Với những bệnh nhân không mắc COVID-19 nhưng bị nhiễm khuẩn bệnh viện, thời gian hồi phục và diễn tiến bệnh rất phức tạp. Nhưng đối với những bệnh nhân mắc COVID-19, nếu bị nhiễm khuẩn bệnh viện, tỉ lệ tử vong là rất cao.
Đơn cử nhiễm khuẩn bệnh viện nặng là trường hợp của bệnh nhân P.C.Đ. (41 tuổi) - là chiến sĩ thuộc đội phòng chống tội phạm Công an phường Phú Trung, quận Tân Phú, TPHCM.
Ngày 6.6.2021 nhập viện trong tình trạng sốt, mệt và khó thở sau một thời gian tham gia nhiệm vụ phòng chống dịch trên địa bàn. Kết quả xét nghiệm sau đó xác định anh dương tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Công an Thành phố (TPHCM) qua Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM điều trị trong tình trạng tổn thương phổi tiến triển, tiên lượng xấu.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) tiếp tục chạy ECMO. Theo TS.BS Lê Quốc Hùng – Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, sau thời gian dài nằm điều trị, bệnh nhân bị nhiễm trùng đa kháng khiến quá trình điều trị rất vất vả, tỉ lệ tử vong cao. Cũng may bệnh nhân P.C.Đ tuổi vẫn còn trẻ nên phục hồi sau hơn 1 tháng điều trị.
Ở tại các bệnh viện lớn, như Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, tỉ lệ nhiễm khuẩn rất cao vì có nhiều mặt bệnh cùng điều trị.
Trường hợp của bệnh nhân trên chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện. Thông thường, nhiễm khuẩn bệnh viện rơi vào những bệnh nhân có vết thương hở, hoặc bệnh nhân nằm viện quá lâu dẫn đến nhiễm trùng.
Hiện nay, Việt Nam là nước có tỉ lệ bệnh nhân nhiễm khuẩn bệnh viện cao nhất thế giới, gần đây tỉ lệ này vẫn duy trì cao. Đáng lưu tâm nhất vẫn là số lượng vi khuẩn kháng thuốc tăng, nhưng số thuốc nghiên cứu ra để ứng phó với những loại vi khuẩn kháng thuốc thì rất ít.
Năm 1940 loại thuốc kháng khuẩn đầu tiên là Penicillin, từ thập niên 1980-1990 có nhiều loại kháng sinh mới được nghiên cứu ra đời, nhưng từ năm 2010 -2020 gần như không có kháng sinh mới, trong khi tình trạng vi khuẩn kháng thuốc tăng mỗi ngày.
Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố có 8 loại thuốc mới được nghiên cứu, nhưng tại Việt Nam chỉ có 1 loại thuốc điều trị nhiễm khuẩn. Để điều trị loại thuốc này rất tốn kém nên các bác sĩ thường phải kết hợp nhiều loại thuốc với nhau điều trị, nhưng hiệu quả chưa cao.
“Đặc biệt đối với những bệnh nhân mắc COVID-19 phải nhập viện thở máy, thời gian nằm viện dài, cộng với suy giảm hệ miễn dịch nên tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện rất lớn, gây khó khăn cho bệnh nhân và cả lực lượng y tế. Nhiều bệnh nhân vì bị nhiễm khuẩn bệnh viện, cộng với con bão cytokine bùng phát nên tử vong rất nhanh”, TS.BS Lê Quốc Hùng chia sẻ.
Để giảm tỉ lệ người bệnh bị nhiễm khuẩn ngoài sự nỗ lực từ phía bệnh viện, thì người dân hạn chế ra vào bệnh viện nếu không thực sự cần thiết, tránh tụ tập nơi đông người, đặc biệt là tránh tiếp xúc những khu vực có bệnh nhân nặng, cần môi trường sạch để hồi phục.