Hết xăng, lỗ vốn nên đóng cửa cây xăng
Trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, giá gas, giá xăng dầu đang chịu tác động rất lớn từ thị trường thế giới. Hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao.
Đặc biệt, sự kiện nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động do khó khăn về tài chính, điều này tác động rất lớn đến nguồn cung xăng dầu trong nước.
Tại các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội, cơ bản nhiều cửa hàng xăng dầu vẫn mở cửa bán hàng, đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng và không có hiện tượng cây xăng phải nghỉ bán. Tuy nhiên, vẫn có một số cửa hàng treo biển bán theo khung giờ, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán, thông tin trên tờ Lao Động cho hay.
Theo ghi nhận của Báo Tuổi Trẻ, tại cửa hàng xăng dầu Nguyễn Văn Việt, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, An Giang ngày 7-2 vẫn "cửa đóng then cài" sau khi có đơn gửi chính quyền xin nghỉ bán từ ngày 5-2. Lý do chính là cửa hàng lấy xăng 95 giá 24.560 đồng/lít, bằng với giá bán ra 24.560 đồng/lít, lỗ chi phí nên xin nghỉ bán.
Một số cửa hàng bán lẻ như cửa hàng xăng dầu số 58 thuộc Công ty cổ phần dầu khí Mê Kông, ở phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc treo bảng "hết xăng 95". Nhân viên tại đây cho biết cửa hàng này đã hết xăng 4 ngày nay. Hiện tại chỉ còn bán xăng E5 nhưng lượng còn rất ít.
Ông Nguyễn Ngọc Thới - giám đốc DNTN An Kiên - cho biết trước đây ông bán có chiết khấu từ 200 - 1.000 đồng/lít xăng. Nhưng hiện một số đầu mối lỗ nên không có "hoa hồng", khiến các cửa hàng bán xăng đều thua lỗ 300 - 500 đồng/lít.
Tại Hà Nội, ngày 7-2 không có hiện tượng cây xăng phải nghỉ bán, chỉ rải rác một số cửa hàng treo biển bán theo khung giờ.
Tuy nhiên, anh N.Hải (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho hay vừa rồi đổ xăng ở một cây xăng đầu đường Hoàng Quốc Việt nhưng cửa hàng này thông báo hết xăng E5RON92, đề nghị khách mua xăng RON95, thông tin trên tờ Tuổi Trẻ cho biết.
Tăng cường trách nhiệm trong đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Theo Thời báo Tài chính, trả lời về việc sụt giảm công suất của nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới đây, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết, trách nhiệm của doanh nghiệp là đảm bảo cung cấp sản lượng xăng dầu theo đúng hợp đồng đã ký kết và theo quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện cung ứng khoảng 30-35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam, vậy nên chỉ cần có sự thay đổi trong hoạt động của nhà máy này thì chắc chắn có tác động nhất định đến một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước, từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã có Công văn yêu cầu NSRP (Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn) báo cáo tình hình sản xuất xăng dầu, nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xăng dầu theo đúng kế hoạch sản xuất xăng dầu, nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xăng dầu, tiêu thụ sản phẩm xăng dầu đã đăng ký với Bộ Công Thương năm 2022. Đồng thời, báo cáo kế hoạch giao hàng cho các khách hàng đã ký kết hợp đồng trong Quý I và các tháng kế tiếp năm 2022.
Tại công văn trả lời Bộ Công Thương, NSRP cho hay lý do dẫn đến hủy mua các chuyến dầu thô và giảm công suất nhà máy so với kế hoạch là tình hình tài chính khó khăn của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, vấn đề khó khăn là ở nội tại doanh nghiệp, tuy nhiên trách nhiệm của NSRP là phải đảm bảo cung cấp đủ sản lượng mặt hàng xăng dầu thành phẩm cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu theo đúng hợp đồng đã ký kết và theo quy định pháp luật, đặc biệt là Nghị định số 95/2021/NQ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa, đặc biệt trong thời điểm trước Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm và đi lại của người dân tăng cao, Bộ Công Thương đề nghị NSRP nâng cao trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, tuân thủ việc thực hiện các Hợp đồng giao xăng dầu đã ký kết với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không để xảy ra việc đứt gãy nguồn cung đột ngột, gây khó khăn cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc tìm kiếm nguồn hàng thay thế cung cấp cho thị trường nội địa.
Về phía mình, Bộ Công Thương trước đó đã có văn bản và liên hệ trực tiếp với một số đầu mối kinh doanh xăng dầu, đặc biệt những doanh nghiệp có thị trường lớn như Petrolimex, PVOil,… để có sự phối hợp chỉ đạo, “phải chủ động tìm nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng không chỉ phục vụ nhu cầu đời sống của người dân mà còn phục vụ nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp”.
Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) là Công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4/2008 do bốn thành viên góp vốn, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó PVN góp vốn 25,1%. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNNTDN) - cơ quan chủ quản của PVN - được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn này.
Bộ Công Thương