Nhiều cơ sở thẩm mỹ sử dụng hoạt chất tiêm giảm béo trái phép

ANH ĐÀO| 14/09/2022 18:02

Hiện nay nhiều các cơ sở thẩm mỹ thường sử dụng hai loại hoạt chất tiêm giảm béo là phosphatidylcholine và deoxycholate để thực hiện dịch vụ giảm béo. Tuy nhiên các hoạt chất này chưa được Bộ Y tế cấp phép tiềm ẩn biến chứng nguy hiểm.

tiem-giam-mo.jpeg
Tiêm tan giảm mỡ nhiều trẻ nguy kịch - Ảnh: Internet

Nghe lời quảng cáo, biến chứng nặng

Ngày 14/9, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn - trưởng khoa phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu Trung ương - cho biết đang điều trị cho một bệnh nhân nữ 17 tuổi, bệnh nhân nhập viện với nhiều ổ áp xe ở vùng hàm, bắp tay, bắp đùi.

Đặc biệt, sẹo chi chít như kẻ ô bàn cờ ở vùng đùi. Để điều trị, các bác sĩ phải rạch, chọc và hút dẫn lưu mủ, bơm rửa vệ sinh đồng thời kết hợp dùng thuốc kháng sinh.

"Bệnh nhân đến khám muộn, các khối áp xe tại vùng bắp tay và bắp chân đều đã tự vỡ nên để lại vết sẹo chi chít. Các bác sĩ chỉ có thể chăm sóc để liền sẹo ở ngoài da. Áp xe tại vùng mặt may mắn chưa bị vỡ nên sau khi điều trị sẽ ổn định hơn", bác sĩ Sơn nói.

Trước đó, một nữ bệnh nhân 29 tuổi (quận 12) nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng bị hở vết khâu vùng hông 2 bên và vết thương phần mềm thành bụng dưới rốn. Qua nhiều lần phẫu thuật thực hiện cắt lọc vết thương phần mềm, hông lưng 2 bên, các bác sĩ khâu da.

Sau hơn 6 tháng điều trị (tại 4 cơ sở). Nữ bệnh nhân cho biết sẽ kiện thẩm mỹ viện tiêm thuốc tan mỡ bụng cho cô trong thời gian tới.

Trường hợp tiếp theo là nữ bệnh nhân 38 tuổi (ngụ Q.4) nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy ngày trong tình trạng hoại tử da vùng bụng và 2 đùi. Sau 1 tháng điều trị bằng kháng sinh, giảm đau, cắt lọc và may da, nữ bệnh nhân đã ổn định và xuất viện.

tiem-tan-mo-bung-3.jpeg
Nhiều hoạt chất giảm béo hiện nay chưa được Bộ Y tế cấp phép - Ảnh: Internet

Nguy hiểm tính mạng

TS BS Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa bỏng - phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết thuốc tan mỡ thành phần chính là phosphatidylcholine (PPC) được hòa tan nhờ deoxycholate (DC) - một loại muối mật. Tên thương mại như Lipostabil, Dermaheal LL hoặc Liponsaure.

Năm 1975, 3 vị bác sĩ người Đức công bố nghiên cứu “viêm phổi sau thuyên tắc béo được điều trị bằng Lipostabil” và khẳng định thuốc thiếu an toàn, hiệu quả kém. Nhưng thuốc vẫn lưu hành ở một số nước châu Âu để điều trị sử dụng thuyên tắc phổi do rối loạn mỡ và rối loạn lipid máu.

Khi tan thuốc Lipostabil vào mô mỡ thì sẽ dần phá hủy tế bào mỡ, biến tế bào mỡ thành dạng huyết tương. Tuy nhiên, nó bên cạnh phá hủy tế bào mỡ, Lipostabil còn phá hủy luôn màng tế bào của tổ chức mạch máu, thần kinh nằm trong vùng bị ảnh hưởng.

Lợi dụng đặc điểm của Lipostabil, một số cơ sở săn sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện đã quảng cáo Lipostabil như một loại "thần dược" làm tan mỡ.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm hai loại hoạt chất tiêm giảm béo là phosphatidylcholine và deoxycholate hiện đang được ứng dụng nhiều tại các cơ sở thẩm mỹ, spa. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Bộ Y tế chưa cho phép thực hiện dịch vụ tiêm tan mỡ giảm béo.

Ngoài ra, nhiều cơ sở quảng cáo về các loại enzyme giúp giảm cân - gần giống enzyme của dịch mật, tụy, dạ dày tiết ra để phân hủy mỡ cơ thể. Nhưng trên thế giới hiện chỉ có những nghiên cứu nhỏ lẻ, chưa đầy đủ về sản phẩm này.

"Liều lượng sử dụng ra sao, tai biến như thế nào... khi tiêm các loại enzyme này đều chưa có nghiên cứu cụ thể nên không thể ứng dụng vào điều trị", bác sĩ Sơn nói.

Bác sĩ khuyến cáo người dân cần lựa chọn những cơ sở uy tín, có bác sĩ chuyên khoa vì đây là những can thiệp xâm lấn, có thể mang lại tai biến ngoài mong muốn.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhiều cơ sở thẩm mỹ sử dụng hoạt chất tiêm giảm béo trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO