Vườn quốc gia Tà Đùng được thành lập theo Quyết định 185/QĐ-TTg, ngày 08/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chuyển hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng thành Vườn quốc gia Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông.
Tổng diện tích tự nhiên theo quy hoạch của Vườn quốc gia Tà Đùng gần 21.000ha. Tổng diện tích vùng đệm của Vườn quốc gia gần 25.000ha, nằm trên địa giới hành chính của 7 xã giáp ranh với Vườn Quốc gia, thuộc 4 huyện của 2 tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng.
Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng, độ che phủ rừng trên diện tích đơn vị được giao quản lý hiện nay là 85%. Chiều dài bao quanh toàn bộ diện tích đơn vị được giao quản lý lên đến 140km. Chiều dài từ trụ sở Vườn Quốc gia đến một số trạm quản lý, bảo vệ rừng gần 150km, đường sá đi lại khó khăn, địa hình chia cắt. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng của Vườn Quốc gia Tà Đùng thuộc diện thiếu thốn và yếu nhất so với 30 Vườn Quốc gia hiện có trong cả nước.
Rừng trồng trên lâm phần Vườn Quốc gia Tà Đùng
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng ký kết hợp tác quản lý, bảo vệ rừng với các đơn vị liên quan
Rừng trong vùng lõi Vườn Quốc gia Tà Đùng
Về vị trí địa lý, Vườn Quốc gia Tà Đùng nằm trong khu vực Tây Nguyên, là nơi có đặc trưng bởi kiểu rừng kín thường xanh nhiệt đới núi thấp. Đây là các mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng nguyên sinh hiếm có vùng Cao Nguyên. Theo các nhà khoa học, Vườn Quốc gia Tà Đùng có giá trị đa dạng sinh học cao với hơn 1.400 loài thực vật bậc cao trong đó có 89 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, có 69 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007), và 27 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN.
Về hệ động vật, Vườn Quốc gia Tà Đùng có 574 loài (thuộc 38 bộ), 124 họ (trong đó có 37 loài thuộc diện quý hiếm cần bảo vệ), 34 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 37 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN, và 3 loài Thú đặc hữu Việt Nam.
Nằm trên khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, Tà Đùng được xác định là địa điểm bảo tồn quan trọng thuộc khu vực bảo tồn cảnh quan lưu vực sông Đồng Nai, khu vực bảo tồn cảnh quan Nam Trường Sơn và là một phần của khu vực chim đặc hữu cao nguyên Đà Lạt – một trong bốn vùng chim đặc hữu của Việt Nam và một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới.
Rừng bán ngập trên lâm phần Vườn Quốc gia Tà Đùng
Thảm thực vật phong phú, kỳ bí trong Vườn Quốc gia Tà Đùng
Chăm sóc rừng trồng tại Vườn Quốc gia Tà Đùng
Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng, trong những năm qua, vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về địa bàn rộng, địa hình phức tạp, chia cắt, dân di cư tự do phức tạp, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại đơn vị được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Nhiều năm liền trên lâm phần đơn vị được giao quản lý, bảo vệ hầu như không xảy ra tình trạng phá rừng, tình trạng khai thác lâm sản, săn bắt đã được kiểm soát tốt. Hàng năm, công tác phòng cháy chữa cháy rừng luôn được chú trọng. Hơn 10 năm qua, trên lâm phần được giao cho Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (từ 2018 là Vườn Quốc gia Tà Đùng) quản lý không để xảy ra vụ cháy rừng đáng kể.
Bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng tập trung, để huy động sức dân tham gia phối hợp quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho bà con, cộng đồng các dân tộc thiểu số sống gần rừng, giai đoạn 2017 – 2020, Vườn Quốc gia Tà Đùng đã tổ chức thực hiện khoán bảo vệ rừng cho hơn 200 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số với diện tích hơn 6.000ha. Trong giai đoạn này, Vườn Quốc gia Tà Đùng đã chi trả tiền nhận khoán bảo vệ rừng gần 22 tỷ đồng (bao gồm cả tiền dịch vụ môi trường rừng và ngân sách nhà nước hỗ trợ). Mức chi trả hàng năm cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng 20-25 triệu đồng/hộ/năm.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Vườn Quốc gia Tà Đùng tiếp tục thực hiện khoán bảo vệ rừng cho 153 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng đệm với tổng diện tích hơn 3.000 ha, ước kinh phí chi trả trên 16 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg, ngày 01/6/2012 chủa Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 – 2020, Vườn Quốc gia Tà Đùng đã hỗ trợ cho gần 90 lượt vùng đệm (18 vùng đệm/năm) để thực hiện các công trình công cộng như: Cổng chào, nhà văn hòa, đường giao thông,… góp phần phát triển vùng đệm Vườn Quốc gia. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các chương trình này gần 3,6 tỷ đồng.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng cũng phối hợp với các Trường đại học như Đại học Lâm nghiệp, Đại học Tây Nguyên…; các tổ chức trong nước như: Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Viện Sinh học Nhiệt đới, Viện Sinh thái rừng,… thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học tại Vườn Quốc gia, góp phần từng bước ổn định cơ sở dữ liệu về bảo tồn đa dạng hinh học tại Vườn Quốc gia Tà Đùng.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Cảnh quan rừng thường xanh trên núi nằm giữa 2 cao nguyên Đắk Nông và Di Linh cùng với giá trị đa dạng sinh học đã giúp Vườn Quốc gia Tà Đùng được đánh giá có tiềm năng lớn cho ngành du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học. Về khí hậu, đỉnh Tà Đùng cao 1.982m so với mực nước biển, khí hậu tại Tà Đùng mát mẻ quanh năm, thích hợp cho các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, leo núi... Nhiệt độ quanh năm dao động ở mức 220C, độ ẩm không khí cao (khoảng 80%) giúp Tà Đùng được ví như Đà Lạt thứ 2.
Đặc biệt, lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 tạo thành một hồ nước nhân tạo với diện tích mặt hồ dao động từ 3.400 - 5.700 ha (tùy theo mực tích nước của hồ thuỷ điện vào các mùa trong năm). Trên mặt hồ có 47 hòn đảo lớn nhỏ hình thành một cảnh quan thiên nhiên vừa hùng vỹ, vừa hữu tình, tạo ra sự hấp dẫn lớn cho du khách. Nơi đây từ lâu được ví như “Hạ Long trên Tây Nguyên” với thắng cảnh, khí hậu độc đáo, hiếm có.
Trong các năm qua, từ nguồn vốn của các dự án, chương trình trồng rừng thay thế, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng đã chủ trì, phối hợp với các bên liên quan thực hiện nhiệm vụ phát triển rừng, nâng cao độ che phủ rừng. Trong các năm từ 2014 – 2021, Vườn Quốc gia Tà Đùng đã thực hiện trồng mới được gần 620ha rừng, bao gồm rừng bán ngập tại lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 và diện tích trồng rừng tập trung. Nhiều diện tích rừng bán ngập tại lòng hồ Tà Đùng cũng như nhiều vạt đồi được phủ xanh bởi các loại cây bản địa như thông ba lá, sao đen… đã tạo nên một điểm nhấn mới đối với du khách đặt chân tới đây. Việc trồng rừng, phủ xanh rừng đã khoác lên diện mạo mới cho điểm đến hấp dẫn bậc nhất tỉnh Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Một góc hồ Tà Đùng, nơi được ví như Vịnh Hạ Long trên Cao Nguyên
Hồ Tà Đùng là một điểm đến độc đáo của Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung
Bên cạnh các lợi thế về khí hậu, thắng cảnh, đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Tà Đùng còn là một điểm đến độc đáo với các giá trị văn hóa đặc sắc. Cộng đồng các dân tộc sống gần Vườn Quốc gia chủ yếu là cư dân các dân tộc M’Nông, Mạ, K’Ho với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng còn lưu giữ như các nghề thủ công truyền thống, như dệt thổ cẩm, đan lát; Các nghi lễ nông nghiệp đặc trưng như: cúng phát rẫy, cúng đốt rẫy, cúng lúa trổ đòng, cúng sắp gieo lúa, cúng lúa về nhà…; Cộng đồng các dân tộc nơi đây cũng có nhiều hoạt động lễ hội đặc thù như Lễ ăn trâu, Diễn xướng truyền khẩu và âm nhạc dân gian với các nhạc cụ tiêu biểu như: Đàn đá, cồng chiêng, trống, khèn bầu, đàn môi… Bên cạnh đó các dân tộc di cư phía Bắc vào cũng mang theo nhiều nét văn hóa độc đáo về văn hóa đến vùng đất mới, nơi họ coi như là quê hương thứ hai. Có thể kể đến như: thổi khèn; trang phục truyền thống của người Mông; các món ăn đặc sản như thắng cố, gà Mông…. Du khách đến với Tà Đùng có thể bắt gặp một “Tây Bắc” trong lòng “Tây Nguyên”.
Việc phát triển du lịch tại Vườn Quốc gia Tà Đùng và khu vực phụ cận đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông quan tâm, ưu tiên tập trung nguồn lực. Thời gian qua, cơ sở hạ tầng phục vụ việc tham quan, thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng xung quanh hồ Tà Đùng được cải tạo, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách. Hiện Đắk Nông đang cho quy hoạch để đầu tư bài bản, phát triển du lịch tại hồ Tà Đùng, thắng cảnh có một không hai của tỉnh nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung./.
Hưng Thịnh