và cử tri Phú Yên đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải có giải pháp sửa chữa hiệu quả, bền vững, tiết kiệm hơn. "Chúng ta có thể thay đổi cách làm, cách tổ chức thực hiện để có chất lượng cao, chống lãng phí mà không cần phải chờ đợi sự thay đổi của chính sách pháp luật"- ông Thìn nêu quan điểm.