Khoảng 4h ngày 12/11, trên đường về nhà, anh Nguyễn Văn Tấn (29 tuổi) cùng hai người bạn Nguyễn Phúc Huy (26 tuổi) và Nguyễn Văn Ly (32 tuổi) nhặt được một chiếc ví gần công viên Daimon, đoạn giao khu tổ hợp Kamishin Plaza (Osaka, Nhật Bản).
Nhìn thoáng qua, Huy phát hiện bên trong chiếc ví ngoài tiền mặt còn có giấy tờ tùy thân, trong đó một chiếc thẻ ghi địa chỉ của người chủ.
"Sau khi tra địa chỉ trên bản đồ, chúng tôi nhận ra vị trí gần nhà mình, chỉ mất 5 phút đạp xe", anh nói.
Video: Nhặt được ví của người Nhật, hai công nhân Việt đạp xe đến trả tận nhà (Nguồn: Nhân vật cung cấp).
8h cùng ngày, anh Tấn cùng anh Ly đạp xe đến tận nơi trả ví cho người đánh rơi. Do nhiều nhà cùng chung địa chỉ, nên lần đầu bấm chuông, một người phụ nữ bước ra bảo nhầm nhà. Người này sau đó hướng dẫn họ sang căn nhà bên cạnh hỏi thăm.
Lúc này, một người đàn ông ngoài 30 tuổi bước ra, bất ngờ khi nhận lại chiếc ví. Anh nói khi được hai người Việt Nam mang đến trả mới biết bản thân đánh rơi tài sản, muốn gửi một khoản tiền cảm ơn nhưng anh Ly từ chối.
"Anh ấy nói rằng tối 11/11 về nhà muộn chưa kịp kiểm tra đồ đạc, nên không biết bị mất ví", anh Tấn giải thích.
Vợ của người đàn ông đưa giấy bút, muốn xin địa chỉ nhà để gửi quà hậu tạ, song anh Tấn và anh Ly một lần nữa từ chối.
Anh Nguyễn Văn Ly (ngồi ngoài cùng bên trái), anh Nguyễn Văn Tấn (ngồi cạnh) và anh Nguyễn Phúc Huy (đứng ngoài cùng bên phải) (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Hành động của nhóm người Việt thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Đoạn video nhận về hàng nghìn lượt yêu thích và bình luận khen ngợi, nhưng một số ý kiến cho rằng nên đưa chiếc ví cho cảnh sát thay vì tự ý mang trả cho người Nhật.
"Chúng tôi mang đi trả ngay vì nghĩ nếu bản thân rơi vào hoàn cảnh đó, thì việc tìm lại chiếc ví rất vất vả", anh Ly chia sẻ.
Nhóm ba người Việt quê ở Huế và Nghệ An, sang Nhật Bản từ năm 2016 - 2018. Họ sống chung nhà với những công nhân người Việt khác, làm lắp đặt giàn giáo xây dựng tại Osaka.
Đây không phải lần đầu anh Tấn nhặt được ví đánh rơi tại Nhật Bản. Mỗi lần như vậy, anh đều tìm cách trả lại hoặc mang đến đồn cảnh sát gần nhất.
"Chúng tôi muốn lan tỏa thông điệp tích cực, đặc biệt hình ảnh đẹp về người Việt Nam ở nước ngoài", anh nói.
Theo Dân Trí