Nhiều chiêu trò lừa đảo ở bệnh viện sau dịch COVID-19

ANH ĐÀO| 19/07/2022 17:25

Sau dịch COVID-19, lợi dụng tình hình đông đúc khi bệnh nhân thăm khám nhiều đối tượng trà trộn vào bệnh viện, thực hiện hành vi trục lợi từ người bệnh.

289990672_568391198078907_3450668995528386798_n.jpeg
Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy (CTXH) cho biết gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn có thể liên hệ phòng CTXH để được giúp đỡ, không tin đối tượng xấu  - Ảnh: BVCC

Vào bệnh viện lừa đảo

Trước đó, ngày 7/6, Bệnh viện 108 đã phát đi cảnh báo về trường hợp của chị A. (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đang ngồi chờ phòng nội soi dạ dày, thì được một người tự xưng là bệnh nhân giới thiệu về loại thuốc có tên là “tam thất nam” có thể chữa dứt điểm bệnh dạ dày.

Đang trong tâm thế lo lắng, mệt mỏi, cộng thêm lời chào mời thuyết phục, chị đã tin tưởng và đi theo đến địa điểm mua thuốc tại cổng nhà tang lễ quốc gia.

Đối tượng này khẳng định với chị A. thuốc “tam thất nam” này do chính bác sĩ kê đơn nên yên tâm, nếu uống thuốc tây chỉ có thể giảm tình trạng bệnh đau dạ dày tức thời. Vì tin rằng đối phương cũng là người bệnh giống mình, đã uống thuốc trên và đỡ bệnh nên mặc dù có lăn tăn suy nghĩ nhưng chị vẫn quyết định mua thuốc.

Trong sáng cùng ngày và trước cửa phòng nội soi dạ dày bệnh viện, ông D. cũng bị những người này dẫn dắt. Ông D. cho biết chỗ bán thuốc không cố định, chỉ có 1-2 người bán hàng cùng chiếc xe máy màu đỏ xách túi đen đựng thuốc bên trong.

Sau mỗi đợt lừa đảo và mua bán thành công, nhóm này di chuyển đến nơi khác, do đó bệnh nhân sau khi nhận ra mình đã bị lừa thì không thể trả lại thuốc và lấy lại tiền. Loại thuốc mà nhóm đối tượng trên bán đựng trong túi bóng kính và buộc dây chun sơ sài, không có nhãn mác và hướng dẫn sử dụng, mỗi gói bán với giá khoảng 1 triệu đồng.

Ngày 22/6, phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy (CTXH) đã phát hiện một người phụ nữ giả danh người nhà bệnh nhân nghèo để xin tiền nhà hảo tâm. Người phụ nữ này lân la tại khoa chấn thương sọ não “kể nghèo, kể khổ” về hoàn cảnh bệnh nhân N.T.M. (sinh năm 1963) cùng các giấy tờ tùy thân, kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT). Bên cạnh đó, còn mang bên người tờ giấy “phiếu tạm thu” với số tiền 5.000.000 đồng để xin giúp đỡ.

Khi được một người trong bệnh viện là anh Khánh có ý định giúp đỡ, để tránh bị lừa gạt, anh đã thận trọng đề nghị người phụ nữ này cùng đến phòng CTXH để xác minh thông tin. Trong quá trình di chuyển đến Phòng CTXH, người phụ nữ này đã “biến mất”.

“Khi anh Khá đến Phòng CTXH, chúng tôi đã mời bảo vệ Bệnh viện phối hợp kiểm tra và xác định người phụ nữ kia là đối tượng lừa gạt. Đối tượng làm giả Phiếu tạm thu với những thông tin của bệnh nhân rồi đi xin tiền khắp bệnh viện. Nếu không đủ tỉnh táo, nhà hảo tâm rất dễ bị bà ta lợi dụng lòng thương để lừa lấy tiền.

Thật may mắn anh Khá đã rất thận trọng, anh cho biết vốn đã có tâm nguyện giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, nên khi nghe người phụ nữ trên kể khổ, anh cũng mủi lòng. Tuy nhiên, với sự cảnh giác cao, lòng tốt của anh đã không bị kẻ xấu lợi dụng”, Thạc sĩ Lê Minh Hiển, trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy nói.

lua-dao-16546573974441816630584.jpeg
Nhiều đối tượng xấu trà trộn vào bệnh viện để bán thuốc cho người bệnh - Ảnh: BVCC

Cẩn trọng với cò mồi

Sau dịch COVID-19, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã thường xuyên phát đi cảnh báo về tình trạng cò mồi tung hoành, hoạt động mạnh trước cổng bệnh viện. Để cảnh báo cho người dân, tại các cổng bệnh viện đã có loa thông báo hàng ngày.

Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cảnh báo người dân đến khám bệnh tại bệnh viện lưu ý cần tỉnh táo để không bị lừa đảo, thiệt hại về tài sản cũng như sức khỏe. Tuyệt đối không tin lời mời chào, mua thuốc của những người không rõ lai lịch, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ và chưa được kiểm định. Người bệnh chỉ nên mua thuốc khi có đơn kê của bác sĩ.

Thạc sĩ Lê Minh Hiển - trưởng phòng công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết cuối tháng 3/2022 bệnh viện đã phát đi cảnh báo một số các đối tượng mượn danh nghĩa bệnh viện để lừa đảo. Cụ thể, các đối tượng này lấy thông tin của một người bệnh từng điều trị tại bệnh viện từ rất lâu, rồi đổi thành tên bệnh nhân khác có hoàn cảnh thương tâm đăng lên mạng xã hội để kêu gọi chuyển tiền giúp đỡ.

Thạc sĩ Hiển cũng thông tin thêm, tại Bệnh viện Chợ Rẫy để tránh trường hợp những đối tượng giàn cảnh, lừa đảo, bệnh viện phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ. Các nhân viên y tế tại bệnh viện liên tục nhắc nhở bệnh nhân nếu có khó khăn liên hệ với phòng công tác xã hội, không đưa tiền, chuyển tiền cho bất cứ người xa lạ nào.

Phía bảo vệ bệnh viện nếu phát hiện một đối tượng lạ, đội ngũ sẽ cảnh báo thông qua bộ đàm, điều phối lực lượng bảo vệ đến giữ an ninh trật tự. Nếu trường hợp bệnh nhân bị lừa có thể liên hệ ngay với bảo vệ để được hỗ trợ và cảnh báo cho những người bệnh khác.

Hiện trên mạng xã hội xuất hiện nhiều fanpage, trang mạng xã hội mạo danh, sử dụng tên các bệnh viện lớn để lừa đảo tư vấn, khám bệnh trực tuyến, bán thuốc nhằm trục lợi từ người bệnh.

Cụ thể, nhưng trang này mạo danh là trang của các bệnh viện lớn có tên tuổi như: Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân Y 103, Bệnh viện 198…sau đó sao chép và đăng tải lại những bài đăng, dùng logo, ảnh bìa trang của các bệnh viện khiến nhiều người dân nhầm lẫn. Sau đó đăng các bài viết nhằm mục đích kê đơn, bán thuốc cho người bệnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chiêu trò lừa đảo ở bệnh viện sau dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO